Thứ Hai, 20/5/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Sáu, 27/2/2015 16:41'(GMT+7)

Cần lắm sự chia sẻ của người dân

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai không ngơi nghỉ trong những ngày Tết.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai không ngơi nghỉ trong những ngày Tết.

Sự hy sinh thầm lặng!

Trong buổi lễ trao giải “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ 3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tâm sự: “Ngành y là một ngành đặc biệt, chịu trách nhiệm về sức khỏe của con người, phải chịu đựng rất nhiều áp lực của nghề nghiệp. Đó là tai biến y khoa, đó là gánh nặng của xã hội. Ngành y chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng của đời người khi cất tiếng khóc chào đời cũng như chứng kiến sự đau đớn của con người lúc nhắm mắt xuôi tay. Để làm được điều đó, các cán bộ, nhân viên y tế phải có sự hy sinh thầm lặng... Kể cả những lúc con người sa ngã, vướng vào tệ nạn thì người thầy thuốc cũng luôn là người động viên, chăm sóc và cứu chữa”.

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hằng năm, ngành y tế khám, chữa bệnh cho hơn 140 triệu lượt người. Toàn ngành có 400.000 cán bộ, nhân viên đang ngày đêm làm việc, kể cả ngày lễ và ngày nghỉ, cấp cứu, xử trí các tình huống khẩn cấp... Trong điều kiện còn khó khăn như trên, sự hy sinh cao cả của nhiều thầy thuốc và cán bộ ngành y cần được ghi nhận. Một số vụ việc tiêu cực, tai biến y khoa chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, không thể lấy cái cá biệt làm thành cái phổ biến, chỉ nhìn thấy một cây sâu, mà không thấy cả rừng cây.

Có thể nói, nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng cơ học theo đà tăng dân số, tăng theo biến đổi mô hình dịch bệnh… luôn tạo sức ép cho hạ tầng cơ sở và đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, nhưng những người tốt luôn xuất hiện tiếp theo người tốt, những việc làm cao cả mà thầm lặng vẫn tiếp tục sinh sôi, nối tiếp nhau như mạch nước chảy không ngừng nghỉ trên mảnh đất y tế. Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, Tổng biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống đã từng tâm sự: “Ngành y là ngành nhạy cảm bởi gắn liền với con người, yếu tố chuyên môn hòa trộn trong tính nhân văn. Vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế từ biên giới tới hải đảo, từ trung tâm phồn hoa đô hội tới vùng sâu, vùng xa vẫn ngày đêm đồng hành cùng nỗi đau người bệnh, lặng thầm hy sinh, giành giật sự sống khỏi lưỡi hái tử thần. Nhưng đi cùng những lặng thầm, những hăng say, những dũng cảm…, ngành y cần lắm sự đồng hành, sẻ chia của người bệnh, của nhân dân. Mỗi sự đồng cảm, chia sẻ của người bệnh là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm chiến đấu với bệnh tật, vững lòng chăm lo cho sức khỏe nhân dân”.

Có những tấm gương mà sự hy sinh của họ không có gì so sánh được. Đó là Giám đốc Bệnh viện Quân dân y đảo Phú Quý-bác sĩ Bùi Đình Lĩnh, người 3 lần được thuyên chuyển về đất liền thì cả 3 lần người dân trên đảo viết đơn xin giữ ông lại. Đó là Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương-PGS, TS Trần Ngọc Lương, người có tên được đặt cho kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp, làm rạng danh ngành phẫu thuật ngoại khoa Việt Nam, thu hút đông đảo bác sĩ ở nhiều nước trên thế giới học hỏi. Họ là hai trong nhiều người của ngành y tế đã có đóng góp rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe người bệnh...

Mong sự cảm thông của xã hội

Nhà báo Hữu Thọ, người đã gắn bó với cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” từ những ngày đầu tiên từng chia sẻ: "Trong lúc xã hội vẫn còn rất nhiều bất cập, văn hóa xuống cấp, nhưng mỗi lần đọc bài trong cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” là tôi như được tiếp xúc với hàng trăm tấm gương, khiến ta yêu đời hơn. Tôi cảm ơn các tác giả, các tấm gương đã làm cho chúng ta thấy rằng, trong xã hội bây giờ vẫn còn rất nhiều người tốt. Ban Giám khảo cuộc thi đã phải đánh cược uy tín cá nhân của mình để cho mọi người nhận thấy rằng, những sự cố của ngành y chỉ là phần rất nhỏ bên cạnh sự hy sinh, sự mất mát của các y sĩ, bác sĩ để giành giật sự sống cho người bệnh". Nhà báo Hữu Thọ cũng nêu lên vấn đề cần truyền thông như thế nào để người dân có cái nhìn đúng đắn và khách quan đối với ngành y tế. Mặt khác, báo chí mới chỉ đề cập tới sự mệt mỏi của người dân khi đi khám bệnh, nhưng chưa ai nhắc tới sự mệt nhọc về cả thể xác lẫn tinh thần của người thầy thuốc khi đối mặt với người bệnh và sự quá tải. Có rất ít người tĩnh lặng, dừng lại một chút để phản ánh đến độc giả sự mệt mỏi, vất vả của đội ngũ y sĩ, bác sĩ trong công việc của mình...

Ngành y là ngành nhạy cảm bởi gắn liền với con người, yếu tố chuyên môn hòa trộn trong tính nhân văn. Vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ y tế từ biên giới tới hải đảo, từ thành thị tới vùng sâu, vùng xa vẫn ngày đêm đồng hành cùng nỗi đau người bệnh, lặng thầm hy sinh, giành giật sự sống khỏi lưỡi hái tử thần. Nhưng đi cùng những lặng thầm, những hăng say, tình yêu thương người bệnh, ngành y tế cũng rất cần sự đồng cảm, chia sẻ của người bệnh, cộng đồng. Đó sẽ là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm không quản vất vả, hiểm nguy chiến đấu với bệnh tật, vững lòng chăm lo cho sức khỏe nhân dân./.

Thu Hương (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất