Chủ Nhật, 19/5/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 18/5/2020 15:43'(GMT+7)

Sơn Dương phát huy truyền thống cách mạng, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp

Sơn Dương là một huyện miền núi nằm ở phía Nam tỉnh Tuyên Quang. Phía bắc giáp huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), phía Nam và phía Tây - Nam giáp ba huyện Đoan Hùng, Phong Châu (Phú Thọ), Lập Thạch (Vĩnh Phúc); phía đông giáp hai huyện Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên). Huyện có tổng diện tích tự nhiên trên 78 nghìn ha, 31 xã, thị trấn, 400 thôn, tổ dân phố; dân số của huyện có 183.627 người. Đảng bộ huyện có 58 chi, đảng bộ cơ sở, với 9.676 đảng viên. Có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm ở trung tâm Việt Bắc, là vùng đất hội tụ đầy đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nơi đây, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc những năm giữa thế kỷ XX đã trở thành trung tâm căn cứ địa cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến; nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Tôn và các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ. Các di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như: Cây đa Tân Trào, Lán Nà Nưa, Đình Tân Trào, Đình Hồng Thái, Đình Thanh La, Hang Bòng, Bến Bình Ca…mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi.

Ngày 21/5/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) về xã Tân Trào để lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Tại đây, Người chỉ thị thành lập Khu giải phóng với Tân Trào là trung tâm, trở thành Thủ đô Khu giải phóng. Nhân dân Sơn Dương có sứ mệnh xây dựng một chế độ xã hội mới, là hình ảnh thu nhỏ của một nước Việt Nam mới ngay tại vùng tự do của cách mạng. Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến. Từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, quyết định lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập. Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội được triệu tập tại Tân Trào. Đại hội biểu thị ý chí quyết tâm sắt đá giành độc lập dân tộc của đồng bào cả nước. Đại hội nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và thành lập “Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam”, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội cũng quy định Quốc ca, Quốc kỳ. Thay mặt nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc Sơn Dương với tấm lòng thành kính và biết ơn, với niềm tin và ý chí quyết tâm đã đến tặng quà Đại hội, chúc mừng Chính phủ mới. Tân Trào trở thành thủ đô lâm thời của nước Việt Nam mới. Từ Tân Trào - Sơn Dương lệnh Tổng khởi nghĩa được truyền đi, cả nước nhất loạt đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. 

Di tích Lán Nà Nưa, huyện Sơn Dương

Di tích Lán Nà Nưa, huyện Sơn Dương


Ngày 22/8/1945, Bác Hồ rời Tân Trào về Hà Nội. Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam anh hùng. Sau hơn một năm (5/1945 – 12/1946) xây dựng và củng cố chính quyền, thời gian tuy ngắn nhưng với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, quân dân huyện Sơn Dương đã giữ vững thành quả cách mạng đã giành được; đồng thời góp phần bảo vệ Bác Hồ và các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ trong những năm tháng hoạt động tại địa phương.

Cách mạng Tháng Tám thành công, cách mạng Việt Nam phải đối mặt với những thử thách hết sức gay go, phức tạp, tình thế cách mạng như ngàn cân treo sợi tóc. Đầu tháng 12/1946, thực dân Pháp đem quân chiếm đóng trái phép ở Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng và liên tiếp gây ra nhiều vụ xung đột, khiêu khích ở Hà Nội. Đúng 20 giờ, ngày 19/12/1946, quân dân thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Với vị trí chiến lược và phong trào cách mạng vững mạnh được xây dựng từ thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945, một lần nữa Sơn Dương trở thành "Thủ đô kháng chiến", vinh dự được đón Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và nhiều cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ về ở và làm việc trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Trong thời gian 48 tháng ở Sơn Dương, Bác Hồ đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng của đảng, Chính phủ để quyết đáp những vấn đề trọng yếu của cuộc kháng chiến kiến quốc. Đất và người Sơn Dương còn lưu giữ mãi những hình ảnh về hoạt động của Người và các nhà lãnh đạo cách mạng, các cơ quan Trung ương trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc.    

Hoàn thành sứ mệnh trong Cách mạng Tháng Tám và chín năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" con em Sơn Dương đã hăng hái lên đường nhập ngũ, anh dũng chiến đấu. Các phong trào "Ba đảm đang", "Ba sẵn sàng", "Thóc không thiếu một cân, Quân không thiếu một người"... là những hành động cụ thể mà Đảng bộ và nhân dân Sơn Dương thực hiện góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc, chi viện kịp thời sức người, sức của cho cuộc chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với những đóng góp to lớn trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 1998 nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Sơn Dương được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Huyện Sơn Dương có 3 tập thể, 02 cá nhân được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; 43 mẹ Việt Nam anh hùng; 69 người có công giúp đỡ cách mạng; 13 lão thành cách mạng; 27 cán bộ tiền khởi nghĩa; 5.564 tập thể, cá nhân được tặng thưởng các huân, huy chương kháng chiến, lao động. 

Lịch sử đã hun đúc nên những giá trị truyền thống quý báu của Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sơn Dương, đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc; đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách; tuyệt đối trung thành với Ðảng, Bác Hồ, với cách mạng. Truyền thống lịch sử vẻ vang đó đã, đang và sẽ mãi là động lực vô cùng to lớn trong mỗi bước đi lên của Sơn Dương. 

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, với những thành tựu đã đạt được trong quá trình vừa chiến đấu vừa xây dựng, Sơn Dương vững vàng cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới do Ðảng khởi xướng, lãnh đạo, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Có vị trí địa lý tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ thuận lợi trong liên kết, giao thương hàng hoá phát triển kinh tế. Rừng núi chiếm ¾ diện tích toàn huyện. Có nhiều sông, suối, ngòi là những nguồn nước quan trọng, tác động lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân trong vùng. Dưới lòng đất có nhiều khoáng sản như: thiếc, đồng, chì, vonfram, barit, cao lanh. Thổ nhưỡng khá màu mỡ, thích hợp cho việc phát triển các loài cây lương thực và một số cây lâm nghiệp, công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Nhìn tổng thể điều kiện tự nhiên tạo thuận lợi cho Sơn Dương xây dựng cơ cấu kinh tế nông, lâm, công nghiệp chế biến và dịch vụ.

Một góc toàn cảnh thị trấn Sơn Dương

Một góc toàn cảnh thị trấn Sơn Dương

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, Sơn Dương cũng đối mặt với những khó khăn chung của cả nướckhi vừa trải qua cuộc chiến tranh lâu dài, xuất phát điểm nền kinh tế quá thấp kém, sự chống phá của các thế lực phản động quốc tế, những khuyết điểm chủ quan như duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp; đời sống nhân dân chậm được cải thiện. 

Nhận thức sâu sắc những thuận lợi và khó khăn trên, trong suốt những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sơn Dương luôn nêu cao quyết tâm chính trị, chủ động, sáng tạo, khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tranh thủ thuận lợi, khắc phục khó khăn đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã  hội từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, kinh tế - xã hội của Sơn Dương ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng toàn diện trên các lĩnh vực.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Sơn Dương đã hoàn thành 12/14 chỉ tiêu chủ yếu nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiều chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra ở mức cao. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân toàn huyện giai đoạn 2015-2020 đạt 11,49%/năm (Tổng giá trị sản phẩm năm 2016 đạt 10.736,6 tỷ đồng, năm 2020 dự kiến đạt 18.498,3 tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, công nghiệp - xây dựng chiếm 50,63%, các ngành dịch vụ chiếm 34,33%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15,04%. Tiềm năng, lợi thế về du lịch, nông nghiệp từng bước được khai thác hiệu quả, tạo đà phát triển mạnh trong những năm tới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được cải thiện và nâng cao chất lượng. Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2020 huyện có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đều đạt và vượt dự toán được giao. 


Cùng với sự phát triển kinh tế, huyện có nhiều nỗ lực trong phát triển văn hoá, xã hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực, luôn đứng trong tốp đầu các huyện, thành phố. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chú trọng. Triển khai thực hiện các giải pháp về lao động, việc làm. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, chú trọng giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 giảm bình quân 3,85%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. 

Nhận thức sâu sắc quan điểm “phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt”, trong những năm qua, Đảng bộ huyện đã tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng,trọng tâm làkiên quyết, kiên trì thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường các biện pháp giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý cán bộ và đảng viên; nghiêm túc trong kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo quản lý, cán bộ, đảng viên; chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ;quan tâm làm tốt công tác phát triển Đảng, từ 5 đảng viên ngày đầu thành lập đến nay đảng bộ huyện đã có 9.676 đảng viên. Xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm.Chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Tỉnh uỷ, Huyện uỷ về công tác tổ chức bộ máy, biên chế trong hệ thống chính trị cấp huyện, cấp cơ sở. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận theo hướng bám sát cơ sở. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Chính quyền từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành.Nội dung, phương thức, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có bước chuyển biến tích cực. Quốc phòng – an ninh được giữ vững. Những thành tựu đạt được trong những năm qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với Ðảng bộ và Nhân dân các dân tộc Sơn Dương, tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm tiếp theo. 

 Năm 2020, là năm diễn ra nhiều sự kiện có ý nghĩa trọng đại của đất nước, năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sơn Dương tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp.

 Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, chủ động nắm vững tình hình, tận dụng lợi thế, khắc phục khó khăn, bổ sung kịp thời các chủ trương, giải pháp để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết dân tộc. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy hoạch, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị, nông thônĐẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tăng cường liên kết để phát triển du lịch, phối hợp triển khai thực hiện cơ bản Dự án khu du lịch sinh thái và dịch vụ thể thao huyện Sơn Dương; Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2025 và các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch trên địa bàn; tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hoá theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cải cách hành chính. Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Quan tâm xây dựng văn hóa, con người Sơn Dương phát triển toàn diệnTập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; nâng cao hiệu quả chương trình giải quyết việc làm; thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách an sinh xã hội; tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ./.

Nguyễn Thị Thanh Huyền

Bí thư Huyện uỷ Sơn Dương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất