Thứ Hai, 20/5/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 1/8/2022 8:30'(GMT+7)

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Giang trong thời kỳ đổi mới

Lễ hội đền Dành, huyện Tân Yên.

Lễ hội đền Dành, huyện Tân Yên.

TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ, CON NGƯỜI BẮC GIANG

Bắc Giang là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, là nơi có nhiều địa danh gắn với những chiến công vang dội chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Bởi vậy, vùng đất này phong phú, đa dạng các di sản văn hóa. Tiêu biểu, nổi bật đó là: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) - Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm thời Trần do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập thế kỷ XIII, nơi lưu giữ kho Mộc bản với 3.050 bản đã được vinh danh là Di sản Tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên) có vườn tháp lớn nhất Việt Nam và bảo vật quốc gia Bộ mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới; Di tích quốc gia đặc biệt Những điểm khởi nghĩa Yên Thế; Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang; Đình Lỗ Hạnh, Lăng Dinh Hương (huyện Hiệp Hoà),... Đặc biệt, phía Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang còn là nơi gắn liền với Phật giáo Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập với hệ thống các di tích còn lưu giữ đến ngày nay như Chùa Am Vãi, chùa Hòn Tháp, chùa Mã Yên, chùa Bát Nhã, chùa Hồ Bấc…

Nghệ thuật trình diễn dân gian của Bắc Giang đa dạng và phong phú như Quan họ, Ca trù, dân ca Cao Lan, dân ca Sán Chí,… là những loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc. Trong đó có 2 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể: Quan họ và Ca trù. Các lễ hội được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia như lễ hội Thổ Hà, lễ hội Yên Thế, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm. Nhiều làng nghề truyền thống được lưu giữ, bảo tồn và phát triển đến ngày nay như nấu rượu làng Vân, Mây tre đan xã Tăng Tiến, làng bánh đa, kẹo lạc Thổ Hà (huyện Việt Yên); gốm làng Ngòi (huyện Yên Dũng); làng mỳ Chũ (huyện Lục Ngạn); làng bánh đa Kế, làng bún Đa Mai (TP Bắc Giang),…

Bắc Giang là miền quê có truyền thống hiếu học, khoa bảng. Trong lịch sử đã có 60 vị đỗ đại khoa, đạt học vị Tiến sĩ thời phong kiến. Các vị đỗ đạt cao, có tên trong lịch sử được khắc tên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Văn Miếu Bắc Ninh; văn chỉ các làng xã... Tiêu biểu nhất phải kể đến Thân Nhân Trung - người làng Yên Ninh (huyện Việt Yên) đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1469) là danh sĩ nổi tiếng được vua Lê Thánh Tông đánh giá cao về tài, đức.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Bắc Giang luôn gắn liền với những chiến công hiển hách và hào hùng của dân tộc, mang trong mình nhiều giá trị truyền thống của dân tộc tinh thần yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, như: cuộc kháng chiến chống quân Tống của nhà Lý trên phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu), trận Xa Lý - Nội Bàng và trận thuỷ chiến trên Lục Đầu Giang (Phả Lại) chống giặc Nguyên - Mông của triều Trần, trận Cần Trạm - Xương Giang - Hố Cát chiến thắng giặc Minh của nhà Lê, khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp do Lương Văn Nắm và  Hoàng Hoa Thám lãnh đạo…

Một phần Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm

Một phần Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm

 NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA VĂN HOÁ, CON NGƯỜI BẮC GIANG SAU 25 NĂM TÁI LẬP TỈNH

Ngày 01/01/1997, theo Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, tỉnh Bắc Giang chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới, sau khi tách ra từ tỉnh Hà Bắc. Sau 25 tái lập tỉnh, phát huy truyền thống lịch sử của người dân xứ Kinh Bắc, Đảng bộ và nhân dân Bắc Giang đã đoàn kết, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đưa Bắc Giang từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh phát triển trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Tháng 12 năm 1999, Tỉnh ủy Bắc Giang đã có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), ra nghị quyết về việc lãnh đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” Thời gian sau, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng đời sống văn hóa, Tỉnh ủyđã xác định một trong 5 chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVI là“Chương trình xây dựng và phát triển văn hoá - thông tin tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006 – 2010; UBND tỉnh phê duyệt các đề án như: Đề án “Xây dựng, củng cố và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hoá thông tin tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006 - 2010”; đề án “Xã hội hoá các hoạt động văn hoá tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006 - 2010”; đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2003 - 2010”… góp phần định hướng và chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đạt nhiều kết quả tích cực.

Các phong trào và cuộc vận động như: Xây dựng “Người tốt, việc tốt” và các điển hình tiên tiến; xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Học tập, lao động sáng tạo”… được triển khai sâu rộng, đạt nhiều kết quả đáng tự hào. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII (7/12/2015) xác định: “Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người Bắc Giang phát triển toàn diện”(1). Thực hiện chủ trương trên, Đại hội nhấn mạnh cần tập trung thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI. Quan tâm giáo dục tư tưởng, lối sống cao đẹp cho thanh thiếu niên. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; trong đó trọng tâm là xây dựng gia đình, làng bản, tổ dân phố văn hóa. Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, văn minh đô thị và nơi công cộng. Ngày 18/01/2018, Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 05/KH-BCĐ xác định phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa công sở, nếp sống văn minh đô thị và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 74/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số nghi lễ, sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Đến năm 2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX tiếp tục khẳng định: “Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người Bắc Giang phát triển toàn diện; quan tâm giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống địa phương. Gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa(2). Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, quan tâm giáo dục tư tưởng, lối sống cao đẹp cho người dân. Chú trọng công tác xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm bình đẳng giới trên các lĩnh vực; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Cùng với đó, chăm lo sự nghiệp văn hóa, trọng tâm là xây dựng đời sống mới ở khu dân cư gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Kết quả đã đạt được “Năm 2000, toàn tỉnh có 45% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đến năm 2020 đã có 89,7% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, tăng 44,7% so với năm 2000. Từ 615 thôn, tổ dân phố văn hóa năm 2000 (tỷ lệ 25,8%), đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 1.618 thôn, tổ dân phố văn hóa (chiếm tỷ lệ 76%). Năm 2012, toàn tỉnh có 14/207 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” (tỷ lệ 07%) và 05/23 phường, thị trấn được công nhận “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” (tỷ lệ 22%), đến nay, đã có 122/184 xã được công nhận “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” (tỷ lệ 66,3%) và có 22/25 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (tỷ lệ 88%)…(3).

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn. Từ 18 làng quan họ cổ, trong đó có 5 làng được được UNESCO ghi danh năm 2009, đến nay, tỉnh đã có 84 câu lạc bộ quan họ với gần 1.500 hội viên tham gia, hàng trăm nghệ nhân có khả năng truyền dạy quan họ. Ca trù từ chỗ chỉ có một câu lạc bộ năm 2009, đến nay, toàn tỉnh đã có bảy câu lạc bộ ở các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, Tân Yên và Tp. Bắc Giang. Hàng năm, tỉnh và các địa phương trong tỉnh đều tổ chức liên hoan quan họ, ca trù, thu hút đông đảo nghệ nhân và nhân dân tham gia hưởng ứng.

Tỉnh Bắc Giang có ba di sản văn hóa được UNESCO công nhận: Dân ca qua họ, Ca trù, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Bên cạnh đó, Bắc Giang còn có Di sản Mộc bản chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên) là mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới; Hương án đá hoa sen chùa Khám Lạng (huyện Lục Nam) và Bia hộp đá đồi Cốc (xã Dĩnh Trì) được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đây là các di sản quý mà tỉnh Bắc Giang đang quan tâm bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị. Dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử được đầu tư xây dựng đã tái hiện được con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, đây là điểm du lịch văn hoá, tâm linh - sinh thái lớn của tỉnh Bắc Giang góp phần bảo tồn, phát triển văn hoá, kinh tế - xã hội của địa phương.

NHỮNG KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ

25 năm qua, công tác xây dựng văn hoá, con người của tỉnh Bắc Giang đã có những thành tựu rõ nét, tuy nhiên còn gặp những khó khăn, hạn chế như: Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường tác động sâu sắc; Môi trường văn hoá còn chịu nhiều tác động, ảnh hưởng xấu của tệ nạn xã hội; Công tác quản lý Nhà nước đối với dịch vụ văn hóa có lĩnh vực còn hạn chế; Việc xây dựng các thiết chế văn hoá còn nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ làm văn hoá còn thiếu người có chuyên môn sâu về nghiệp vụ; Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền ở cơ sở chưa nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của văn hóa; Công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hoá còn chưa chặt chẽ.

Nguyên nhân của những khó khăn hạn chế trên đó là:

Về nguyên nhân khách quan: Mặt trái của cơ chế thị trường cùng sự bùng nổ thông tin đa chiều, sự tác động của bối cảnh toàn cầu hóa dẫn đến sự xâm nhập của nhiều yếu tố văn hóa mới, làm thay đổi tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ và người dân, khiến cho các giá trị văn hóa truyền thống bị suy giảm; Điều kiện kinh tế một số địa phương còn nhiều khó khăn, nên chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Về nguyên nhân chủ quan: Một số cấp uỷ, chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa nhận thức toàn diện về tầm quan trọng của văn hóa nên chưa thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá, còn có biểu hiện xem nhẹ vị trí, vai trò của văn hóa, con người; công tác tuyên truyền chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng trong cộng đồng; Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản còn nhiều hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, chưa tích cực trong công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa ở cơ sở.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đồng thời để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm xây dựng văn hoá, con người Bắc Giang trong thời kỳ đổi mới, cụ thể sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết số 23- NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển văn hóa, đó là “Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người Bắc Giang phát triển toàn diện; quan tâm giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống địa phương”.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững của tỉnh Bắc Giang; xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; gắn mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng văn hóa nêu gương trong Đảng, trong bộ máy nhà nước ở tỉnh Bắc Giang; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước về văn hóa; đẩy mạnh các phong trào học tập, thi đua yêu nước, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh,... Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức trên lĩnh vực văn hóa, kiên quyết đẩy lùi tư tưởng lệch lạc, tiêu cực. Động viên, khen thưởng kịp thời những tấm gương tốt, các nhân tố điển hình, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thứ tư, tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất phục vụ phát triển văn hoá, con người Bắc Giang, khuyến khích đầu tư bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các lễ hội và các loại hình nghệ thuật. Phát huy các di sản được UNESCO công nhận một cách bài bản, khoa học, góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh Bắc Giang. Tăng cường đầu tư kinh phí cho các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, sáng tác văn học - nghệ thuật và xuất bản các ấn phẩm về văn hóa, văn học - nghệ thuật.

Thứ năm, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa ở Bắc Giang theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhân văn, hiện đại; phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt, đặc thù. Xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ văn hoá, văn nghệ, khoa học phù hợp, có trình độ chuyên môn cao, năng lực, phẩm chất bảo đảm ở tất cả các cấp.

Thứ sáu, xây dựng, hoàn thiện chính sách khuyến khích, động viên, khơi dậy tinh thần đoàn kết, khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, quê hương Bắc Giang giàu mạnh, văn minh. Tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tài năng, trí tuệ, phẩm chất, giá trị, sức mạnh con người Bắc Giang; Tạo mọi điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật. Tăng cường công tác giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường trong các tầng lớp nhân dân. Xây dựng con người mới phải gắn với các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

Trong 25 năm thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người mới ở Bắc Giang đã có tiến bộ rõ rệt; đạo đức, lối sống có nhiều chuyển biến tích cực, tình làng nghĩa xóm được củng cố; tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được tôn trọng, những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp được tôn vinh; ý thức, trách nhiệm công dân đối với đất nước, với xã hội và cộng đồng được nâng lên... Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đã đạt được nhiều kết quả tốt. Trong những năm tiếp theo, tỉnh Bắc Giang quyết tâm thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa, con người trong thời kỳ đổi mới, góp phần giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, đất nước, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

ĐỖ ĐỨC HÀ

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang

(1) Tỉnh ủy Bắc Giang: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII, Bắc Giang, 2015, tr.62.

(2) Tỉnh ủy Bắc Giang: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, Bắc Giang, 2020.

(3) UBND tỉnh Bắc Giang: Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện phong tràoToàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000 – 2020 và năm 2020 tỉnh Bắc Giang”, Bắc Giang, 2021.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất