Chủ Nhật, 19/5/2024

Nhớ những tháng năm làm báo Cờ Giải phóng

Báo Cờ giải phóng được lưu giữ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: qdnd.vn).

Báo Cờ giải phóng được lưu giữ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: qdnd.vn).

TỪ PHƯƠNG THỨC PHÁT HÀNH ĐẶC BIỆT

Tôi về công tác chính thức ở Ban Tuyên huấn đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định vào năm 1965. Trước đó, khi công tác tại Văn phòng Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam Việt Nam (1963-1964), tôi đã trực tiếp tham gia biên tập tờ Cờ Giải Phóng - tờ báo do Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam Việt Nam chủ trương, là diễn đàn, tiếng nói của nhân dân khu đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Cờ Giải phóng lúc đầu được in chữ chì trong vùng giải phóng. Tổng Biên tập đầu tiên là đồng chí Đỗ Duy Liên, lúc đó là phó trưởng Tiểu ban Tuyên truyền của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam Việt Nam. Cùng tham gia biên tập có các đồng chí Nghiêm Khả Minh, Hồng Điểu, Thái Nhơn Hòa, Lê Hỷ Hoan, Thanh Nho… dưới sự lãnh đạo của nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng.

Việc in báo trong khu giải phóng thì không khó khăn lắm (chỉ khó có đủ vật tư ngành in), nhưng khâu phát hành báo đến tận tay người dân Sài Gòn, trước hết là đến các đầu mối cơ sở cách mạng trong nội thành, thì phải thông qua hàng loạt tổ chức, từ giao liên công khai đến giao liên bí mật. Thông thường, sau khi in xong, báo được xếp vào một chiếc ghe hai đáy. Từ Củ Chi, anh em cho ghe xuôi dòng sông Sài Gòn, đến khu Thanh Đa (hiện nay là phường 27, quận Bình Thạnh). Ở đây, cơ sở ta có một một khu đất sát bờ sông, cho nên việc đưa chiếc ghe hai đáy chứa báo Cờ Giải phóng đến đây cũng thuận lợi. Từ điểm chốt Thanh Đa, chúng tôi tổ chức đường dây giao liên móc với cơ sở nội thành. Mỗi cơ sở cho một địa chỉ mật (không có người, gọi là “điểm chết”) để chúng tôi gửi báo. Thường quy ước là một địa điểm công cộng nhưng kín đáo. Đúng giờ, người giao báo đến đặt báo tại địa điểm. Sau đó, cơ sở sẽ đến địa điểm nhận báo và đem về phát hành trong nội bộ tổ chức của cơ sở. Việc phát hành báo như vậy có nguy cơ dễ “bể” cơ sở, mà việc mở rộng diện phát hành cho hơn 300 cơ sở bí mật nội thành cũng hạn chế. Do đó, kể từ năm 1964, chúng tôi đề nghị Đài phát thanh Giải phóng tổ chức đọc chậm các bài trong báo Cờ Giải phóng. Đài chỉ cần thông báo giờ đọc chậm thì cơ sở trong nội thành có thể dùng máy thu thanh thông thường bắt làn sóng của đài, chép lại các bài báo. Sau đó, mỗi cơ sở tùy theo khả năng, có thể in typo (chữ chì), in sáp, hoặc đánh máy trên giấy trắng thường, nhân ra nhiều bản, lưu hành trong nội bộ của tổ chức mình. Như vậy, với phương thức phát hành đặc biệt đó, Cờ Giải phóng đã đến tận cơ sở rất nhanh, lại bảo đảm giữ mối quan hệ bí mật của các tổ chức cách mạng hoạt động trong nội thành.

Sau này chúng tôi lập hẳn nhiều nhà in công khai, do cơ sở ta đứng làm chủ, làm ăn bình thường, ban ngày thì in quảng cáo cho các công ty, xí nghiệp, còn ban đêm thì xếp chữ, in tài liệu, báo chí cách mạng. Như vậy, số lượng báo in trong nội thành vừa đẹp, vừa nhiều…

Cờ Giải phóng được biên tập và xuất bản ngay trong nội thành, cho nên những tin tức nóng hổi đối với đời sống nhân dân Sài Gòn - Gia Định được phản ánh trên báo chí rất kịp thời. Ví dụ như tin Nguyễn Văn Thiệu diệt một số tướng tá thân với Nguyễn Cao Kỳ ngay tại Chợ Lớn năm 1968 được Cờ Giải phóng đưa tin ngay ngày hôm sau, trong lúc báo chí Sài Gòn chưa dám đưa tin.

Với phương thức sản xuất, phát hành linh hoạt, Cờ Giải phóng đã là tiếng nói hướng dẫn dư luận, xây dựng tinh thần cách mạng trong cơ sở ta suốt hơn 10 năm. Cho nên, mặc dù các đồng chí phụ trách có lúc bị địch bắt, đày đi Côn Đảo (năm 1969), nhưng tờ báo vẫn tồn tại cho đến ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975.

VỪA ĐÁNH GIẶC, VỪA BIÊN TẬP

Lực lượng biên tập bài cho báo Cờ Giải phóng có những thời điểm chỉ có vài ba đồng chí. Anh Nghiêm Khả Minh, Thái Nhơn Hòa, Hồng Điểu… bám sát Ban Thường vụ Khu ủy để nắm được hướng chỉ đạo, đồng thời có được các báo cáo từ bên trong do giao liên công khai đưa ra. Trong khi đó, địch ráo riết truy tìm căn cứ Khu ủy để đánh phá.

Thời kỳ sau Mậu Thân 1968, chiến trường miền Nam cực kỳ ác liệt. Vùng nông thôn hầu như bị địch lấn chiếm gần hết. Ban Tuyên huấn T4 lúc đó còn khoảng 28 người, kể cả giao liên công khai, cán bộ điện đài… Dù là một cơ quan chuyên môn, trong thời điểm đó, chúng tôi đương nhiên thành một đơn vị chiến đấu trực tiếp với địch. Sau mỗi trận càn, cả nhóm lại ngồi dưới gốc chuối trong một khu vườn bị bom đạn địch đánh phá tơi tả, viết bài gửi giao liên công khai chỉ đạo lực lượng nội thành, đồng thời bộ phận Minh ngữ có máy phát Rogono quay tay để phát cho Thông tấn xã Giải phóng, đưa lên Đài Giải phóng để đọc.

Chúng tôi đã vượt qua những năm tháng rất khó khăn đó và đã duy trì tờ báo không gián đoạn, không phụ sự chờ mong, đón nhận của đồng bào nội thành. Bởi thế, dù địch huênh hoang là đã “đẩy lùi Việt cộng đến tận biên giới” thì bà con cũng chẳng ai tin, vì tiếng nói cách mạng vẫn luôn ở bên cạnh cơ sở nội thành và quần chúng yêu nước.

Những năm 1969-1971, chúng tôi phải trải qua một cuộc “trường chinh” đầy gian nan, qua vùng địch kiểm soát ở đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười… Cuối cùng toàn Ban về được khu căn cứ và bảo toàn được lực lượng đầy đủ 28 người!

ĐẾN VIỆC THU HÚT ANH CHỊ EM KÝ GIẢ TIẾN BỘ

Giới nhà báo Sài Gòn trong kháng chiến dù hoạt động trong vùng địch tạm chiếm - là “thủ đô” của lực lượng xâm lược đã ảnh hưởng tích cực đến nhiều báo xuất bản công khai, như “Đuốc Nhà Nam”, “Thần chung”, “Sài Gòn Mới”, “Dân Chủ”, v.v.

Năm 1966, nhà văn Vũ Hạnh được giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc, thu hút giới trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn hóa trong nội thành Sài Gòn… Địch ra tay đàn áp rất mạnh, bắt các nhà văn hóa tên tuổi ở Sài Gòn. Khi bị tra hỏi, tổ chức Bảo vệ văn hóa dân tộc, Hội Phụ nữ Nhân phẩm… có phải là của Việt Cộng không, giáo sư Phan Đình Đàn đã dõng dạc trả lời: “Nếu Việt Cộng mà bảo vệ văn hóa dân tộc, bảo vệ nhân phẩm phụ nữ Việt Nam thì đi theo Việt Cộng có gì là sai trái?”. Hoặc như linh mục Nguyễn Ngọc Lan, khi Nguyễn Văn Thiệu nói: Các ông đừng có đi theo khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” của Cộng sản, đã dõng dạc trả lời: Nếu Tổng thống đề nghị thay đổi khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” của Việt Cộng, thì tôi đề nghị đảo lại là “Chống nước cứu Mỹ” có được không?”. Đó không chỉ là chuyện chơi chữ, mà là trí tuệ, sự nhạy bén của người trí thức yêu nước đối phó với địch.

Năm 1974, Nguyễn Văn Thiệu ban hành Sắc luật 007 hạn chế tự do báo chí, dồn giới làm báo ở Sài Gòn vào con đường khốn cùng. Thế nhưng, các nhà báo tiến bộ, đứng đầu là các ký giả Tô Nguyệt Đình, Nguyễn Văn Mại,v.v. đã tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng rất đặc biệt vào ngày 10/10/1974 - “Ngày ký giả đi ăn mày”. Hàng trăm nhà báo Sài Gòn sắm bị, gậy, mặc áo tuềnh toàng, diễu hành từ Nhà hát thành phố ra chợ Bến Thành, được quần chúng Sài Gòn hoan nghênh nhiệt liệt mà kẻ địch thì không dám ra tay đàn áp.

Từ năm 1970, bộ phận lãnh đạo Ban Tuyên huấn khu T4 bị tổn thất khá nặng. Cuối năm 1969, đồng chí Trưởng ban Trần Trọng Tân, các Phó Trưởng ban: Phạm Thị Đào, Trần Văn Tương, các cán bộ phụ trách nhà in Năm Lăng, Tư Cao… và nhiều đồng chí khác bị địch phát hiện, bắt giam… Tuy không còn lãnh đạo Đảng trực tiếp đứng chân tại nội thành Sài Gòn chỉ đạo phong trào như những năm 60, nhưng anh chị em nhà báo tiến bộ đã tự động triển khai công tác và đã giáng cho địch những đòn thất bại về chính trị rất có ý nghĩa.

ĐẾN SỐ BÁO BÍ MẬT BỊ HỦY

Đó là câu chuyện về số báo Cờ Giải phóng ra vào đầu năm Mậu Thân 1968. Vào tối 30 Tết Mậu Thân 1968, Ban Tuyên huấn được chỉ đạo của cấp trên: “Phải in tờ Cờ Giải phóng trong đêm mùng một Tết và phát hành rộng rãi sáng mồng hai Tết khi lực lượng vũ trang của ta đã chiếm lĩnh các cửa ngõ vào Sài Gòn. Để đảm bảo tuyệt đối bí mật về ngày giờ nổ súng, bài báo được niêm phong, chỉ đưa cho cán bộ phụ trách lúc 5 giờ chiều mồng một Tết, và cán bộ nhà in chỉ được mở ra vào đúng 12 giờ đêm - trước 3 tiếng đồng hồ giờ nổ súng. Thời gian đã quá gấp. Bộ phận in ấn tờ báo “Cờ Giải phóng” cũng phải tiến hành rất tinh vi, khẩn trương. Tôi hẹn anh Tư Cao và anh Năm Lăng đến rạp Casino Đa Kao (nay là rạp Cầu Bông) xem chiếu bóng vào 10 giờ tối mùng một Tết để giao bài báo duy nhất cho số báo “Cờ Giải phóng” ra sáng mồng hai Tết. Chúng tôi cùng lấy vé vào xem suất cuối cùng, cho đến hơn 23 giờ mới chia tay…

Trong đêm mồng một Tết Mậu Thân, Báo “Cờ Giải phóng” đã in xong, đúng kế hoạch. Sáng mồng hai, anh Tư Cao đem đến cho tôi một bó thật to, nghi trang là một cuộn vải lớn. Tôi khấp khởi mừng… Mở ra xem lại thì tôi “tá hỏa”: Thật ra tài liệu niêm phong đưa cho tôi chỉ là một “tài liệu mẫu” để cho các địa phương khác nhau sử dụng, cho nên những chỗ “tên địa phương” đều bỏ trống và có mở dấu ngoặc dặn thêm: “Điền tên địa phương sử dụng vào chỗ này”. Văn bản mẫu hướng dẫn đáng lẽ được in riêng, thì anh em lại in chung vào tờ “Cờ Giải phóng”. Số lượng in rất lớn. Khi phát hiện ra sai sót, tờ báo không thể đem phát hành. Tính kỹ, nếu đem đốt thì sẽ có một khối lượng lửa khói lớn xuất hiện trong xóm nhà lá ở khu lao động, vừa nguy hiểm, vừa dễ lộ lọt, còn đem đi hủy ở chỗ khác cũng vô cùng khó vì không dễ dàng đi qua những vùng mà địch đang ngăn chặn, cô lập từng khu phố, lục soát từng người qua lại kĩ càng, nhất là vùng nghi có quân ta chiếm lĩnh.

Biết tôi băn khoăn không biết giải quyết “cái của nợ” này như thế nào, anh Phan Văn Thứ chủ nhà cười, nói nhỏ: Chuyện này dễ ợt! Chú để tôi lo cho!

Anh chỉ tay xuống dưới sàn nhà, nhà được dựng trên vùng đất sình lầy (gọi là vùng “nước đen”; hiện nay đã được cải tạo thành khu nhà khang trang trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) nói: Tôi cho cừ tràm sốc một lỗ dưới vùng sình, rồi đưa “cái của nợ” của anh xuống đó là ổn thôi. Chẳng ai biết gì đâu.

Tôi ngớ người ra! Người dân sống ở Sài Gòn xử lý những tình huống khó khăn nhất một cách dễ dàng, giản đơn và hiệu quả như vậy đó!./.

Nguyễn Trọng Xuất
Nguyên Phó trưởng ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất