Để Hà Nội được xây dựng, bảo vệ và phát triển trong điều kiện vừa có chiến tranh, vừa có hòa bình; và nhất là để “Thủ đô Hà Nội phải trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa” và “có thể làm gương mẫu cho cả nước noi theo”, thì cùng với việc ổn định, chăm lo, quy hoạch, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh trật tự… của Thủ đô là việc phải xây dựng Đảng bộ Hà Nội trong sạch, vững mạnh. Dự Đại hội Đảng bộ Hà Nội ngày 25/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng, mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị, mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng của Hà Nội “phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”; “mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải có đạo đức cách mạng, phải thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể. Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”(9). Đặc biệt, khi dự và nói chuyện với đại biểu Đảng bộ Hà Nội ngày 1/2/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu đội ngũ cán bộ Thủ đô “cần phải không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với Đảng và một lòng một dạ phục vụ nhân dân” và yêu cầu “phải thực hiện thật thà tự phê bình, và thành khẩn phê bình, để tiến bộ không ngừng”, mà còn thẳng thắn vạch rõ những sai lầm, khuyết điểm của không ít cán bộ như “quan liêu, mệnh lệnh, xem thường pháp luật, không tôn trọng quyền lợi của nhân dân”… Tại Hội nghị ngày 18/12/1964, khẳng định then chốt của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh chính là xây dựng chi bộ, Người yêu cầu đảng viên “phải ghi nhớ và thực hiện tốt 10 nhiệm vụ của mình” và “nêu tóm tắt sáu tiêu chuẩn đảng viên và yêu cầu Đảng bộ, đảng viên Hà Nội phải thực hiện đúng”. Đồng thời, Người nhấn mạnh yêu cầu “các đảng bộ, các chi bộ ở ngoại thành cần lãnh đạo đưa phong trào tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành thật sự trở thành một vòng đai đỏ của thủ dô xã hội chủ nghĩa”(10). Cùng với đó, kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, Người khẳng định nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên mới phải luôn “xác định rõ phương hướng và mục tiêu rèn luyện, phấn đấu”; “tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận và chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình” và nhất là “phải chịu khó học tập lý luận Mác - Lênin, học tập đường lối, chính sách của Đảng; đồng thời phải học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ”(11) …
Trong 17 năm (từ 1945 -1946 và từ 1954 - 1969), Hà Nội không chỉ 2 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, hưởng ứng lời kêu gọi của Người để cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), mà còn đóng góp vật chất và sức mạnh tinh thần cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc (vừa kháng chiến để bảo vệ nền độc lập dân tộc, vừa kiến quốc để xây dựng, phát triển đất nước) thông qua các phong trào thi đua tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, diệt giặc dốt, thi đua làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt... Hà Nội không chỉ có nhiều địa danh gắn với Người trên những chặng đường đấu tranh cách mạng, mà còn có Ba Đình, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, có Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi lòng dân Hà Nội và đồng bào cả nước luôn hội tụ, kiên trung hướng về. 17 năm gắn bó với Hà Nội, tư tưởng, tình cảm, những chỉ dẫn, lời căn dặn sâu sắc của Người trong những bài viết, bài nói, bài phát biểu với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, an ninh quốc phòng; phát triển kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục cũng như sự quan tâm, chăm lo của Người với cán bộ, công nhân, đội ngũ y bác sĩ, phụ nữ, thanh thiếu niên nhi đồng, các lực lượng vũ trang,.. mỗi khi đến thăm các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trạm xá, trận địa, các địa phương của Thủ đô luôn là di sản vô giá, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại.