Chủ Nhật, 5/5/2024
Dân số và phát triển
Thứ Sáu, 12/10/2018 11:3'(GMT+7)

Vĩnh Phúc nỗ lực giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong xã hội (Ảnh chụp tại Trường mầm non Hợp Hòa, huyện Tam Dương). Ảnh: Nguyễn Lượng

Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong xã hội (Ảnh chụp tại Trường mầm non Hợp Hòa, huyện Tam Dương). Ảnh: Nguyễn Lượng

Trăn trở mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, mỗi năm Vĩnh Phúc có từ 18.500-19.500 trẻ sơ sinh ra đời, chiếm 70-75% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. 5 năm gần đây, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của tỉnh trung bình 1,2-1,4%/năm, tỷ lệ này đảm bảo mức sinh thay thế ổn định và thấp hơn mức trung bình của cả nước từ 0,2-0,5%/năm. Tuy nhiên, tỷ số GTKS và tình trạng sinh con thứ 3 của tỉnh vẫn ở top 10 tỉnh, thành phố cao nhất của cả nước.

Năm 2010, có 9/9 huyện, thành, thị xảy ra tình trạng MCBGTKS, trong đó, có 6 huyện, thành thị có tỷ lệ sau sinh là 115 trẻ trai/100 trẻ gái. Bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, đến năm 2016, tỷ số giới tính của Vĩnh Phúc là 111,75 /100. Tình trạng mất cân bằng giới tính giữa nam và nữ của trẻ mới sinh của tỉnh vẫn đang ở chỉ số “báo động đỏ” và cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước là 3-4%.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh chia sẻ: Nguyên nhân gây ra tình trạng MCBGTKS của tỉnh còn cao là do bắt nguồn từ sự phát triển ngày càng tốt hơn của hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS). Ngoài việc tạo điều kiện cung cấp chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, nó còn làm gia tăng việc lạm dụng các kỹ thuật trong siêu âm, chẩn đoán hình ảnh giới tính thai nhi. Dịch vụ siêu âm sẵn có, dễ tiếp cận và chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ là điều kiện thuận lợi để những người cung cấp dịch vụ siêu âm thông báo cho các bà mẹ biết giới tính thai nhi, từ đó có sự lựa chọn giữ lại hoặc phá thai. Bên cạnh đó, do tư tưởng “Trọng nam hơn nữ” nên đã tạo sức ép trong việc lựa chọn giới tính thai nhi. Các sách báo, ấn phẩm, trang web cung cấp thông tin, bí quyết hỗ trợ cho việc lựa chọn giới tính thai nhi xuất hiện ngày càng nhiều đã tác động tới tâm lý của một số cặp vợ chồng, nhất là vợ chồng trẻ. Kết quả thực hiện các chính sách liên quan đến bình đẳng giới giữa trẻ em nam và trẻ em nữ, giữa phụ nữ và nam giới còn hạn chế...

Chủ động tham mưu, tăng cường truyền thông cơ sở

Để hạn chế tình trạng MCBGTKS, Chi cục DS-KHHGĐ Vĩnh Phúc đã chủ động tham mưu với tỉnh, ngành Y tế có cơ chế chính sách thực hiện tốt chiến lược DS-KHHGĐ; tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về SKSS; khuyến khích phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; quản lý chặt chẽ các cơ sở phòng khám hành nghề y tế tư nhân trong việc khám, siêu âm giới tính thai nhi.

Các hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng MCBGTKS đã được triển khai trên địa bàn tỉnh như: Quản lý chặt chẽ các cơ sở phòng khám hành nghề y tế tư nhân trong việc khám, siêu âm giới tính thai nhi; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn, vận động cho các cấp lãnh đạo chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, trạm y tế, cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số... Chi cục Dân số tổ chức các buổi tuyên truyền tại các xã, phường, thị trấn cho cộng đồng dân cư, cán bộ nhân viên các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, cho nam, nữ trước khi kết hôn về các chính sách liên quan đến công tác dân số, Luật Bình đẳng giới, quy định về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh.

Tại các địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc còn thành lập và duy trì các câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ thanh niên không sinh con thứ 3 trở lên, giúp nhau làm kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng mô hình đưa chính sách dân số vào quy ước thôn, khu phố, tổ dân phố nhằm duy trì mức sinh hợp lý, giảm tốc độ MCBGTKS, tăng số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Bằng nhiều nỗ lực, đến nay tỷ số GTKS tại Vĩnh Phúc là 110 bé trai/100 bé gái. Tỷ số này thấp hơn so với cả nước, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ MCBGTKS. Để việc triển khai thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025” một cách thiết thực, hiệu quả nhằm đạt các mục tiêu, góp phần giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, Vĩnh Phúc xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, khó khăn. Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025"; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về luật pháp, chính sách về DS-KHHGĐ kịp thời, thường xuyên, liên tục và có hiệu quả; cán bộ làm công tác dân số được nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ và được hưởng chế độ, chính sách phù hợp; thực hiện một cách đồng bộ các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức, hiểu biết và chuyển đổi hành vi; có chính sách khuyến khích phù hợp, tạo động lực thúc đẩy phong trào thực hiện chính sách dân số sâu rộng trong toàn dân; có chế độ, chính sách cho các gia đình sinh hai con một bề là gái và chế độ chính sách khuyến khích cho các cháu gái trong các gia đình sinh hai con một bề là gái; có chế độ an sinh xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng người già… nhằm khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số GTKS, tiến tới tỷ số GTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Theo giadinh.net.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất