Thứ Năm, 9/5/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 3/2/2022 15:53'(GMT+7)

Bắc Giang: Vượt qua khó khăn, thử thách, thích ứng an toàn, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép"

Bắc Giang là địa phương đầu tiên của cả nước được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động về thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bắc Giang là địa phương đầu tiên của cả nước được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động về thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo, đặc biệt là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 của Tỉnh ủy, Bắc Giang đã biến nguy thành cơ, vượt qua khó khăn, trở thành địa phương đầu tiên được tặng Huân chương Lao động và là điển hình trong cả nước về thực hiện “mục tiêu kép”.

ĐỊA PHƯƠNG ĐẦU TIÊN BỊ COVID-19 TẤN CÔNG DIỆN RỘNG VÀ NHỮNG CHỈ ĐẠO QUYẾT LIỆT CỦA TỈNH ỦY

Tỉnh Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước bị COVID-19 "tấn công" diện rộng và trực tiếp vào "yết hầu" của kinh tế địa phương là các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung nhiều công nhân, người lao động. Trước đó, tỉnh đã phải liên tiếp đối diện với 2 đợt dịch COVID-19, đặc biệt là từ tháng 5 năm 2021, số ca lây nhiễm tăng nhanh và lây lan trên diện rộng, nhất là các ổ dịch tại các khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, đợt 4 có 5.713 ca nhiễm - một con số đáng báo động ở thời điểm đó.

Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội. Rất nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh đã phải áp dụng các biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch như cách ly, phong tỏa, giãn cách. Việc Bắc Giang cho tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp là một quyết định sáng suốt và kịp thời ở thời điểm đó, nhất là khi biến chủng SARS - Cov2 đang lây lan nhanh, với tốc độ chóng mặt. Đối diện với thực tế đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo trên tinh thần quyết tâm, quyết liệt, chủ động, linh  hoạt phòng chống dịch, với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân; huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tập trung toàn lực, triển khai quyết liệt, thần tốc, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân tại khu công nghiệp Vân Trung

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân tại khu công nghiệp Vân Trung

Ngay từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 10/5/2021 về việc khẩn trương đẩy mạnh các biện pháp cấp bách phòng chống COVID-19 trên địa bàn; tổ chức các hội nghị chuyên đề, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức nhiều hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo để kiểm soát, đầy lùi đại dịch. Thường xuyên chỉ đạo việc thông tin rộng rãi về tình hình dịch bệnh để người dân biết, cảnh giác, tự giác khai báo y tế và giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch ở cơ sở. Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo thần tốc khoanh vùng, truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, phong tỏa các địa phương có dịch, dừng hoạt động 4 khu công nghiệp. Triển khai thực hiện các giải pháp “4 tại chỗ”. Cùng với đó, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng dịch cho các đối tượng.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã triển khai tiêm 2.922.217 liều vắc xin COVID-19 cho các đối tượng, trong đó có hơn 1.419.000 mũi 1, đạt 99,73%; hơn 1.327.000 mũi 2, đạt 98,98% tổng công dân từ 18 tuổi trở lên đang cư trú trên địa bàn. Ở thời điểm đó, đây thực sự là một nỗ lực đáng ghi nhận của tỉnh, tạo lá chắn tốt để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Tính từ đầu năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bắc Giang đã huy động toàn bộ lực lượng với khoảng trên 15.000 người gồm y, bác sĩ, nhân viên y tế, cán bộ chiến sĩ công an, quân đội và tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp đã tiếp nhận hơn 665 tỷ đồng cả bằng tiền và hiện vật của các tổ chức, cá nhân ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Bằng nhiều biện pháp quyết liệt, sáng tạo, đồng bộ, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đến nay đã được kiểm soát hoàn toàn, đã có trên 99% bệnh nhân ra viện.

 

Tuy nhiên, mặt trái của việc phải ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch đã dẫn đến đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh, gậy thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế cho địa phương. Cùng với đó, hàng trăm nghìn lao động không có việc làm, an toàn, sức khỏe và đời sống của người lao động của người dân bị ảnh hưởng, nhất là công nhân lao động bị ảnh hưởng lớn. Nhận thấy, nếu để tình trạng này tiếp tục kéo dài, không những các mục tiêu kinh tế - xã hội không thể đạt được mà thậm chí còn nảy sinh những vấn đề mới, những điểm nóng đe doạ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đe dọa đến sự sống còn của bà con nhân dân trên địa bàn.

Khám sáng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 300 công nhân của Công ty Phú Hồng, tại khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Khám sáng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 300 công nhân của Công ty Phú Hồng, tại khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam - TTXVN

KIÊN QUYẾT, KIÊN TRÌ THỰC HIỆN THÀNH CÔNG “MỤC TIÊU KÉP” VÀ NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG KHÍCH LỆ

Quán triệt sâu sắc phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021tại Nghị quyết số 75/NQ-CP trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Bắc Giang xác định kiên quyết, kiên trì thực hiện thành công “mục tiêu kép”; tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; căn cứ tình hình thực tiễn từng địa bàn trong Tỉnh để lựa chọn ưu tiên công tác phòng, chống dịch hoặc phát triển kinh tế-xã hội hoặc kết hợp giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội

Trước đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành 17 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, song kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, đạt 7,82%, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 10,03%; dịch vụ tăng 3,45%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,28%; quy mô GRDP của Tỉnh đạt 129,837 tỷ đồng, tăng 8.612 tỷ đồng so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt 2.950 USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng; trong đó công nghiệp và xây dựng chiếm 58,1%, nông, lâm, thủy sản chiếm 17,4%; dịch vụ chiếm 24,5%.

Đáng chú ý, dù chịu tác động bởi dịch bệnh, nhiều doanh nghiêp trong các khu công nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, song với nhiều giải pháp thích ứng hiệu quả, hoạt động công nghiệp phục hồi nhanh và vững chắc, giá trị sản xuất tăng 11,2%, tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, Tỉnh ủy đã chỉ đạo hỗ trợ giúp nhân dân duy trì sản xuất, tiêu thụ nông sản thuận lợi, hiệu quả. Sản lượng lương thực có hạt đạt 623.171 tấn, vượt kế hoạch; tổng đàn vật nuôi tiếp tục tăng 6,3% so với năm 2020; giá bán nông sản cơ bản ổn định. Đến hết 2021, Bắc Giang đã có 138/184 xã, chiếm 75% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Lĩnh vực dịch vụ, thương mại được quan tâm, chỉ đạo dần phục hồi sau thời gian cách ly, giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch. Tỉnh ủy đã lãnh đạo và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị quan tâm hỗ trợ tiêu thụ nông sản với nhiều hình thức phong phú; đặc biệt đã tổ chức xúc tiến tiêu thụ Vải Thiều thuận lợi ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu với giá bán ổn định ở mức cao vào đúng thời điểm Bắc Giang đang là tâm dịch của cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả năm đạt 34.030 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2020; giá trị xuất khẩu 15,86 tỷ USD, tăng 41,8% so với năm trước.

Phân loại sản phẩm quả vải thiều tươi tại nhà máy của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Phân loại sản phẩm quả vải thiều tươi tại nhà máy của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị và dịch vụ được quan tâm đầu tư và có nhiều cải thiện. Nhiều trục giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng, như tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, đường vành đai IV Hà Nội, công trình cầu Đồng Sơn, đường tỉnh 293,... tạo động lực và mở ra không gian mới thúc đẩy phát triển kinh tế. Giao thông nông thôn có bước phát triển đột phá, với nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng, cứng hóa; cùng với đó, nhiều công trình hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ quan trọng đã và đang được tập trung đầu tư; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thu ngân sách đạt kết quả cao. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 21.886 tỷ đồng, đạt 175,5% dự toán, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, thu nội địa 18.443 tỷ đồng, thu thuế xuất, nhập khẩu 1.724 tỷ đồng. Chi ngân sách địa phương 22.346 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 7,7% so với năm 2020 và đạt 91,7% kế hoạch.

Bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế, Tỉnh ủy Bắc Giang đã quan tâm chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Các hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng đúng mức. Chất lượng giáo dục tiếp tục duy trì tốp đầu trong cả nước, đặc biệt, Bắc Giang có 1 học sinh đạt Huy chương Đồng Olimpic Vật lý châu Âu. Nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo kịp thời sử dụng các phương án ứng phó với tình hình thực tế để tổ chức thành công kỳ thi cuối năm 2020 - 2021, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021,… Lĩnh vực văn hóa, thể thao được quan tâm chỉ đạo, tổ chức phù hợp, bảo đảm an toàn, ứng phó với dịch bệnh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong Tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ đối với công nhân, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Dù vẫn còn một số hạn chế nhất định như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có thời điểm còn lúng túng, chưa chủ động, nhất là thời gian đầu khi dịch mới bùng phát. Một số cán bộ, đảng viên, người đúng đầu các cấp ủy, chính quyền chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh; kết quả thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/2/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn một số hạn chế; chất lượng một số hoạt động y tế, giáo dục có thời điểm chưa đáp ứng tốt được yêu cầu,... Song, có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bắc Giang đã vượt qua những khó khăn năm 2021 một cách đầy ngoạn mục, thực sự là điển hình trong thực hiện “mục tiêu kép” đến thời điểm này.

Từ chỗ là tâm dịch lớn nhất của cả nước, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của trung ương và các địa phương, chỉ trong một thời gian ngắn, đến đầu tháng 8/2021 Bắc Giang không phát hiện F0 trong cộng đồng. Đến nay, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội đã trở lại bình thường mới. Bắc Giang được Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao, trở thành một điểm sáng, là địa phương đầu tiên của cả nước được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động về thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUÝ

Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” của Tỉnh ủy Bắc Giang, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu, đó là:

Thứ nhất, phải sớm chủ động chuẩn bị thể chế pháp lý ứng phó với các tình huống bất thường xã hội do dịch bệnh, với quan điểm nhất quán, xuyên suốt là đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết song phải bảo đảm tính bền vững trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ có sự chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa nên khi dịch COVID-19 xảy ra, Tỉnh ủy Bắc Giang đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương không để bị động, bất ngờ; với tinh thần vừa có kế thừa và vừa có đổi mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm (vì chưa có tiền lệ nên phải bám sát yêu cầu thực tiễn), từng bước bổ sung, hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm, khó kiểm soát hơn theo phương châm “5K + vắc-xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của Nhân dân”. Chính vì như vậy, nên chỉ trong một thời gian ngắn, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả, các hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại trạng thái bình thường mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương (áo sẫm màu cộc tay) trong một lần kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương (áo sẫm màu cộc tay) trong một lần kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp

Thứ hai, chủ động tiến hành và đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông theo hướng thông tin tích cực, thúc đẩy và lan tỏa tinh thần nhân văn, nhân ái, sẻ chia, đoàn kết của các dân tộc trên địa bàn; tránh gây tâm lý hoang mang, bi quan, lo lắng, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đảm bảo mọi thông tin liên quan đến dịch COVID-19 và hoạt động phòng, chống dịch của Tỉnh đều được công bố công khai, cập nhật đầy đủ, nhanh chóng và dễ hiểu đối với mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai trái, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và đầu cơ, trục lợi, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ ba, phải huy động có hiệu quả mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị vào cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, đề cao trách nhiệm giải trình và tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. 

Trên thực tế, trong thời gian phòng, chống dịch, các biện pháp mà Bắc Giang đưa ra đều đảm bảo cơ sở pháp lý và yêu cầu của thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Một số biện pháp mới, chưa từng có tiền lệ (như giãn cách xã hội, cách ly khu vực...) đều được giải thích cặn kẽ, đầy đủ, do đó được người dân tuân thủ nghiêm túc. Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch; lấy cấp cơ sở làm nền tảng; gắn với phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội, tiếp tục khẳng định là lá cờ đầu trong thực hiện “mục tiêu kép”.

Thứ tư, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phải quyết liệt, sáng tạo, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả tình hình. Thực tế, thời gian đầu khi áp dụng các biện pháp cứng rắn, ưu tiên cho mục tiêu phòng, chống dịch, Bắc Giang đã gặp phải một số khó khăn, nhất là việc cùng một thời điểm phải đóng cửa nhiều khu công nghiệp; sản xuất đình trệ, trong khi lực lượng chống dịch, nhất là tuyến đầu thiếu, phải đối diện với những giới hạn chưa bao giờ có. Song với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Bắc Giang đã từng bước đưa các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới. Mô hình chống dịch của Bắc Giang đã đem lại những bài học kinh nghiệm quý trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tỉnh đã lựa chọn con đường chống dịch kiên quyết, liên tục, đảm bảo đa mục tiêu, với nhiều mô hình sáng tạo như: Lập vành đai, bảo vệ vùng vải, đưa vải thiều lên các sàn thương mại điện tử… là những kinh nghiệm có thể chuẩn hóa để áp dụng cho nhiều địa phương khác.

Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tập trung cao nhất cho công tác phòng chống, dịch bệnh COVID-19, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; bằng mọi biện pháp ngăn chặn, không để dịch bệnh bùng phát trở lại, giữ vững thành quả phòng, chống dịch đã đạt được thời gian qua, để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chuẩn bị tốt nhất các kịch bản, phương án, điều kiện sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống mới phát sinh theo phương châm “4 tại chỗ” như đã từng làm thời gian trước đó. Tiếp tục tập trung chỉ đạo, lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp để nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, và nhân dân; tăng cường sự đồng thuận trong toàn xã hội; nâng cao chất lượng công tác phòng bệnh và chữa bệnh; củng cố hệ thống y tế dự phòng, bảo đảm phòng, chống hiệu quả các dich bệnh, không để dịch bệnh bệnh lây lan lớn.

Đoàn 200 y, bác sỹ Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí xuất quân đi hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 cho tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TTXVN

Đoàn 200 y, bác sỹ Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí xuất quân đi hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 cho tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TTXVN

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế đặt ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2025, với quyết tâm xây dựng Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc.

Theo đó, tập trung cao triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh thành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các năm theo lĩnh vực, địa bàn, bảo đảm đồng bộ, rõ mục tiêu, lộ trình. Vận dụng sáng tạo các chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương để xây dựng các cơ chế, chính sách của địa phương phù hợp, tạo động lực và đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện, đồng bộ các ngành kinh tế. Trong đó, phát triển công nghiệp hướng tới mô hình “Hệ sinh thái công nghiệp” gắn kết đồng bộ, hiện đại hạ tầng cấp thoát nước, bãi đỗ xe, cây xanh, công trình xử lý môi trường, không gian sinh hoạt cộng đồng, các khu du lịch, khu vui chơi, giải trí… Tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực, thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư chiến lược; thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, nông nghiệp hữu cơ, phát triển các sản phẩm OCOP mới. Quan tâm chỉ đạo thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Huy động và sử dụng các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo mạnh mẽ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh; quan tâm đầu tư hạ tầng dịch vụ, du lịch; chú trọng dịch vụ phục vụ công nghiệp; phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các mô hình kinh doanh mới.

Thứ ba, quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Chú trọng chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giải quyết tốt những vấn đề phát sinh; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao theo đúng định hướng của Tỉnh để phát triển bền vững, hiệu quả.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình, linh hoạt, sáng tạo, sát thực thực tiễn của Tỉnh ủy, phát huy những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, cùng tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, khí thế và khát vọng phát triển đang lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ và nhân dân, trong những năm tới, tỉnh Bắc Giang sẽ nỗ lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục có bước phát triển ấn tượng, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bùi Văn Huấn

 Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất