Thứ Bảy, 18/5/2024
Tuyên giáo các cấp
Chủ Nhật, 22/11/2020 18:56'(GMT+7)

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Nam Kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng dành độc lập của dân tộc Việt Nam”

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh cuộc cách mạng giành độc lập của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, có rất nhiều sự kiện, bài học lịch sử, có giá trị lý luận và thực tiễn cao. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940) là một trong những sự kiện quan trọng ấy. "Cuộc khởi nghĩa đã để lại dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam - Thành đồng Tổ quốc. Đây là một trong những cơ sở để Đảng đưa ra những quyết sách đúng đắn, dẫn dắt nhân dân đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945), đại thắng mùa xuân năm 1975 và thống nhất đất nước" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhận định.


Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng khẳng định rằng: "Thời gian ngày càng lùi xa, đất nước ta ngày càng phát triển, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín ngày càng tăng thì những sự hy sinh cao cả càng cần được khẳng định. Sau 80 năm, Khởi nghĩa Nam Kỳ còn nhiều vấn đề để bổ sung, tôn vinh tương xứng với tầm vóc lịch sử".

Phân tích bối cảnh của Khởi nghĩa Nam Kỳ, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, từ Hội nghị Trung ương Đảng tháng 3/1939, Đảng đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.

Sau thời điểm đó, Xứ ủy Nam Kỳ đã chủ động, quyết đoán xác định chủ trương chuẩn bị kế hoạch khởi nghĩa. Tháng 3/1940, xứ ủy thông qua đề cương cuộc khởi nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhận định: Từ cuối thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chưa có cuộc khởi nghĩa nào được chuẩn bị kỹ lưỡng và có lực lượng đông đảo, toàn diện như Khởi nghĩa Nam Kỳ. "Cuộc khởi nghĩa đã đi vào lịch sử như một bản hùng ca về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do của dân tộc ta. Đây là cuộc tập dượt lịch sử tiến tới thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945". Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, Nam Bộ trở thành nơi mở đầu cuộc kháng chiến khi thực dân Pháp quay lại xâm lược ngày 23/9/1945. Nam Bộ cũng tiến hành đồng khởi cuối năm 1959 đầu năm 1960, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang tiến công.

Với tinh thần, bài học xương máu từ Khởi nghĩa Nam Kỳ, toàn quân, dân Nam Bộ đã tiến tới thắng lợi, đặc biệt là cuộc tổng tiến công làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

Toàn cảnh Hội thảo

 

Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo và 73 tham luận đã soi chiếu ở nhiều góc độ, ôn lại sự kiện, làm đậm nét tinh thần của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, chiêm nghiệm những kinh nghiệm lịch sử thấm đẫm máu xương, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của những chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đối với tầm vóc của cuộc khởi nghĩa lịch sử của dân tộc.

Các tham luận, các ý kiến tâm huyết tại Hội thảo đều chung một nhận định: Cho đến nay, tinh thần chiến đấu quật cường, truyền thống đoàn kết toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn được khơi dậy, phát huy trong Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục là bài học tinh thần quý báu trong xây dựng và phát triển đất nước hôm nay./.

Phương Thảo

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất