Chủ Nhật, 19/5/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Sáu, 2/9/2016 21:56'(GMT+7)

Vượt qua nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, sớm thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại

 

Đại hội XII của Đảng đã đề ra quyết sách lớn: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Xin mạo muội có đôi điều bình luận, liên quan đến mục tiêu và nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Một là, quá trình phát triển nhận thức và việc xác định mục tiêu chiến lược của Đảng ta về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Khái niệm “công nghiệp hóa” hay “công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa” đã được Đảng ta sử dụng từ lâu trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trước đây và trong cả nước sau khi nước nhà thống nhất. “Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa” được coi là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ.

Đến thời kỳ đổi mới, nhất là từ Đại hội VII trở đi, Đảng ta đã gắn liền khái niệm “công nghiệp hóa” với tư tưởng hiện đại hóa. Cương lĩnh năm 1991 của Đảng nêu luận điểm “công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại” và coi đây là một trong những phương hướng cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) chủ trương: “Thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, và chỉ rõ: “Công nghiệp hóa phải đi đôi với hiện đại hóa, kết hợp những bước tiến tuần tự về công nghệ với việc tranh thủ những cơ hội đi tắt đón đầu, hình thành những mũi nhọn phát triển theo trình độ tiên tiến của khoa học - công nghệ thế giới”.

Đại hội VIII của Đảng (1996) nhận định: “Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu tiên là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Và: “Mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.

Đại hội IX của Đảng (2001) với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010, đề ra mục tiêu: “Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Đại hội X của Đảng (2006) chủ trương: Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,... sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đến Đại hội XI, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Đảng ta một lần nữa xác định mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 xác định: Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Và trọng tâm phương hướng cơ bản để thực hiện nhiệm vụ này, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn liền với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được coi là hai phương hướng cơ bản đầu tiên. Có thể nói đó là hai cánh cùng bay của đổi mới kinh tế thời kỳ mới.

Như vậy, qua 6 kỳ đại hội, cùng với đổi mới tư duy lý luận và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc xác định các phương hướng và mục tiêu chiến lược của Đảng nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại ngày càng rõ ràng, cụ thể và chính xác hơn.

Hai là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa - thành tựu, hạn chế và hai nhận định rất đáng quan tâm.

Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, Đại hội XII khẳng định những thành tựu đạt được là to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Bức tranh kinh tế được miêu tả như sau: Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển...

Bên cạnh những thành tựu đạt được là những hạn chế, khuyết điểm. Nổi lên là: kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Trong 10 năm gần đây, kinh tế vĩ mô có lúc thiếu ổn định, tốc độ tăng trưởng suy giảm, phục hồi chậm. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường...

Trong đánh giá tình hình, có hai nhận định rất đáng quan tâm: 1) Việc tạo nền tảng để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại (vào năm 2020) không đạt được yêu cầu đề ra. 2) Bốn nguy cơ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc tạo nền tảng nói trên không đạt được yêu cầu? Chắc chắn là có nhiều. Nhưng trực tiếp là những yếu kém, bất cập trong thực hiện hai nhiệm vụ công nghiệp hóa hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, nhận thức của chúng ta về hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại cũng ngày càng rõ ràng hơn, cho phép chúng ta soi lại những gì đã làm được và chưa làm được. Đó không chỉ là những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế (GDP bình quân đầu người, tỷ trọng giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, tỷ trọng nông nghiệp, tỷ trọng đô thị hóa, điện bình quân đầu người...) mà còn là những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về mặt xã hội (chỉ số phát triển con người, tuổi thọ bình quân, chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, số bác sĩ trên 1 vạn dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo...), và cả những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về môi trường, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, độ che phủ rừng, tỷ lệ giảm mức phát thải khí nhà kính...). Đối chiếu những tiêu chí nói trên với thực tế tình hình thì đến năm 2020, dự kiến có tới 10/15 chỉ tiêu không đạt tiêu chí nước công nghiệp.

Về nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, cũng xin có đôi điều nói thêm.

Trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng còn thấp so với tốc độ tăng trưởng mà các nền kinh tế mới công nghiệp hóa ở Đông Á đạt được trong thời gian thực hiện công nghiệp hóa. Khoảng cách chênh lệch thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với mức chuẩn của một nước công nghiệp còn lớn. Nếu coi đây là tiêu chí quan trọng để xem xét mức độ công nghiệp hóa thì phải sau năm 2020, nước ta mới đạt tới một nước công nghiệp. Việt Nam vẫn chưa thuộc nhóm nước công nghiệp mới nổi mà Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) coi là những nước có thành tựu đáng ghi nhận trên con đường công nghiệp hóa. Xét về mức độ công nghiệp hóa, nước ta đang tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực, như Trung Quốc, Thái Lan và Malaixia... (1)

Điều cần nhận rõ là, trong thời kỳ hội nhập, cuộc đua tranh giữa các quốc gia, dân tộc nhằm đưa đất nước mình phát triển, tiến lên là có tính quốc tế. Nước ta tiến thì nước khác cũng tiến; còn tiến nhanh, tiến chậm hay dừng lại, thậm chí thụt lùi hay suy thoái, khủng hoảng là tùy thuộc ở những điều kiện khách quan và chủ quan của mỗi nước, ở khả năng nắm bắt và khai thác thời cơ, thuận lợi; hay ngược lại, lún sâu vào khó khăn, thách thức. Ta đang nói đến nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế. Nhiều nước đang phát triển ở thứ bậc cao hơn ta cũng đang lo sa bẫy thu nhập trung bình. Và sa bẫy thu nhập trung bình không phải chuyện không đặt ra trước mắt chúng ta.

Ba là, phương hướng và giải pháp nào?

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa mấy chục năm qua đã đạt được những thành quả quan trọng. Đó là sự thật.

Việc tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được yêu cầu đề ra và nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn tồn tại, đó cũng đều là sự thật.

Với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng ta đã không giấu giếm, không né tránh mà công khai nói ra sự thật đó. Nói không phải để chùn bước mà là để nâng cao hơn nữa quyết tâm và có quyết sách đúng.

Đại hội XII quyết định: “Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại? “Sớm” ở đây được hiểu là sớm nhất sau năm 2020 - Đây là một sự điều chỉnh mục tiêu so với Đại hội XI, vừa thể hiện quyết tâm cao vừa thể hiện cách nhìn thực tế hơn đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.

Đại hội cũng đã đề ra những giải pháp lớn, kể cả những giải pháp có tính đột phá để đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thiết nghĩ, quá trình tiến tới một nước công nghiệp theo hướng hiện đại cũng đồng thời là quá trình khắc phục và giải thoát khỏi các nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế.

Có thể trong mười năm tới, khi nước ta đã cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì cụm từ “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế” sẽ được thay thế bằng cụm từ “bẫy thu nhập trung bình”, cái bẫy mà chúng ta nhất thiết phải vượt qua.

Hà Đăng         


_____________

(1) 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2015.


 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất