Chủ Nhật, 19/5/2024
Hoạt động y tế
Thứ Sáu, 19/8/2016 16:18'(GMT+7)

Đắk Nông: Dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Bệnh nhân điều trị bệnh sốt xuất huyết

Bệnh nhân điều trị bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành, thành phố trên cả nước, thường gặp ở trẻ em. Đến nay sốt xuất huyết (SXH) chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tính đến đầu tháng 8/2016, toàn tỉnh ghi nhận có 1.398 trường hợp mắc bệnh SXH tại 61/71 xã, phường, thị trấn thuộc 8/8 huyện, thị; không có trường hợp tử vong; so với cùng kỳ năm 2015 số mắc tăng 1.224 ca, tức tăng hơn 87%; số xã có bệnh SXH tăng 35 xã so với cùng kỳ. Các địa phương có bệnh nhân mắc SXH cao là thị xã Gia Nghĩa: 530 trường hợp (chiếm 37,9%); Đắk R’lấp: 286 trường hợp (chiếm 20,4%); Đắk Mil: 279 trường hợp (chiếm 19,9%), các địa phương còn lại có số mắc nhỏ hơn 91 ca. Tỷ lệ mắc: 241,8 trường hợp/100.000 dân.

Trước tình hình bệnh SXH bùng phát trên diện rộng, cùng với việc tăng cường thông tin, tuyên truyền, ngành Y tế cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm khống chế sự gia tăng của bệnh, như: huy động các ban, ngành, đoàn thể phối hợp ngành y tế tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quang và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành trên diện rộng; các hoạt động giám sát dịch tễ, giám sát vec tơ truyền bệnh, các yếu tố nguy cơ, phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường... được chú trọng thực hiện.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống SXH còn tồn tại nhiều khó khăn, cụ thể như: công tác vệ sinh môi trường còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên; việc phun hóa chất diệt muỗi tại một số ổ dịch chưa đạt hiệu quả cao. Việc khoanh vùng xử lý ổ dịch chưa triệt để và kịp thời nên dịch SXH tiếp tục kéo dài và lan rộng. Sự phối hợp của người dân, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị, xã hội chưa được quan tâm đúng mức; ý thức của người dân chưa cao, chủ quan, lơ là, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch... Qua điều tra cho thấy, tỷ lệ các dụng cụ chưa nước có bọ gậy (lăng quăng) cao nhất là phế thải: 40,6%; xô, thùng: 21,8%; thùng phuy: 15,6%; chậu cây cảnh: 12,8%, các loại bể cá, chum, vại đựng nước chiếm 3,%.

Với diễn biến tình hình ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhận định trong thời gian tới tình hình bệnh SXH vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục tăng cao tỷ lệ mắc, bởi tình hình thời tiết đang là mùa mưa, là điều kiện thuận lợi để muỗi đẻ trứng và bọ gậy phát triển mạnh. Để tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống SXH thời gian tới, các địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục, đa dạng hóa các kênh truyền thông, nhằm nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh SXH của nhân dân để họ tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức triển khai một cách hiệu quả các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy với sự tham gia của các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư, phun hóa chất diệt muỗi nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh; việc giám sát tình hình bệnh phải được thực hiện chặt chẽ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ổ bệnh; huy động các ban, ngành, đoàn thể cũng như các tổ chức chính trị, chính trị xã hội khác tham gia vận động người dân phòng, chống SXH.

Thanh Tùng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất