Chủ Nhật, 19/5/2024
Khoa học
Thứ Ba, 23/3/2021 16:28'(GMT+7)

Tiến tới tăng độ bao phủ tiêm vắc xin COVID-19 bảm đảm thận trọng, an toàn

Tiêm vắc xin COVID-19 tại điểm tiêm BV Nhiệt đới Trung ương

Tiêm vắc xin COVID-19 tại điểm tiêm BV Nhiệt đới Trung ương

NHÌN LẠI CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG 2 TUẦN QUA: TIÊM ĐẾN ĐÂU AN TOÀN ĐẾN ĐÓ

Theo GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ học Trung ương, đến ngày 23/3/2021 đã có hơn 35.000 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Không có bất cứ trường hợp nào có biểu hiện đông máu sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca tại Việt Nam.

Từ ngày 8/3/2021, Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai tiêm chủng. Vắc xin đang được tiêm chủng tại Việt Nam là vắc xin do hãng AstraZeneca sản xuất được nghiên cứu và phát triển bởi đại học Oxford. Vắc xin được phê duyệt sử dụng có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 ngày 01/2/2021.

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19; các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về tổ chức buổi tiêm chủng, hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm, hướng dẫn tiêm an toàn, hướng dẫn giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm chủng và triển khai tập huấn cho toàn hệ thống.

Khác với hoạt động tiêm chủng thường xuyên được thực hiện bởi hệ thống y tế dự phòng, chủ yếu tại các trạm y tế xã phường, lần này, nhiều cơ sở điều trị (các bệnh viện) lần đầu tham gia triển khai tiêm vắc xin. Ngay trước khi triển khai, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho tất cả cơ cở y tế đến tận tuyến huyện tại hơn 700 đầu cầu trên toàn quốc. Đồng thời, Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) Quốc gia đã hướng dẫn chuyên môn cho các địa phương triển khai đợt I (bao gồm 13 địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch gần đây và 21 cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19).

Đến ngày 21/3/2021, vắc xin COVID-19 đã được triển khai tiêm tại 13 tỉnh, thành phố là các địa phương có ghi nhận trường hợp bệnh trong thời gian vừa qua (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Bình Dương, Điện Biên và Hà Giang). Ngoài ra, 21 cơ sở tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng tham gia triển khai tiêm chủng trong đợt này. Công tác triển khai tiêm chủng vắc xin được thực hiện một cách thận trọng và bảo đảm an toàn, công bằng theo tiến độ của các địa phương.

Trong đó, tỉnh Hải Dương, địa phương vừa trải qua đợt bùng phát COVID-19 mạnh từ cuối tháng 1 tới trung tuần tháng 3/2021 có số lượng người tiêm cao nhất với 16.635 người. Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường với tỷ lệ tương đương thông báo của nhà sản xuất và một số rất ít trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng nhưng đã được xử trí theo quy định, đến nay các trường hợp này đã hồi phục sức khỏe.

Việc đưa một vắc xin mới vào sử dụng trên diện rộng đòi hỏi phương pháp tiếp cận phù hợp, bảo đảm an toàn tiêm chủng. Do vậy, theo GS.TS. Đặng Đức Anh, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.

Cụ thể, các cơ sở tiêm chủng vắc xin phải đạt tiêu chuẩn theo quy định về cả cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sáng lọc theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm ch ủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi phản ứng sau tiêm, đồng thời được hướng dẫn tiếp tục theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm vắc xin; công tác cấp cứu đề phòng trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng luôn sẵn sàng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm chủng.

 Tập huấn hướng dẫn triển khai tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 cho trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố theo hình thức trực tuyến tại Điện Biên

Ngay sau buổi tiêm chủng vắc xin COVID-19 đầu tiên, các tỉnh tổ chức họp rút kinh nghiệm trước khi mở rộng ra các địa phương khác trên địa bàn. Những phản ứng thông thường sau tiêm và dấu hiệu bất thường cần lưu ý đều được chia sẻ kịp thời giữa những người trực tiếp thực hiện. Nhờ vậy, quy trình bảo đảm an toàn sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 từ tư vấn, theo dõi và xử trí sau tiêm được thực hiện chặt chẽ, nhưng vẫn bảo đảm tiến độ tiêm chủng.

Qua 2 tuần triển khai tiêm chủng, một vài trường hợp phản ứng sau tiêm đều được xử trí theo quy định và sức khỏe hồi phục tốt.

Bộ Y tế cho biết, hiện vẫn đang nỗ lực đàm phán, tiếp cận với các đối tác cung cấp vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới để tiếp tục nhập khẩu vắc xin, triển khai nhanh nhất việc mở rộng phạm vi sử dụng vắc xin phòng COVID-19 ở Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu các nhà sản xuất trong nước khẩn trương tiến hành nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng COVID-19 để chủ động nguồn cung. Vắc xin do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022 để chủ động được vắc xin, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có các đại dịch trong tương lai.

Thời gian tới, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia sẽ tổ chức triển khai tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vắc xin để người dân có cơ hội được tiêm chủng phòng bệnh sớm nhất. Vì vậy cần huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm các cơ sở y tế trên toàn quốc, cơ sở đào tạo về y tế để tổ chức chiến dịch tiêm chủng với sự tham gia của cơ sở y tế, bộ, ngành, lực lượng công an, quân đội.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, dự kiến, đến cuối tháng 3-2021, Việt Nam sẽ có thêm lô vắc xin Covid-19 với số lượng khoảng 1,3 triệu liều và phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố.

VỀ VẮC XIN ASTRAZENECA ĐANG ĐƯỢC TIÊM CHỦNG TẠI VIỆT NAM

Sau một số báo cáo cho rằng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca gây ra tình trạng đông máu và một số nước châu Âu dừng tiêm chủng vắc xin  này, ngày 18/3/2021, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã khẳng định “vắc xin của AstraZeneca an toàn và hiệu quả”, rằng lợi ích của vắc xin này là vượt trội so với nguy cơ có thể có của vắc xin đối với tình trạng huyết khối sau tiêm vắc xin và khuyến cáo tiếp tục sử dụng vắc xin này. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định không thấy có biểu hiện “gia tăng hiện tượng đông máu trong số những người đã được tiêm chủng”. Các nước châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italia đã nối lại sử dụng vắc xin AstraZeneca. Ngày 21/3, Ủy ban châu Âu đe dọa sẽ cấm AstraZeneca xuất khẩu vắc xin do hãng dược này giảm nguồn cung vắc xin đối với Liên minh châu Âu (EU).


 

Vắc xin AstraZeneca được lần đầu cấp phép sử dụng tại Anh vào ngày 30/12/2020 và được Tổ chức Y tế Thế giới thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021. Đến nay, vắc xin này đã được sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 6 châu lục với khoảng 17 triệu người tại châu Âu đã được tiêm chủng.

Vắc xin AstraZeneca được chỉ định cho người từ 18 tuổi trở lên với lịch tiêm 2 liều cách nhau từ 4-12 tuần. Theo thông báo cập nhật gần đây của nhà sản xuất, 3 tuần sau tiêm liều 1 hiệu lực của vắc xin là 76% và hiệu lực sau khi hoàn thành lịch tiêm 2 liều vắc xin với khoảng cách 12 tuần giữa 2 liều là 82%. Các dữ liệu về hiệu lực và tính an toàn của vắc xin đối với người trên 65 tuổi còn hạn chế. Vắc xin được chỉ định cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch... nếu những người này thuộc nhóm nguy cơ cao và lợi ích của tiêm vắc xin vượt trội so với nguy cơ mắc bệnh. Đối với nhóm người mắc COVID-19 cấp tính đã được xét nghiệm chẩn đoán dương tính bằng phương pháp RT-PCR, có thể được chỉ định tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh. Nhóm người có tiền sử sử dụng kháng thể kháng COVID-19 điều trị trước đó, việc tiêm chủng vắc xin được khuyến cáo tiêm ít nhất sau 9 tháng điều trị kháng COVID-19. Chống chỉ định tiêm vắc xin với những  người quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc xin, có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chúng vắc xin COVID-19 trước.

Vắc xin COVID-19 của Astra Zeneca có thể bảo quản ở điều kiện nhiệt độ lạnh thông thường từ 2-8 độ C, phù hợp với hệ thống dây chuyền lạnh hiện có của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Sau khi tiêm có thể gặp một số dấu hiệu như nhạy cảm đau chỗ tiêm (>60%), sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu (50%), đau cơ, khó chịu (>40%), sốt, ớn lạnh (>30%), đau khớp, buồn nôn (>20%), ngứa, bồn chồn... Đó là các phản ứng thông thường và sẽ hết sau vài ngày. Điều này cho biết cơ thể của người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đang tạo ra miễn dịch sau khi tiêm vắc xin để phòng bệnh. Các phản ứng ít gặp bao gồm chóng mặt, đau bụng, sưng hạch, vã mồ hôi, ngứa, phát ban. Phản ứng nặng sau tiêm vắc xin là rất hiếm gặp.

CHUẨN BỊ CHO “HỘ CHIẾU VẮC XIN”

Bộ Y tế cho biết, hiện nay không có vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ 100% đối tượng được tiêm. Đặc biệt, vắc xin phòng COVID-19 được phát triển trong thời gian ngắn, hiệu lực bảo vệ đạt từ 60-90% và Tổ chức Y tế thế giới còn đang tiếp tục đánh giá. Vì vậy, có một số người đã được tiêm chủng vắc xin vẫn có thể mắc bệnh và tiềm ẩn khả năng lây nhiễm cho cộng đồng, mặc dù nguy cơ  này là thấp.

Hộ chiếu vắc xin vẫn còn là một vấn đề đang được thảo luận trên thế giới do đòi hỏi các nước phải đạt tỷ lệ tiêm chủng cao để có được miễn dịch cộng đồng và chưa có đủ bằng chứng về hiệu quả phòng ngừa của vắc xin đối với sự biến chủng của vi rút SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch cho việc sử dụng hộ chiếu vắc xin trong tương lai và chỉ đạo xây dựng phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng bằng mã QR, bảo đảm tính xác thực thông tin tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã làm việc với cơ quan Đầu mối Y tế quốc tế (IHR) các nước để phối hợp, đề xuất phương án áp dụng hộ chiếu vắc xin phù hợp khi đủ điều kiện.

Cao Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất