Thứ Hai, 20/5/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Bảy, 19/11/2016 9:23'(GMT+7)

Vinh quang nghề giáo

* Nghề cao quý nhất

Có thể thấy, nghề giáo là một nghề hết sức đặc biệt, bởi, đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người; công cụ lao động của nghề dạy học, chủ yếu là bằng bản thân, là toàn bộ nhân cách của người thầy; phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hoá bằng tư tưởng, tình cảm của mình… để tạo ra những “sản phẩm” đặc biệt - là những con người. 

Không thể đem so sánh sản phẩm làm ra của người thầy với bất kỳ nghề nào trong xã hội. Bởi, nếu những ngành nghề khác vẫn cho phép xảy ra khả năng có những sản phẩm phạm lỗi kỹ thuật thì nghề dạy học không được phép tạo ra những sản phẩm bị lỗi. Vì vậy, lao động của người thầy đòi hỏi phải hết sức cẩn trọng, khoa học, nghiêm túc; đặc biệt phải có một cái tâm trong sáng, để tạo dựng nên những con người có tri thức, có nhân cách. 

Lịch sử dân tộc ta đã lưu danh những nhà giáo nổi tiếng, làm rạng danh nền giáo dục nước nhà. Đó là bà Ngô Chi Lan - nữ nhà giáo đầu tiên vào thế kỷ XV là được vua Lê Thánh Tông mời vào cung dạy học; là thầy Đỗ Năng Tế là thầy giáo của Hai Bà Trưng - những phụ nữ đầu tiên của dân tộc dựng cờ khởi nghĩa, chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc; là các thầy Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Thiếp, Lê Đình Diên, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Sinh Sắc… những tấm gương tiêu biểu về nhân cách ngời sáng của người thầy mẫu mực, tài giỏi, ngay thẳng, cương trực, không màng danh lợi. 

Đó là thầy giáo Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh (từng dạy học ở trường Dục Thanh) - Người đã khai sáng tâm hồn học trò về đạo lý, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Các thế hệ học trò của thầy Nguyễn Ái Quốc không những cùng thầy sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Trường Chinh… trước khi trở thành nhà lãnh đạo tài ba của đất nước cũng đã từng làm nghề “ươm mầm xanh” ở một số trường học. Không chỉ cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân viết nên những chiến công chói lọi ở thế kỷ XX mà còn từng bước đưa nền giáo dục nước nhà sánh vai cùng bạn bè năm châu. 
Nhà giáo Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Ngọc Ký… và biết bao tấm gương người thầy đã trở thành thần tượng, làm rung động triệu triệu trái tim, khối óc các thế hệ học sinh, sinh viên trong và ngoài nước. 
Tên tuổi nhiều nhà giáo đã được dùng đặt tên cho các trường học, đường phố, công trình, giải thưởng của các cuộc thi và trở thành biểu tượng sáng ngời về trí tuệ, nhân cách người thầy.

* Mỗi thầy, cô là tấm gương sáng cho học trò


Tiếp nối truyền thống dân tộc, các thế hệ nhà giáo ngày nay vẫn đang tiếp tục nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Bằng chứng là số lượng học sinh giỏi các cấp ngày càng tăng, số học sinh đi tham dự các kỳ thi quốc tế ngày càng nhiều…
Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, học sinh có thể dễ dàng tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, nhiều luồng thông tin, trong đó có cả những luồng tin độc hại, gây ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Bởi vậy, bên cạnh việc truyền đạt tri thức, thầy cô có vai trò quan trọng trong việc cùng với gia đình, giáo dục các em về nhân cách, lẽ sống, biết yêu thương, sống có trách nhiệm cho bản thân, gia đình và xã hội. Muốn vậy, bản thân thầy cô phải là những tấm gương cho học trò noi theo. Từ tác phong, cử chỉ lời nói đến hành động đều phải nghiêm túc, chuẩn chỉ, nhất quán. Thầy, cô giỏi, tất sẽ có trò giỏi. Người thầy sống nhân cách tốt không chỉ có học sinh ngoan mà còn cảm hóa được cả học sinh hư, học sinh cá biệt.

Người thầy đứng trên bục giảng được ví như một nghệ sĩ trên sân khấu, nhưng những “kịch bản” đôi lúc lại nằm ngoài giáo án. Chính vì thế ngoài sự khéo léo truyền đạt cho các em về kiến thức bài vở, người thầy cần nhấn mạnh đến ý thức học tập, trách nhiệm của bản thân trước gia đình và xã hội. Để qua mỗi bài giảng, mỗi lời nói, cử chỉ của thầy đều có những tác động tích cực đến những tâm hồn thơ trẻ của các em. Đồng thời, trong quá trình giảng dạy, người thầy phải vị tha, biết rắn, biết mềm tùy theo từng trường hợp cụ thể. Từ đó, giúp các em tiếp cận được với cả tri thức và đạo lý làm người./. 

Tùng Lâm 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất