Thứ Ba, 7/5/2024
Xã hội
Thứ Năm, 24/2/2022 9:6'(GMT+7)

Nâng cao ý thức của người dân; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng trong phòng, chống dịch

Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (876), Hà Nội (559), Lạng Sơn (557).

Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 47.264 ca/ngày.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.972.378 ca mắc, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 30.092 ca mắc).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc ghi nhận trong nước là 2.965.092 ca, trong đó có 2.317.905 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Thúc đẩy việc mua vaccine cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 170/CĐ-TTg ngày 23/2/2022 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiêm vaccine và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19.

Công điện nêu rõ: Thời gian qua, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát nhưng còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khó dự báo; để giữ vững, củng cố và phát huy thành quả phòng, chống dịch đã đạt được, tiếp tục mở cửa, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan trong hệ thống chính trị, các bộ, ngành, các cấp, nhân dân và doanh nghiệp giữ vững bản lĩnh, kiên trì, kiên định, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm các mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, biện pháp, phương pháp đã được Đảng, Nhà nước đề ra và thực hiện có hiệu quả trên thực tế, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành có liên quan.

Từ kinh nghiệm trong nước, quốc tế thời gian qua cho thấy, cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine, tiếp cận nhanh các biện pháp điều trị, thuốc điều trị, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc, có hiệu quả các quy định phòng, chống dịch của người dân; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng trong phòng, chống dịch COVID-19.

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022 an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả và thần tốc hơn nữa cho tất cả các đối tượng được tiêm ở tất cả các địa phương; bảo đảm kịp thời, chất lượng, đủ vaccine để thực hiện Chiến dịch theo quy định.

Bên cạnh đó, thúc đẩy khẩn trương thực hiện hợp đồng mua vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo Nghị quyết của Chính phủ và các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục chủ động cập nhật, tiếp cận sớm với thông tin và các loại vaccine, thuốc, công nghệ, sinh phẩm xét nghiệm… mới trên thế giới để phục vụ kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp với diễn biến mới của tình hình.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về giá, chất lượng đối với các loại vaccine, thuốc, sinh phẩm xét nghiệm…; kịp thời phát hiện các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường, xử lý nghiêm theo pháp luật các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình, chính sách để trục lợi, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và phổ biến ngay hướng dẫn chăm sóc, điều trị hiệu quả tại nhà cho người mắc COVID-19, nhất là trẻ em, đối với các trường hợp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, không gây quá tải cho các cơ sở y tế; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cập nhật, bổ sung kịp thời các hướng dẫn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường và thực hiện mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả.

Khống chế tỷ lệ chuyển tầng và tử vong

Hà Nội vẫn là địa phương có nhiều ca mắc nhất với 7.419 ca. Khi số ca F0 trên địa bàn Hà Nội liên tục tăng cao, tại cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã để triển khai quyết liệt hơn các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 chiều 23/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố đã chuẩn bị 8.500 giường bệnh (thêm 1.655 giường cho nhi khoa và trẻ em) nhưng hiện vẫn còn 40% số giường chưa sử dụng. Bên cạnh đó, các bệnh viện Trung ương cũng còn nhiều giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, thành phố có thể kích hoạt bệnh viện chuyên điều trị ngoại vi khi cần thiết.

 Theo Sở Y tế Hà Nội, đến nay, dịch bệnh vẫn được kiểm soát nhờ tập trung vào tiêm chủng, quản lý và điều trị bệnh nhân; ứng dụng nền tảng công nghệ vào quản lý, theo dõi, chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 từ sớm, từ cơ sở…

Bên cạnh đó, thành phố tăng cường cho công tác điều trị, thực hiện trực 4 cấp với thời gian 24/24 giờ tại các bệnh viện, cơ sở thu dung để sẵn sàng thu nhận người bệnh khi chuyển tầng; tăng cường kết nối thông tin hỗ trợ và cấp phát thuốc kịp thời cho người dân. Việc tiêm vét vaccine cho người dân theo chỉ đạo của Thủ tướng được thực hiện hiệu quả, cơ bản hoàn thành… Kết quả đã khống chế tỷ lệ chuyển tầng ở mức 0,36%, tỷ lệ tử vong là 0,19%.

Có hiện tượng đầu cơ, găm hàng tăng giá bán bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2

Trước diễn biến biễn phức tạp của dịch COVID-19, trong những ngày gần đây, có nhiều thông tin phản ánh hiện tượng khan hiếm và biến động về giá bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 23/2/2022, Bộ Y tế đã cấp phép cho 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2, có 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu (gồm 56 sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền, 83 sản phẩm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 và 30 sản phẩm xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2).

Các trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 là các trang thiết bị y tế loại C, D nên khi lưu hành trên thị trường phải được cấp số lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu theo quy định; các cơ sở kinh doanh loại sản phẩm này phải công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị tế loại C, D theo quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.

Trước nhu cầu tự test COVID-19 của người dân tăng cao đột ngột, giá bộ sinh phẩm xét nghiệm tăng cao và khan hiếm, ông Lợi cho hay, Bộ Y tế đã nắm được thông tin hiện nay có tình trạng khan hiếm cục bộ và giá cả không thống nhất đối với bộ xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2.

“Có thể thấy rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 của người dân tăng cao, nguyên nhân gây nhu cầu tăng do sau Tết người dân quay trở lại làm việc, đi du lịch, đi lễ hội hay như học sinh, sinh viên quay trở lại trường học,… Qua các kênh thông tin cho thấy có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý”, ông Lợi nhận định./.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất