Thứ Bảy, 4/5/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Sáu, 5/3/2021 8:19'(GMT+7)

Xuyên tạc, phá hoại công tác nhân sự và công tác bầu cử: Bổn cũ soạn lại

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

BỔN CŨ SOẠN LẠI

Sau Đại hội XIII, thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiếp tục tập trung xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng cũng như cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt, trước và sau Hội nghị Trung ương 2 khóa XIII, trên mạng xã hội (MXH) và một số diễn đàn có địa chỉ ở nước ngoài, các thế lực thù địch, phản động đã đăng phát nhiều tin, bài xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng ta. Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 2, BBC đã trích ý kiến của một nhà báo không muốn nêu tên (theo cách nói của BBC) rằng, công tác nhân sự ở Việt Nam “là quyết định thuần túy theo tính toán của Đảng, theo sự phân chia quyền lực, thỏa hiệp, nhượng bộ...”. Luận điệu ấy tiếp tục được “nhai đi, nhai lại” trên VOA, RFA và một vài trang MXH khác.

Vẫn “bổn cũ soạn lại” nhằm kích động, chia rẽ đoàn kết trong nội bộ ta, họ cố tình bóp méo, xuyên tạc, cho rằng công tác nhân sự của Đảng ta là không dân chủ, thiếu khách quan, không minh bạch. Việc sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung nhân sự không vì lợi ích tập thể mà chỉ nhằm “thanh trừng bè phái”, “đấu đá nội bộ”, “lợi ích nhóm”, là “thương lượng, thỏa hiệp giữa các "phe cánh". Cùng với đó là không ngừng bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ hạ thấp uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cán bộ cấp cao của Đảng.

Lợi dụng việc một số cán bộ cấp cao là con các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương và được giao đảm nhiệm những vị trí quan trọng, các thế lực thù địch, phản động rêu rao rằng công tác nhân sự của Đảng không vì lợi ích của nhân dân mà chỉ vì sự tiến thân của con em, người thân, vây cánh... Họ cóp nhặt những thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng liên quan đến công tác nhân sự của Đảng để viết bài, tạo video clip… dựng chuyện bằng những câu từ như: người này là “con át chủ bài” của người kia; nhờ ông này mà bà kia “bẻ lái ngoạn mục”; người này “tung đòn hiểm” để loại người kia; ông A đã bị ông B hạ “đo ván”…

Vẫn chiêu trò cũ, những ngày gần đây, những kẻ “mặt đỏ tim đen” một vài trang mạng thiếu thiện chí với Việt Nam lại tung ra những luận điệu hết sức sai trái, gieo rắc sự hoài nghi về cuộc bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Bằng những bài viết, bài phỏng vấn, họ cho rằng cuộc bầu cử của Việt Nam chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn; là cuộc bầu cử “không chính danh”, “không dân chủ”; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cuộc “Đảng cử”, Quốc hội là “Đảng hội”, “Dân biểu” là “Đảng biểu”…

Chúng tiếp tục sử dụng chiêu trò tự ứng cử rồi lên MXH hô hào các hội nhóm dân chủ ký tên ảo, tung hô, tô vẽ ủng hộ cho các “nhà dân chủ” hòng gây rối, phá hoại cuộc bầu cử. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, chúng cho rằng cơ cấu số lượng đại biểu là người ngoài Đảng từ 5-10% là quá ít và đưa ra đòi hỏi phải có số lượng “ngang bằng nhau” giữa đại biểu Quốc hội là Đảng viên và đại biểu Quốc hội không là Đảng viên. Rồi, cơ chế bầu cử hiện nay đã quá cũ, không phù hợp theo tinh thần “mở rộng dân chủ”, vì vậy phải thay đổi cơ chế bầu cử tự do như các nước tư bản chủ nghĩa. Chúng ta chẳng lạ “cái đích hướng tới” - ẩn phía sau những “giọng điệu dân chủ” của chúng - là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Chúng mưu toan cài cắm vào các cơ quan của Đảng, Quốc hội và HĐND những “mầm mống dân chủ” hòng từng bước biến nghị trường thành diễn đàn nhằm thực hiện những âm mưu, thủ đoạn chống phá; hình thành lực lượng đối lập trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hòng làm ta suy yếu từ bên trong.

Ngoài những trang mạng cũ, chúng lập ra các trang mới, nhất là các kênh Youtube đặt máy chủ ở nước ngoài để đăng tải, chia sẻ những bài viết, video clip, thông tin sai lệch, xuyên tạc. Với “thủ pháp công nghệ” như tạo hình đại diện cho các trang bằng cách cắt ghép ảnh của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rồi gắn vào đó những câu nói giật gân, sai sự thật. Internet và MXH vẫn là “công cụ chủ lực” hữu hiệu nhất để chúng phát tán “những luồng gió độc” nhằm vào công tác nhân sự của Đảng ta và cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN THỰC TẾ SINH ĐỘNG

Những giọng điệu kích động, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị về công tác nhân sự của Đảng ta là chiêu trò không mới, nhưng vẫn hết sức thâm hiểm. Tuy nhiên, dù có tinh vi và biến ảo tới đâu, chúng cũng không thể phủ nhận được thực tế: công tác nhân sự, công tác bầu cử đã và đang được Đảng ta lãnh đạo tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện, minh bạch, chặt chẽ, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao.

Hội nghị Trung ương lần thứ 2 khóa XIII tập trung bàn một số nội dung quan trọng, trong đó, có việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, là công việc cần thiết để chúng ta sớm kiện toàn, sắp xếp các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, chất lượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu đưa nhanh Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Do đó, Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung thảo luận dân chủ, xem xét kỹ lưỡng và thống nhất cao việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; đồng thời, cho ý kiến về việc giới thiệu nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước. Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự tại Hội nghị, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương, hoàn chỉnh phương án giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước để trình Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ trong hệ thống chính trị, đúng với các quy định của Hiến pháp và pháp luật về tổ chức của các cơ quan nhà nước.

Cùng với việc tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự cấp cao, Đảng ta tiếp tục kiện toàn lãnh đạo các cơ quan của Trung ương Đảng, các ban cán sự đảng và đảng đoàn ở những nơi có sự thay đổi nhân sự, bảo đảm sự thông suốt, liên tục trong các hoạt động của toàn hệ thống chính trị. Thực tế khẳng định công tác nhân sự đã và đang được Đảng ta tiến hành dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, minh bạch, bảo đảm số lượng và chất lượng.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2021, là đợt sinh hoạt dân chủ rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đảng ta khẳng định vai trò lãnh đạo bầu cử là hoàn toàn đúng Hiến pháp. Điều 4, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam,… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Khẳng định vai trò lãnh đạo bầu cử nhưng Đảng ta không bao biện, không làm thay như giọng điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Thực tế đã chứng minh sự lãnh đạo của Đảng không hề làm mất đi tính dân chủ mà đó chính là cơ sở để bảo đảm mở rộng dân chủ, cơ sở để cử tri lựa chọn, bầu ra những đại biểu ưu tú, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia Quốc hội và HĐND các cấp, là điều kiện quan trọng để bảo đảm cho công tác bầu cử được tiến hành thống nhất và thành công.

Để lãnh đạo, tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo đúng các quy định của Luật Bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết, Bộ Chính trị đã ra chỉ thị lãnh đạo. Mọi công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đang được tiến hành đúng tiến độ, các khâu, các bước trong quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Việc phân bổ số lượng, cơ cấu đại biểu được tính toán kỹ lưỡng, khoa học bảo đảm sự phù hợp, tính đại diện cao cho các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội và các vùng miền trong cả nước. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội đưa ra đòi hỏi “cân bằng quyền lực” là hoàn toàn trái luật.

Chúng ta không ngăn cấm, cản trở công dân tự ứng cử, nhưng người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp phải bảo đảm các tiêu chuẩn cơ bản theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Điều 69 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nêu rõ: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Điều 113 Hiến pháp 2013 cũng chỉ rõ HĐND: ...đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương...”. Điều 115 Hiến pháp 2013 cũng nêu Đại biểu HĐND “...đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và HĐND, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo...”.

Để đáp ứng các yêu cầu ấy, những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trước hết phải là những người: “Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật (...); có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm…”; “Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết;...” (1). Như vậy, dù các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị có tung hô, tô vẽ đến đâu đi chăng nữa thì các “nhà dân chủ” cũng không thể có đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

NÂNG CAO NHẬN THỨC, TẠO SỨC ĐỀ KHÁNG VỚI CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC

Trong tình hình hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho mọi người dân và toàn xã hội hiểu rõ, nắm chắc về nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác nhân sự và công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Chỉ có nhận thức đúng mới tạo được sự thống nhất cao trong toàn xã hội, tạo sự đồng thuận trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và nhân dân nhằm tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao chất lượng công tác nhân sự của Đảng và công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.

Thông qua vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông, tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận với các thông tin chính thống. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân với công tác nhân sự của Đảng và đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cũng là biện pháp nâng cao sức “đề kháng”, giúp người dân tỉnh táo nhận diện đầy đủ, rõ ràng hơn về những âm mưu, thủ đoạn, chiêu trò của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị để kiên quyết vạch trần, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, phản động.

Cần khẳng định mạnh mẽ rằng, một trong những yếu tố có tính quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là đội ngũ cán bộ, công tác nhân sự của Đảng và vai trò của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Thành công của Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương lần thứ 2 khóa XIII và những kết quả bước đầu của công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đã chứng minh trong điều kiện mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công tác cán bộ, công tác nhân sự, pháp huy vai trò của Quốc hội và HĐND các cấp. Những kết quả đạt được, những bài học rút ra từ thực tiễn càng tiếp thêm ý chí, quyết tâm để Đảng ta tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nhân sự, công tác bầu cử.

Cần nhận thức rõ vấn đề “cốt tử” để nâng cao chất lượng công tác nhân sự, công tác cán bộ, công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp là phải thực hiện nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác nhân sự và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; phát huy được trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

PHÙNG KIM LÂN

-----------------------------------------

  1. Ban Tổ chức Trung ương: Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/1/2021 của Ban Tổ chức Trung ương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất