Thứ Ba, 7/5/2024

Những chuyện thường ngày

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo giảng viên Triết học, hệ chuyên ban ba năm (1976 - 1978) trường Nguyễn Ái Quốc V, tôi đứng trước hai lựa chọn. Nếu làm giảng viên đại học, tôi dự định sẽ chọn Trường Đại học Tổng hợp, nơi tôi vốn là cựu sinh viên khoa Sử của trường. Lựa chọn nữa là về Ban Tuyên huấn Trung ương, nơi được coi là “ngành dọc” của tôi.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình thống nhất, trước khi trở lại miền Bắc, tôi được thầy Phan Hữu Dật, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp, khi đó đang là Trưởng đoàn tiếp quản các trường Đại học ở Thành phố Sài Gòn (sau này là Thành phố Hồ Chí Minh) viết cho một lá thư tay giới thiệu tôi trở về Khoa Sử. Tiếc là cả ba lần tôi tới trường để gặp thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Tứ đưa thư, đều không gặp. Khi thì thầy Tứ bận họp, lúc thì thầy đi công tác. Sự bất quá tam, tôi thầm nghĩ, có lẽ số mình không bén duyên với trường nên tôi cất lá thư đó và trở về Ban Tuyên huấn Trung ương trình bày nguyện vọng xin được đi học. Vụ Tổ chức hỏi nguyện vọng cụ thể, tôi nói tôi vừa từ chiến trường B2 ra, tôi không muốn đi làm ngay mà xin được đi học. Miễn là được học, trường nào là do Ban sắp xếp.

Động cơ xin đi học của tôi cũng là để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chứ không vì chạy theo bằng cấp. Ngày ấy trong hệ thống khoa cử cũng chưa có khái niệm thạc sĩ và tư tưởng bằng cấp cũng rất khác bây giờ. Việc học của tôi sau đấy cũng coi như một bằng đại học thứ hai mà thôi.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức Nguyễn Quý Vĩnh tiếp tôi rất ân cần, niềm nở. Đồng chí nói sẽ ưu tiên giải quyết nguyện vọng của tôi. Hiện nay trong hệ thống các trường Đảng đang có lớp đào tạo giảng viên lý luận Mác - Lênin cho các trường đại học, nếu tôi đồng ý thì Ban sẽ giới thiệu cho đi.

Không phải đắn đo gì lâu, tôi trả lời đồng ý.

Sau ba năm học ngoại trú, ngày ngày đạp xe từ khu tập thể Trung Tự đến trường Nguyễn Ái Quốc V ở Thanh Xuân. Nhiều hôm xe bị hỏng, không có phụ tùng thay thế (tôi mới ra miền Bắc chưa được cấp sổ mua phụ tùng), phải nhờ bạn học đèo đến trường. Ngày tốt nghiệp, đa số bạn bè đều rủ rê tôi chọn nghề giảng viên đại học. Ngoài những lý do chuyên môn, hầu như ai cũng nói về Ban Tuyên huấn Trung ương oai thì có oai nhưng lương “ba cọc ba đồng”..., chắc là đói lắm. Đúng là sau giải phóng Miền Nam, vào những năm tháng ấy, tình hình kinh tế của đất nước cứ năm sau lại kém hơn năm trước. Một câu nói mang tính khái quát luôn được mọi người nhắc tới như câu đồng dao lan truyền trong xã hội: “Làm không đủ ăn; thu không đủ chi; xuất không đủ nhập”. Mặc dù anh em, bạn bè khuyên vậy nhưng trong lòng tôi vẫn luôn nghĩ tới “công ơn” cơ quan đã giới thiệu mình đi học, nên tôi đã quyết định xin trở về Ban làm việc.   

Ban Tuyên huấn Trung ương khi đó do Ủy viên Bộ Chính trị Tố Hữu - một nhà thơ lớn làm Trưởng ban. Ngoài các Phó Trưởng ban chuyên trách Nguyễn Minh Vỹ, người phát ngôn của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Hội nghị Paris; Lê Xuân Đồng, một người làm công tác tuyên truyền đầy nhiệt tình và kinh nghiệm, còn có các Phó Trưởng ban kiêm nhiệm với những tên tuổi rất nổi tiếng: Hoàng Tùng, Tổng Biên tập báo Nhân dân; Nguyễn Vịnh, Giám đốc trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc; Đào Duy Tùng, Viện trưởng Viện Mác - Lênin... Quả là một cơ quan có vị thế đáng kính nể trong Đảng và trong xã hội. Cùng đội ngũ lãnh đạo cấp vụ, trong đó có những nhà báo lão thành Lưu Quý Kỳ, Phan Quang, Phan Hiền… và nhiều chuyên gia, chuyên viên có cỡ, khiến tôi luôn tự hào và hãnh diện mỗi khi có dịp giới thiệu với bạn bè người thân về nơi công tác của mình.

Nguyện vọng của tôi sau khi về Ban là muốn được về Tạp chí Giảng viên - cơ quan lý luận của Ban Tuyên huấn Trung ương để được tiếp tục nghề báo chí - cái nghề với tôi tuy chưa có thâm niên nhưng cũng đã có vài năm theo đuổi ở chiến trường và trong người cũng có đôi chút “máu mê” viết lách. Nhưng rất tiếc, với bản lý lịch còn quá ít thành tích báo chí, lại vừa mới ra trường nên Tổng Biên tập Lê Duy - một người vào lúc ấy được coi là cây viết rất cứng ở Ban, lựa chọn người rất kỹ - không nhận tôi về Tạp chí cũng là điều dễ hiểu.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức Nguyễn Quý Vĩnh lại chuyển hồ sơ của tôi tới Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Văn Trung. Sau khi xem xét kỹ lưỡng hồ sơ lý lịch, anh Trung đã nhận tôi về làm cán bộ tổng hợp Văn phòng Ban. Những năm làm việc dưới quyền, tôi được biết đồng chí Phó Chánh Văn phòng là người đã từng làm Tổng biên tập báo Hà Tây. Anh là người kỹ tính cả trong sinh hoạt đời thường và trong công việc. Biên tập, viết, sửa văn bản rất có nghề. Anh rà soát, sửa chữa các văn bản rất kỹ trước khi trình lên lãnh đạo, kể cả những văn bản do đích thân các đồng chí Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng chuẩn bị.

Cũng cần phải kể thêm, còn một Phó Chánh Văn phòng văn hay, chữ đẹp, thường xuyên được giao biên tập các bài nói của đồng chí Hoàng Tùng là anh Nguyễn Đăng Quế. Phụ trách Văn phòng Ban Tuyên huấn Trung ương, “dưới trướng” của những nhà tư tưởng, những cây viết lừng danh như Tố Hữu, Hoàng Tùng, Đào Duy Tùng... Các văn bản hằng ngày trình lên cấp trên là Ban Bí thư, Bộ Chính trị, nếu không phải là những cây viết tốt thì không thể ngồi vào ghế ấy. Đó là may mắn lớn lao nhưng cũng là áp lực hàng ngày đòi hỏi tôi phải không ngừng học hỏi và cố gắng. Nhất là mỗi khi các anh giao cho tôi soạn thảo một văn bản nào đó. Mỗi lần trình lên, mỗi lần nhận lại đều rất hồi hộp.

Sau một thời gian làm việc, tuy mọi người không nói ra, nhưng tôi cảm nhận  cả hai đồng chí Phó Chánh Văn phòng đều hài lòng về sự nghiêm túc trong công việc của tôi. Chánh Văn phòng Bùi Hồng Việt hằng ngày tuy không trực tiếp giao việc cũng có những đánh giá tốt. Chẳng thế mà năm 1980, lần đầu tiên có lớp nghiên cứu sinh ở AON Liên Xô, tôi đã được chọn đi học, nhưng đồng chí Chánh Văn phòng kiên quyết đề nghị Ban Tổ chức Trung ương giữ lại với lý do “Các anh đưa cậu ấy đi như bằng chặt mất cánh tay của tôi à”. Ngày ấy, chả cứ là tôi, chẳng có ai “chạy chọt” để được đi học, để có bằng cấp như sau này. Dù trong lòng rất không vui nhưng tôi đã “ngoan ngoãn” chấp hành, không dám trình bày, khiếu nại. May là qua năm sau tôi lại được gọi đi Liên Xô học lớp nghiên cứu sinh Triết học tại ngôi trường vô cùng danh giá - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội trực thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, gọi tắt là AON.

Ngày mới về Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Văn Trung phân công tôi theo dõi mảng huấn học, giúp việc trực tiếp cho đồng chí Nguyễn Vịnh, Giám đốc Trường Đảng cao cấp, kiêm Phó Trưởng Ban. Tuy thời gian giúp việc không lâu, nhưng tôi đặc biệt ấn tượng và biết ơn cách thức kèm cặp, rèn giũa, giao việc của đồng chí Nguyễn Vịnh. Sau khi tiếp xúc hỏi han quá trình học tập, công tác của tôi, đồng chí ân cần khuyến khích: “So với lúc tôi bằng tuổi chú, thì bây giờ chú được học hành, đào tạo bài bản hơn tôi ngày trước nhiều, lại có mấy năm chiến trường nữa. Tôi cho phép chú cứ mạnh dạn đề xuất ý kiến xử lý các văn bản trước khi chú chuyển đến cho tôi. Còn dùng được hay không chú đừng có ngại”. Thật không gì hạnh phúc hơn khi được thủ trưởng khuyến khích, tin tưởng giao việc cho một cán bộ mà tuổi đời và quá trình công tác còn rất non, rất trẻ như tôi.

Tiếp nữa, là những cơ hội được gần gũi, học hỏi từ đồng chí Hoàng Tùng, một nhà báo lừng danh. Phải nói thật rằng, chỉ riêng mỗi lần được giao chuyển bài vở tới tay đồng chí thôi, cũng có thể được coi là nhiệm vụ hết sức đặc biệt. Cảm thấy được tin tưởng, vinh dự cũng có, nhưng có lẽ thấy e ngại thì nhiều hơn. Bởi phong cách làm việc của đồng chí Hoàng Tùng cũng rất... đặc biệt. Để tập trung suy nghĩ, viết bài và sửa bài, đến điện thoại để bàn đồng chí cũng rút ra khỏi ổ cắm. Bởi thế đừng ai dại dột tìm cớ lân la hỏi chuyện hoặc đến gần thủ trưởng nếu không thật sự có việc cần.

Bài vở, nếu chuyển cho đồng chí duyệt, sau một hai hôm không thấy trả lại, thì xin hãy coi như... bản thảo không dùng được chữ nào. Đồng chí Hoàng Tùng viết rất nhanh, mà sửa bài, sửa tài liệu cũng rất tài. Thật tình, tôi rất khó hình dung những tập tài liệu hàng trăm trang viết tay, thế nhưng đồng chí chỉ sửa một đêm là xong. Mà khi nhận lại, người viết sẽ vô cùng sung sướng và thầm cảm phục biết bao, bởi qua những chỗ thêm, chỗ xóa, chỗ sửa... bài viết được nâng tầm lên rất nhiều. Một lần, vào lúc Trung Quốc đưa quân đánh chiếm các tỉnh biên giới nước ta, anh Lê Tư Vinh được phân công viết bài để trình lên anh Hoàng Tùng duyệt. Anh Vinh nguyên là Trưởng Phân xã Việt Nam ở Bắc Kinh nhiều năm, là người am hiểu sâu về Trung Quốc, khả năng viết tốt. Nhưng khi nhận lại bài, tôi thấy anh Tùng sửa khá nhiều, trang nào cũng đầy dấu chữ đỏ. Có một chi tiết tôi rất nhớ, tất cả những cụm từ trong bài anh Vinh viết hoặc khi dẫn số liệu để nói về “ngân sách quốc phòng của Trung Quốc” đều được anh Tùng sửa thành “ngân sách chiến tranh”. Anh cười tủm tỉm: “Nó đang đánh mình trên biên giới mà viết ngân sách quốc phòng!”.

Đấy là những câu chuyện chữ nghĩa mà tôi luôn có may mắn được xem, được học từ các thủ trưởng.

Tiếp đến là thời gian tôi được phân công giúp việc đồng chí Đào Duy Tùng, một nhà lãnh đạo tư tưởng - văn hóa rất giàu kinh nghiệm và tràn đầy lòng nhân ái. Một con người đức độ, khiêm nhường, cẩn trọng và rất biết lắng nghe. Tôi chỉ xin kể hai chuyện nhỏ mà tôi trực tiếp chứng kiến. Mỗi câu chuyện đều toát lên phẩm chất cao đẹp, nhân ái ở con người đồng chí Đào Duy Tùng.

Đó là lần đồng chí Đào Duy Tùng giao việc cho Viện Triết học dịch một số bài viết của giáo sư Trần Đức Thảo - một nhà triết học nổi tiếng, vốn quen viết bằng tiếng Pháp hơn tiếng Việt. Tiếc thay, một vị lãnh đạo đáng kính của Viện Triết học khi đó đã nói với tôi rằng: “Anh báo cáo với đồng chí Đào Duy Tùng là không nên mất thì giờ với những bài viết của ông Thảo”. Dĩ nhiên, tôi đã báo cáo lại với đồng chí Đào Duy Tùng gần như nguyên văn câu nói ấy. Nghe xong, đồng chí Đào Duy Tùng nhẹ nhàng nói: “Chú nói lại với ông ấy, nếu đó là những bài viết của ông ấy, mà cũng bị ai đó đối xử như thế, thì ông ấy sẽ suy nghĩ ra sao?”. Một câu nói ngắn, nhưng toát lên sự trân trọng và có sức cảm hóa biết bao đối với các nhà khoa học, các nhà trí thức.

Một lần khác, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đại hội mở ra giai đoạn Đổi mới của đất nước. Nhân cuộc tiếp xúc của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với giới trí thức, văn nghệ sĩ tại hội trường số 10 Nguyễn Cảnh Chân. Lúc đồng chí Đào Duy Tùng sắp bước vào hội trường cũng là lúc Giáo sư Trần Quốc Vượng vừa tới. Tôi xin mở ngoặc để nói thêm về bối cảnh tế nhị của giây phút gặp nhau bất chợt hôm đó, là Giáo sư Trần Quốc Vượng vừa có chuyến đi Mỹ trở về. Trong thời gian ở Mỹ, Giáo sư có một số bài phát biểu bị báo chí trong nước lên tiếng phản bác khá gay gắt.

Theo xã giao thông thường, người lên tiếng chào trước là Giáo sư Trần Quốc Vượng. Nhưng Giáo sư vốn là người “phớt tỉnh Ăng lê” nên đồng chí Đào Duy Tùng chủ động cất tiếng chào trước:

- Chào ông bạn!

- Xin cảm ơn! Ông to thế ai dám đánh bạn với ông. - Giáo sư Trần Quốc Vượng thủng thẳng trả lời.

Trước câu trả lời không lấy gì làm thân thiện, đồng chí Đào Duy Tùng vẫn ôn tồn bắt chuyện.

- Thế nào ông bạn, sức khỏe ông dạo này có khá không?

- Khỏe hay không, ông biết quá rõ còn gì. Vừa rồi ông cho báo chí đánh tôi tơi bời như thế, ông còn hỏi.

Giáo sư Trần Quốc Vượng vẫn tiếp tục trả lời không lấy gì làm dễ chịu.

Nghe thủ trưởng hỏi chuyện, nghe Giáo sư - vốn là thầy giáo cũ của tôi - trả lời, tự nhiên tôi cảm thấy lúng túng, bởi tôi là người thứ ba có mặt khi ấy. Mặc dù với những câu trả lời rất căng, nhưng tôi thấy thủ trưởng Đào Duy Tùng không hề tỏ ra bực bội hay khó chịu chút nào. Không những thế, qua những lần nói chuyện, tôi thấy đồng chí Đào Duy Tùng rất coi trọng và quý mến tài năng cũng như tính cách của Giáo sư Trần Quốc Vượng.  

Sự thật, như tôi biết, câu chuyện của Giáo sư Trần Quốc Vượng bị một số bài báo “đánh” ngày ấy đâu có phải do Ban Tuyên huấn, càng không phải do đồng chí Đào Duy Tùng chỉ đạo. Đó là chuyện của báo chí, của các tác giả với tác giả mà thôi.

*      *      *

Gần 20 năm (1978 - 1997) làm việc ở cơ quan đầu não về công tác Tư tưởng - Văn hóa của đất nước, sống gần những con người tài năng, đức độ và cũng đầy cá tính. Tôi đã được học hỏi và lớn lên rất nhiều. Sau này khi đồng chí Đào Duy Tùng cho tôi thôi làm thư ký “để chú có điều kiện bay nhảy” (lời đồng chí Đào Duy Tùng), tôi thật sự rất mừng và rất biết ơn quyết định vô cùng quan trọng ấy. Để rồi sau đấy tôi được Trung ương cho đi thực tế, được cọ xát với môi trường thực tiễn rất không hề dễ dàng nhưng vô cùng đáng nhớ trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, năm 1997.

Trong chừng đó thời gian công tác ở Ban, tôi có may mắn trải qua hầu hết những lĩnh vực công việc của ngành. Làm lính văn phòng, được phân công giúp lãnh đạo ban theo dõi lĩnh vực huấn học. Một số năm làm lãnh đạo Trung tâm thông tin công tác tư tưởng của Ban. Sau đấy là Phó trưởng ban Thường trực, phụ trách báo chí, xuất bản. Được làm việc, gần gũi với các đồng chí thuộc thế hệ tiền bối của ngành và lớp những đồng chí kế tục, các anh Trần Trọng Tân, Thái Ninh, Hà Đăng, Hữu Thọ, Hà Học Hợi…

Trong những năm tháng khó quên ấy, điều tôi luôn trăn trở là tự mình phải xử lý mối quan hệ biện chứng rất không dễ dàng là làm thế nào để vừa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, vừa nắm bắt kịp thời thực tiễn sống động, không ngừng đổi mới và phát triển của đời sống xã hội.

Những nhận thức ấy chẳng có gì là mới mẻ. Bất cứ ai cũng đều có thể đọc và học từ học thuyết Mác - Lênin; từ trong kho tàng kiến thức đồ sộ của nhân loại và trong thực tiễn cuộc sống hằng ngày; trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và từ nhiều đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng. Hơn ai hết, những người làm công tác tuyên giáo luôn phải nhớ câu nói nổi tiếng được đồng chí Lê Duẩn thường xuyên nhắc lại: “Chân lý là cụ thể; cách mạng là sáng tạo”.

Làm công tác tuyên giáo là tuyên truyền, giáo dục niềm tin, lý tưởng sống cho mọi người. Công việc ấy đòi hỏi người làm công tác Tuyên giáo luôn phải có đủ cả hai phẩm chất: trung thành và sáng tạo. Phải gắn lý luận với thực tiễn. Phải nhớ câu nói bất hủ của Lênin “Thực tiễn là thước đo chân lý”; và “Thực tiễn cao hơn lý luận”.

Làm công tác tuyên giáo chính là làm công việc vừa cụ thể, vừa sáng tạo. Cũng một bài, một chủ trương, chính sách, như Bác Hồ đã dạy, nói với công nông phải khác nói với trí thức, với các nhà khoa học. Cách trình bày, diễn đạt khác nhau, nhưng tất cả đều hiểu giống nhau, để suy nghĩ và hành động phải triệu người như một. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, công tác tuyên giáo của Đảng ta đã làm được điều vô cùng vĩ đại ấy.        

*      *      *

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Tuyên giáo, một ngành mà đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói, ra đời sớm nhất của Đảng ta, trước cả khi thành lập Đảng. Ghi lại những dòng trên đây như để ôn lại một vài thu hoạch và kỷ niệm sâu sắc lắng đọng trong tôi. Những câu chuyện nhỏ như thường ngày tôi đã gặp, nhưng hết thảy đều là những bài học lớn, quý báu. Đó cũng là những kỷ niệm có nét riêng trong ngành Tư tưởng - Văn hóa. Qua đây tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình đối với những người tôi luôn quý trọng, những người thầy, người anh, người đồng chí mà tôi có may mắn được sống, được học hỏi, được gần gũi trong những năm tháng làm việc ở Ban Tuyên huấn, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương./.

Phạm Quang Nghị
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội,
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất