Thứ Ba, 7/5/2024

Sáng mãi một con đường

Một tiết mục văn nghệ do cán bộ, nhân viên cơ quan Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương biểu diễn dịp 75 Ngày truyền thống ngành (1/8/1930 - 1/8/2005).

Một tiết mục văn nghệ do cán bộ, nhân viên cơ quan Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương biểu diễn dịp 75 Ngày truyền thống ngành (1/8/1930 - 1/8/2005).

NHỮNG KỶ NIỆM

Tháng 5 năm 2000, tôi nhận quyết định chuyển ngành về công tác tại Vụ Văn hóa, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Đơn vị mới, công tác mới, đồng nghiệp mới nên “cái thuở ban đầu” cũng không tránh khỏi có những lúc bỡ ngỡ. Nói là mới, chứ thực chất những công việc tôi đã trải qua trong 28 năm quân ngũ đã gắn bó với ngành tư tưởng - văn hóa... Những năm tháng đó, tôi cùng đồng đội, đồng nghiệp được đi biểu diễn nhiều nơi để phục vụ bộ đội, nhân dân, biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật, nhất là mảng ca khúc. Nhưng, chưa bao giờ tôi được nghe hoặc có cơ hội để cùng anh chị em hát một bài hát nào đó trong chương trình có cụm từ “tư tưởng, văn hóa”, hoặc nội dung có đề cập đến lĩnh vực quan trọng này.

Tôi còn nhớ, một buổi sáng tháng 6/2000, tại phòng làm việc của Vụ Văn hóa (nhà cấp 4, tại địa điểm số 2B Hoàng Văn Thụ hiện nay), nhạc sĩ Trần Hoàn, lúc đó là Phó Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, đưa cho tôi một bản nhạc có lời được tác giả viết tay bằng bút mực. Tiêu đề của bài hát là “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Dưới tiêu đề, tác giả ghi: Lời: Hồ Chủ Tịch/ Hành khúc của các chiến sỹ văn hóa - thông tin. Ông nói với tôi, giọng trầm ấm, chậm rãi như tâm tình: “Hùng tập cho đội văn nghệ của Ban bài hát này nhé”. Và năm ấy, trong dịp Công đoàn viên chức Việt Nam tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng, đội văn nghệ của Ban đã hát bài đó lần đầu tiên. Lời bài hát có đoạn: “Đã qua những tháng năm quyết tâm cùng chiến đấu/ Đi theo Đảng anh hùng, tay đàn và tay súng/ Không dừng một phút, không ngừng một giây, phấn đấu không ngừng vì một ngày mai…. Văn hóa là mặt trận, anh em chúng mình là chiến sỹ trên mặt trận ấy/ Văn hóa vì cuộc đời, làm cho con người dân trí nâng cao/ Văn hóa vì con người/ Xây dựng tâm hồn luôn thanh khiết/ Ghi nhớ lời Bác khuyên “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Bài hát viết ở giọng sol trưởng (G), nhịp 2/4 - hành khúc, hào hùng và thúc giục. Tôi hiểu tâm trạng của ông lúc đó, rất muốn có một bài hát về ngành tư tưởng - văn hóa.

Cuối năm 2002, đầu 2003, nhạc sĩ Trần Hoàn chuyển về công tác tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Trước khi chia tay, trong một buổi ngồi tâm sự với anh chị em Vụ Văn hóa, ông nói với tôi như một lời nhắn nhủ của lớp nghệ sĩ cha anh đối với thế hệ sau: “Phải có một bài hát về ngành ta”. Những ngày tiếp theo, do công việc, tôi không được gặp ông thường xuyên như khi ông còn công tác ở Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nhưng lời nhắn nhủ của ông luôn nhắc tôi sáng tác - sáng tác bài hát về ngành. Nhưng quả thực, tôi cũng mới “nhập ngành”, đang “học việc”, sáng tác một bài hát về ngành thật không dễ chút nào. Cần có thời gian…

Ý TƯỞNG SÁNG TÁC

Năm 2003, nhân dịp Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương về công tác Tư tưởng tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng trong khối, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương thành lập đội văn nghệ tham gia hội diễn. Quá trình xây dựng chương trình, anh chị em rất băn khoăn khi tìm một bài hát viết về ngành tư tưởng - văn hóa để dàn dựng trong chương trình.

Thời điểm đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”. Chỉ thị xác định: Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới, cần thấm nhuần sâu sắc, vận dụng sáng tạo những nguyên lý và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong đó việc tổ chức học tập tư tưởng Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ mấu chốt của công tác tư tưởng của Đảng, cần được toàn Đảng thực hiện chặt chẽ, có chất lượng, hiệu quả.

Tôi suy nghĩ, trăn trở và bật ra ý tưởng sáng tác ca khúc “Sáng mãi một con đường”. Khi hát “mộc” cho anh chị em nghe, được mọi người ủng hộ, tôi đã hoàn thành khá nhanh ca khúc để đội văn nghệ luyện tập, tham gia hội diễn. Ca khúc viết ở giọng sol trưởng, nhịp 2/4, có thể hát, vỗ tay, đi đều, hình thức hai đoạn đơn, âm vực hơn một quãng 8, phù hợp với cỡ giọng quần chúng. Năm đó, bài hát đã được biểu diễn mở đầu cho chương trình của đội văn nghệ Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, được tặng cờ của Ban Tổ chức và huy chương cho một số tiết mục. Lời bài hát có đoạn: “Tự hào trên mặt trận tư tưởng -  văn hóa/ Có bao nhiêu thế hệ đêm ngày cùng sát vai/ Qua bao chặng đường chông gai, vẫn mang niềm tin kiêu hãnh, của Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu/ Ta bước tiếp sự nghiệp cao đẹp, rạng rỡ/ Có nhân dân đêm ngày ân tình nâng bước đi/ Ghi sâu trong từng nhịp tim, những thôn làng xưa yêu dấu, một lòng trung kiên, chẳng ngại hy sinh, son sắt một niềm tin / Vững bước trên con đường cách mạng/ Tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa Mác - Lênin, giục ta vững bước, vượt lên phía trước/ ơ…ơ…/ Triệu triệu tấm lòng như một, xuôi ngược hướng về tương lai/ Xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.

Sau này, bài hát được anh chị em trong và ngoài ngành hát nhiều lần trong các dịp giao lưu, liên hoan văn nghệ tại cơ quan, địa phương, đơn vị. Đặc biệt, ca khúc đã được dàn hợp xướng Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội phục vụ Lễ Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng; Dàn hợp xướng Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam biểu diễn chào mừng 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ca khúc cũng được sử dụng trong một số chương trình, sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, như Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”; Tổng kết, trao giải Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu nội dung Văn kiện Đại hội XII của Đảng”...

Là tác giả sáng tác ca khúc này, tôi rất vui và xúc động vì đã thực hiện được lời dặn của nhạc sĩ Trần Hoàn; ca từ chuyển tải được những nội dung khái quát, gắn với công việc của ngành tư tưởng - văn hóa, khẳng định con đường “Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” luôn sáng mãi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân dân ta; giai điệu vừa hào hùng mà vẫn thiết tha, ngợi ca; dễ hát, dễ thuộc, không bị lên gân, hô khẩu hiệu. Tuy nhiên, thâm tâm tôi vẫn muốn “có” một hành khúc thực sự khỏe khoắn, hào sảng, thúc giục, nhưng phải đậm chất văn học, ngắn gọn, có sức sống lâu bền và không chỉ những người trong ngành tư tưởng - văn hóa (tuyên giáo) hát, mà nhiều ngành nghề khác có thể hát. Mong ước là thế, nhưng thật khó, nhất là ca từ. Nghĩ thế, và đành nén chờ cơ hội, vận may để thực hiện.

CƠ HỘI SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT

Đó là những lần Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng. Việc này đã được Lãnh đạo Ban rất quan tâm từ nhiều năm trước đây, nhất là vào các dịp kỷ niệm chẵn, tròn năm Ngày truyền thống của ngành. Đó là hoạt động mang lại nhiều tình cảm, tình yêu nghề, gắn bó đồng nghiệp với nhau, đồng thời cũng “kích hoạt” cảm xúc trong trái tim những người làm công tác tuyên giáo vốn rất nhạy cảm, giàu nhân văn. Nhiều cán bộ, nhân viên được hát, làm thơ, đọc thơ, được chơi đàn, được múa. Chất lượng nghệ thuật chỉ là nghiệp dư, nhưng cảm xúc thì rất thật, rất nghệ thuật.

Năm 2008, nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng, Công đoàn cơ quan tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng. Buổi khai mạc hội diễn, đồng chí Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực tới dự và phát biểu. Sau vài lời tâm sự cùng anh chị em tham gia hội diễn, ngắn gọn và rất văn nghệ, đồng chí Phùng Hữu Phú đọc tặng mọi người bài thơ vừa sáng tác trên đường từ nhà đến cơ quan. Cả hội trường lắng nghe, xúc động và đầy cảm xúc. Tôi với trách nhiệm là Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nghe như nuốt từng lời. Bài thơ ngắn, không một từ nào nói đến “tư tưởng - văn hóa” “tuyên giáo”, nhưng không ai nghe mà không nghĩ đến công việc mình đang làm hằng ngày cùng đội ngũ những người trong ngành tuyên giáo. Đó chính là điều khiến tôi bị chi phối suy nghĩ suốt trong ngày tổ chức Hội diễn. Tôi nghĩ: đây chính là ca từ cho một ca khúc về ngành tuyên giáo. Và, âm nhạc bật ra, tôi cứ lẩm nhẩm hát trong đầu mình. Kết thúc ngày Hội diễn, tôi về phòng làm việc, cầm đàn, hát và ký âm luôn. Ca khúc hoàn thành thật nhanh chóng như đã có sẵn trong đầu, giờ chỉ viết ra giấy. Cả bài thơ hầu như được giữ nguyên lời, tôi chỉ sắp xếp lại theo trình tự tiến hành giai điệu. Ca khúc viết ở hình thức một đoạn đơn, nhịp vừa phải, tin yêu và đầy kiêu hãnh. Phần lời rất ngắn gọn, dễ thuộc: “Tự hào là người lính, lái con tầu dẫn đường trên biển/ Biển rộng trời cao, tầu lướt về phía trước/ Vầng trăng treo, sóng hát rì rào/ Có những lúc biển động gió gào, bão giật/ Có những lúc mây mù, mây mù che khuất/ Tầu ta vẫn hiên ngang/ Vững tay lái vượt lên/ Hướng mặt trời phía trước/ Hướng không bao giờ mất/ Hát lên nào, anh chị em ơi/ Hát lên nào, đi theo hướng mặt trời”.

Toàn bộ ca từ chỉ như thế. Tôi đặt tiêu đề cho ca khúc là “Đi theo hướng mặt trời” mà chưa kịp xin phép tác giả của bài thơ - GS. TS. Phùng Hữu Phú. Ca khúc đã được anh chị em trong cơ quan hát nhiều lần trong các buổi giao lưu, liên hoan văn nghệ. Tốp ca nam Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội; tốp ca nam Đoàn Văn công Quân khu V đã thu âm, biểu diễn tại các chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác những năm qua. Vài tuần gần đây, trong không khí chuẩn bị các hoạt động hướng tới Ngày truyền thống của ngành, mỗi khi ngồi với nhau, anh chị em đồng nghiệp lại cùng nhau hát ca khúc này.

Những năm gần đây, tôi cũng đã được nghe nhiều ca khúc viết về ngành ta như: “Hành khúc Tuyên giáo của Đảng”, nhạc của Tự Đức, phổ thơ Phạm Kỳ (tác giả thơ Phạm Kỳ nguyên là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai); “Khúc hát những người làm tuyên giáo Hưng Yên”, nhạc của Nguyễn Quang Thạch, phổ thơ Vũ Văn Toàn (tác giả thơ Vũ Văn Toàn nguyên là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên)... Các ca khúc này đã được anh chị em hát tại địa phương mỗi dịp kỷ niệm ngày truyền thống của ngành. Đó cũng là những sản phẩm tinh thần rất ý nghĩa, động viên anh chị em hăng say, yêu nghề.

Âm nhạc cũng là một “mũi xung kích” trên mặt trận tuyên giáo. Mỗi công việc thuộc lĩnh vực tuyên giáo, bản thân nó cũng có chất văn học, nghệ thuật, cũng hàm chứa những cảm xúc.

Âm nhạc là một thành tố của văn học, nghệ thuật, của văn hóa, một “mũi xung kích” trên mặt trận tuyên giáo. Mỗi công việc thuộc lĩnh vực tuyên giáo, bản thân nó cũng có chất văn học, nghệ thuật, cũng hàm chứa những cảm xúc. Một ca khúc viết về ngành tuyên giáo, khi được vang lên, tự thân nó đã “trực tiếp làm công tác tuyên giáo”, thậm chí thổi bùng lên khát vọng, làm lung linh thêm những giá trị, thôi thúc con người vươn tới, bên nhau vượt qua mọi thử thách./.

Nhạc sĩ Vũ Việt Hùng
Nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương,
Nguyên Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất