Thứ Bảy, 18/5/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 4/8/2022 6:0'(GMT+7)

Xây dựng, phát triển văn hóa Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Lễ hội “Mùa hoa ban” tại thành phố Sơn La.

Lễ hội “Mùa hoa ban” tại thành phố Sơn La.

KHO TÀNG VĂN HÓA VẬT THỂ VÀ PHI VẬT THỂ PHONG PHÚ, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC

Căn cứ vào các di chỉ khảo cổ học tìm thấy trên địa bàn tỉnh, các nhà khảo cổ học nhận định Sơn La là địa bàn có con người định cư từ rất sớm và là một trong những địa bàn của nền văn minh Việt cổ. Cư dân cổ Sơn La vừa là nguồn hợp lực xây dựng nên nền văn hóa Sơn Vi của thời đại đồ đá cũ vừa góp phần tham gia vào quá trình hình thành nền văn hóa Hòa Bình của thời đại đồ đá mới. Các đặc điểm địa lý tự nhiên và lịch sử xã hội của vùng đất này đã tạo nên một vị thế và bản sắc văn hoá riêng, có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam. Nói đến Sơn La là nói đến một vùng văn hoá đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc; là nơi hội tụ, sinh sống từ lâu đời của nhiều dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hoá mang sắc thái riêng hết sức quý giá.

Các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Sơn La được bảo tồn đến ngày nay được hình thành trong quá trình lao động, sản xuất, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, theo chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam. Lối sống thân thiện, cởi mở, nhân ái, gắn kết cộng đồng cao trong cuộc sống; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất; đoàn kết, trung thành, anh dũng trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã trở thành những giá trị văn hóa, tinh thần quý báu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và được truyền trao qua biết bao thế hệ con người Sơn La, được hun đúc và trở thành truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người Sơn La. Dấu ấn lịch sử, văn hóa, sự gắn bó giữa Thiên nhiên - Lịch sử - Con người đã hoà quyện để tạo nên một bức tranh tổng thể về miền đất Sơn La, hùng vĩ và sống động với những người con của đại ngàn, mộc mạc, hồn nhiên, thân thiện, mến khách…

Sơn La có kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đậm đà bản sắc như:

Phương thức, tập quán sản xuất đặc sắc, gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên; kiến trúc nhà ở các dân tộc độc đáo; các dân tộc ở Sơn La đều có tiếng nói riêng, có ba dân tộc có chữ viết riêng (dân tộc Thái, Lào, Dao); có kho tàng văn học dân gian phong phú với các thể loại truyền thuyết, thần thoại, cổ tích, tục ngữ, ca dao…, những câu chuyện về tình yêu đôi lứa được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc với một số loại hình ca, múa, nhạc được bảo tồn tương đối tốt (các làn điệu dân ca, dân vũ, các nhạc cụ truyền thống…); các lễ hội truyền thống của các dân tộc phong phú, đậm đà bản sắc. Sơn La có hơn 3.300 đội văn nghệ bản, tiểu khu, tổ dân phố, duy trì tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa , biểu diễn nghệ thuật. Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Văn hóa ẩm thực của các dân tộc trong tỉnh mang tính cộng đồng cao, tính văn hóa đặc sắc và có những bản sắc, đặc điểm riêng. Nét văn hóa uống rượu cần, múa vòng xòe đã trở nên không thể thiếu trong tổ chức các lễ hội, dịp tết của các cộng đồng. Hiện nay, một số món ăn của một số dân tộc trong tỉnh đã trở thành đặc sản ẩm thực được đánh giá cao ở trong nước và quốc tế.

Sơn La có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, khá phong phú, với trên 60 di tích đã được xếp hạng các cấp, như: Nhà tù Sơn La (được xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia), Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ, Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào; Văn bia Quế Lâm ngự chế; Di tích Hang mộ Tạng Mè, Tháp Mường Và… Với sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng, Sơn La cũng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Khu Du dịch quốc gia - Cao nguyên Mộc Châu; những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống hang động hoang sơ, huyền bí; Công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông nam Á với lòng hồ Thủy điện có diện tích 43.760 km2, được ví như Vịnh Hạ Long trên núi; Cầu kính Bạch Long (Mộc Châu) có chiều dài lập kỷ lục Guiness thế giới...

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta đã xác định định hướng phát triển đất nước, giai đoạn 2021 - 2030 về lĩnh vực văn hóa: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc...".

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phương hướng, mục tiêu phát triển: "... Kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; khai thác và phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, nhất là điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa, con người Sơn La;... phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh..., thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững...".

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...". Đồng chí Tổng Bí thư cũng nêu lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc, diện tích tự nhiên 14.109,83 km(đứng thứ ba trong cả nước); có 274,065 km đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; dân số trên 1,3 triệu người với 12 dân tộc cùng sinh sống (dân tộc Thái 53,5%; Kinh 16,43%; Mông 15,92%; Mường 6,96%; Xinh Mun 1,97%; Dao 1,67%; Khơ Mú 1,37%; 2,05% các dân tộc thiểu số khác). Có 11 huyện, 1 thành phố; 204 xã, phường, thị trấn với 2.509 bản, tiểu khu, tổ dân phố; có 06 huyện, 17 xã, 73 bản biên giới. Tỉnh có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, với chức năng, nhiêm vụ được giao, trong những năm qua, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sơn La đã tích cực triển khai công tác tham mưu cho Tỉnh ủy trên lĩnh vực văn hóa nói chung, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh nói riêng với những kết quả như sau:

Thứ nhất, triển khai thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất về nghiên cứu, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện, công tác sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về  lĩnh vực văn hóa và công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước; hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc: Kết luận số 51-KL/TW ngày 22/7/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội"; Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội"; Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư (khóa X) về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội"…

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XII, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã  nghiên cứu, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 20/2/2020 về thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII; Đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững", trong đó chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp về giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, như: Tập trung bảo quản, tu bổ và phục hồi và phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt, quốc gia, cấp tỉnh. Tiếp tục lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc trình công bố danh mục quốc gia, lập các dự án, kế hoạch để bảo tồn và phát huy. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án "Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Bảo tàng tỉnh Sơn La gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Xây dựng và triển khai thực hiện các tiểu dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030 (thuộc Dự án 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2030).

Thứ hai, quan tâm nghiên cứu, tham mưu đề xuất về xây dụng cơ chế, chính sách đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, chế độ chính sách đãi ngộ, động viên đội ngũ nghệ nhân, văn nghệ sĩ của tỉnh.

Tỉnh Sơn La đang triển khai tốt một số cơ chế, chính sách đặc thù cho lĩnh vực văn hóa của tỉnh như: Nghị quyết số 43/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 quy định mức chi đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết số 90/2018/NQ-HĐND ngày 8/12/2018 quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động văn nghệ quần chúng của bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh (với định mức hỗ trợ 2 triệu đồng/bản/năm), Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 19/11/2021 qui định nội dung và mức hỗ trợ đối với văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh Sơn La có tác phẩm đạt giải thưởng cấp khu vực, quốc gia và quốc tế; tổ chức các đợt xét tặng, tôn vinh các nghệ nhân, những người nắm giữ các giá trị di sản các dân tộc. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Sơn La tỉnh có 01 Nghệ sỹ nhân dân, 20 Nghệ sỹ ưu tú thuộc các chuyên ngành nghệ thuật; có 28 Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; 2 nghệ nhân được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước về giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tham mưu cho cấp ủy lãnh, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh, bám sát nội dung tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh. Sáu tháng đầu năm 2022, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước và tỉnh. Tiêu biểu là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh phục vụ chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam, Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La, được truyền hình trực tiếp trong toàn quốc trên sóng VTV1 và 43 đài truyền hình của các địa phương. Được dư luận trong nước quan tâm và đánh giá cao, đặc biệt là tiết mục Đại xòe đoàn kết và Vũ điệu kết đoàn với hơn 1.000 diễn viên quần chúng trong Festival tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và đại biểu các tỉnh bạn.

Thứ tư, việc tuyên truyền, sáng tác, quảng bá văn hóa, tác phẩm văn học, nghệ thuật về vùng đất, con người Sơn La, về truyền thống văn hoá các dân tộc trong tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh.

Triển khai xét Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật 3 năm của tỉnh lần thứ II, giai đoạn 2019 - 2021; chỉ  đạo các cơ quan báo chí của tỉnh duy trì các chuyên trang, chuyên mục về văn hóa - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La đã nghiên cứu biên tập, in ấn, phát hành cuốn sách Những tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí đạt giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018 - 2020; phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025; triển khai nghiên cứu, in ấn, xuất bản cuốn sách những tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về di tích lịch sử cách mạng Ngã ba Cò Nòi với nội dung "Ngã ba Cò Nòi - khúc tráng ca bất tử"; đang triển khai giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề "Khu căn cứ cách mạng Lao Khô - Biểu tượng quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào"…

Thứ năm, quan tâm công tác nghiên cứu lý luận, khoa học, tổng kết thực tiễn về giữ gìn bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

Với nhiệm vụ được giao là cơ quan thường trực tham mưu cho Tỉnh ủy Sơn La về nghiên cứu, thực hiện Đề tài khoa học "Nghiên cứu biên soạn Địa chí Sơn La", sau 11 năm triển khai thực hiện, tháng 8/2020, cuốn Địa chí Sơn La đã được xuất bản với số lượng hơn 2000 trang, là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đây là một công trình khoa học có giá trị về nhiều mặt, là cẩm nang cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, hoạch định chính sách của tỉnh. Cuốn địa chí cũng đã phản ánh sâu sắc, toàn diện, đậm nét về kho tàng văn hóa, con người Sơn La trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử. Hiện nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La đang tham mưu triển khai số hóa Bộ Địa chí của tỉnh trên nền tảng Intenets phục vụ công tác giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá đến độc giả trong nước và quốc tế.

Tháng 11/2020, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa - Viện hàn lâm khoa học, xã hội Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam", đã nhận được tổng cộng 84 báo cáo tham luận từ các nhà khoa học, các nhà quản lý ở Trung ương và địa phương. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, Hội thảo đã đưa ra các khuyến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững của việc bảo vệ, phát huy di sản văn hoá các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng. Sau Hội thảo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La và Viện Nghiên cứu Văn hóa đã tiếp tục phối hợp triển khai biên tập và xuất bản cuốn sách "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam: Thực tiễn tại Sơn La và một số địa phương khác".

Thực hiện tốt công tác thẩm định, tham gia ý kiến trong việc triển khai các chương trình, dự án kinh tế (thủy điện, khai thác khoáng sản, tái định cư, khu công nghiệp…) trên địa bàn tỉnh cần có sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về những tác động, ảnh hưởng đến môi trường, đến yếu tố văn hóa, con người và yêu cầu giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc. Triển khai có hiệu quả công tác thẩm định các chương trình, dự án, đề án về lĩnh vực văn hóa do các cơ quan chức năng đề nghị. Tổ chức và tham gia nhiều hội thảo khoa học về lĩnh vực văn hóa - xã hội. Tham gia các hội đồng khoa học của tỉnh về tuyển chọn, nghiệm thu các đề tài khoa học cấp tỉnh về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Năm 2022, tỉnh đã phê duyệt triển khai đề tài khoa học: "Ứng dụng công nghệ VR (công nghệ thực tế ảo) xây dựng mô hình tham quan di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La".

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về “Sưu tầm, sáng tác, phổ cập một số điệu múa Xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì nghiên cứu tham mưu. Ngày 15/12/2021, Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với sự kiện này, văn hóa Việt một lần nữa tỏa sáng cùng văn hóa thế giới.

Thứ sáu, triển khai tốt công tác hướng dẫn, chỉ đạo duy trì nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ của tỉnh, đưa phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng và chuyên nghiệp của tỉnh phát triển rộng khắp.

Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trong tỉnh đã phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, tỉnh có hơn 3.300 đội văn nghệ quần chúng bản, tiểu khu, tổ dân phố hoạt động thường xuyên. Tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới, chào mừng các sự kiện chính trị và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. Qua đó đã tạo sân chơi, môi trường thuận lợi để giữ gìn, bảo tồn, phát huy, quảng bá truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh. Hiện nay các chương trình nghệ thuật, các hoạt động văn hóa, lễ hội với sự thể hiện của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng luôn tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.

Về lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp cũng tiếp tục được tỉnh Sơn La quan tâm tạo điều kiện thuận lợi. Trên cơ sở tham mưu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tỉnh vẫn duy trì mô hình Nhà hát ca, múa, nhạc là đơn vị nghệ thuật, chuyên nghiệp độc lập, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh. Tỉnh đang triển khai Đề án phát triển Trường Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh thành trung tâm đào tạo có chất lượng cao của Vùng Tây Bắc…

Thứ bảy, công tác sưu tầm, khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc trong tỉnh được quan tâm chỉ đạo.

Công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể được quan tâm. Tính đến năm 2022, tỉnh Sơn La có 89 di tích văn hóa vật thể được phê duyệt đưa vào danh mục, trong đó có 63 di tích được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh). Đến năm 2020, tổng số tư liệu, hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh là 23.366 tư liệu, hiện vật, trong đó có nhiều tư liệu hiện vật quý như: Sách Thái cổ, sách Dao cổ, trống đồng, trang phục các dân tộc, sản phẩm đan lát... Giai đoạn 2015 - 2022, tỉnh đã triển khai công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi được 16 di tích lịch sử cách mạng quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như: Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô I, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu; Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn; Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến; Di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu; Di tích Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (huyện Phù Yên)...

Về di sản văn hóa phi vật thể. Trong những năm qua, tỉnh đã tiến hành công tác kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể của 9 dân tộc bao gồm: Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng theo 07 loại hình của Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL quy định gồm: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội; Nghề thủ công truyền thống; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian. Qua công tác kiểm kê đã đánh giá một cách tổng thể thực trạng di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Sơn La. Đến nay, tỉnh đã nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học được 13 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó có 12 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là: Chữ viết cổ dân tộc Thái; Lễ Hết Chá dân tộc Thái (nhóm Thái trắng Mộc Châu); Nghệ thuật Xòe Thái; Lễ cúng dòng họ của người Mông, Lễ Cầu an (Pang A) của người La Ha; Nghi lễ Cấp sắc của người Dao; Nghệ thuật Khèn của người Mông huyện Mộc Châu; Nghi lễ cưới truyền thống của người Dao Tiền; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa huyện Mộc Châu; Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng huyện Quỳnh Nhai; Nghi lễ Kin Pang Then của người Thái trắng; Nghi lễ cầu sức khỏe (Mạng ma) của người Xinh Mun dạ, xã Chiềng On, huyện Yên Châu.

Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, thể hiện, truyền dạy và tư liệu hóa 14 loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc. Nhạc cụ của người Mông, Thái, Khơ Mú, Dao; các làn điệu dân ca của người Mông, Thái, Dao, Mường; nghề làm giấy thủ công và nghệ thuật vẽ tranh thờ trên giấy dó của người Dao; Nghi lễ cúng vía trâu của người Thái; Lễ cúng bản của người La Ha, Lễ mừng cơm mới của người Lào; nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông; các nghi lễ trong năm của người Khơ Mú…

Hiện nay, tỉnh có 2 kho sách chữ Thái cổ tại Thư viện tỉnh và Bảo tàng tỉnh với số lượng 1.495 cuốn, được lưu giữ và bảo quản bằng công nghệ thông tin hiện đại. Công tác sưu tầm, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được chú trọng, trong giai đoạn 2015 - 2022, mỗi năm đã xuất bản 3 đầu sách về sưu tầm, dịch, nghiên cứu văn nghệ dân gian với kinh phí bình quân 270 triệu đồng/năm để bảo tồn, giới thiệu, phát huy tinh hoa văn hóa các dân tộc Sơn La.

Thứ tám, tích cực chủ động  giao lưu, hội nhập văn hóa trong nước và quốc tế.

Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại được các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện. Tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về văn hóa, nghệ thuật với các vùng, miền trong nước, với các nước trên thế giới, đặc biệt giữa Sơn La với các tỉnh nước bạn Lào. Thông qua đối ngoại văn hoá, những thông tin về vùng đất, con người Sơn La đã tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè trong nước quốc tế, qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư vào tỉnh.

Tỉnh thường xuyên đăng cai tổ chức và tham gia các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn, trình diễn, các hoạt động giới thiệu quảng bá di sản văn hóa. Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam; Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc; Ngày hội văn hóa các dân tộc Thái, Mông…; Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc; Trình diễn giới thiệu xòe Thái; Diễn xướng văn hóa dân gian dân tộc Thái; Liên hoan đàn, hát dân ca toàn quốc; Tuần văn hóa - Du lịch các dân tộc; tham dự Liên hoan nghệ thuật Quốc tế 5 nước Đông Dương tại tỉnh Quảng Trị; Liên hoan âm nhạc quốc tế năm 2020 tại Thành phố Hạ Long - Quảng Ninh; Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 tại thành phố Hải Phòng; Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2022 tại thành phố Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk; Hội thi múa không chuyên toàn quốc năm 2022 tại An Giang; Chuẩn bị tham gia Liên hoan âm nhạc ASEAN năm 2022 sẽ tổ chức vào tháng 9/2022 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng…

Tổ chức cho các đoàn nghệ thuật tham gia biểu diễn tại một số tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (Hủa Phăn, Luông Pha Băng, U Đôm Xay…); tổ chức "Tuần văn hóa - du lịch Sơn La"; hợp tác xây dựng các điểm đến du lịch với 02 tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng và một số tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; tổ chức Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào, Những ngày văn hóa Sơn La - Hủa Phăn…Thông qua các hoạt động đối ngoại văn hóa với Bạn, đã tăng cường xây dựng và củng cố mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, góp phần củng cố an ninh, quốc phòng, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Xây dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ hoạt động đối ngoại quốc tế đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào thành công các cuộc đón tiếp, làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo cấp cao tỉnh Sơn La với các đoàn khách quốc tế và các sự kiện. Tiêu biểu như: Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng; Diễn đàn Liên minh Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF 26) tại Hà Nội; Hội nghị Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) tại Hà Nội; Những ngày Văn hóa Việt Nam tại thủ đô Luân Đôn - Vương quốc Anh và Amsterdam - Hà Lan năm 2018…

Vòng xòe đoàn kết của người dân huyện Yên Châu. (Ảnh: Lò Linh)

Vòng xòe đoàn kết của người dân huyện Yên Châu. (Ảnh: Lò Linh)

XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA SƠN LA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Với việc triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác tham mưu cho Đảng bộ tỉnh của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La về lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực văn hóa, công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, các giá trị truyền thống của tỉnh tiếp tục được quan tâm, đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị. Các thiết chế văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng được đầu tư và phát huy hiệu quả. Phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ. Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú. Bản sắc, truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La dần được khẳng định, định hình rõ nét. Hội nhập và tiếp thu tinh hoa văn hóa được đẩy mạnh thực hiện…

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với quá trình toàn cầu hóa công cuộc hội nhập, đổi mới thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La cần tiếp tục được quan tâm, đổi mới tư duy, nhận thức và hành động một cách năng động, sáng tạo trong việc tiếp thu các tinh hóa văn hóa của nhân loại. Để tiếp tục tham mưu thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc với mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La xác định cần tập trung tham mưu tốt các nội dung sau:

Một là, tích cực tham mưu cho Đảng bộ tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, kết quả Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu cho Đảng bộ tỉnh về công tác lãnh, chỉ đạo lĩnh vực văn hóa, con người Sơn La nói chung, công tác  giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh nói riêng đáp ứng mục tiêu đã được Đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững" của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La xác định: "Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác và phát huy cao nhất các giá trị văn hóa, con người; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Xây dựng con người Sơn La với các phẩm chất cơ bản: "Yêu nước, đoàn kết, nhân ái, trung thực, nghị lực, thân thiện, cần cù, sáng tạo, khát vọng vươn lên". Xây dựng văn hóa và con người Sơn La phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, là động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội góp phần xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Hai là, tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ về xây dựng văn hóa, con người Sơn La: Kế hoạch số 12- KH/TU ngày 20/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 04/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI; Đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững". Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; các nghị quyết, kết luận, kế hoạch, đề án, chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên lĩnh vực văn hóa, con người và công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

Ba là, tăng cường hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu đề xuất cho cấp ủy về công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh. Chú trọng bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, các loại hình nghệ thuật, lễ hội, nghi lễ truyền thống, các di sản văn hóa của các dân tộc đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quốc gia, cấp tỉnh. Triển khai thực hiện Dự án 6: "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, ban hành kèm theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV. Triển khai thực hiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La (theo Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 05/6/20219 của Thủ tướng Chính phủ).

Triển khai tốt các chương trình, nhiệm vụ, dự án nghiên cứu khoa học, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về lĩnh vực văn hóa để nâng cao khả năng dự báo và định hướng xây dựng văn hóa, con người Sơn La. Nghiên cứu và hoàn thiện cơ sở lịch sử, lý luận khoa học, ý nghĩa của một số lễ hội truyền thống, đặc trưng, mang bản sắc của đồng bào các dân tộc Sơn La để tổ chức hàng năm với quy mô cấp tỉnh, huyện (như Lễ hội Mùa hoa ban, Xên bản xên mường…). Quan tâm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc La Ha (dân tộc có dân số dưới 10.000 người ở tỉnh Sơn La).

Bốn là, tích cực tham mưu đề xuất, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, thẩm định, kiểm tra, giám sát. Tăng cường công tác công tác phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh về nâng cao chất lượng các hoạt động văn học, nghệ thuật. Đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn học, nghệ thuật, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, đảm bảo sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng của tỉnh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân và du khách. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai Đề án "Chương trình hoạt động văn hoá, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025" theo Quyết định số 4452/QĐ- BVHTTDL ngày 31/12/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tăng cường tổ chức và tham gia các hoạt động văn học, nghệ thuật, như: các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, liên hoan, cuộc thi, giới thiệu tác phẩm mới của các văn nghệ sỹ chuyên ngành. Mở các trại sáng tác về văn học, nghệ thuật trong, ngoài tỉnh và các tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Đăng cai tổ chức một số cuộc liên hoan, hội diễn, hội thi biểu diễn nghệ thuật vùng Tây Bắc và Quốc gia. Đổi mới phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ chủ động, tích cực tìm tòi, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, tiến bộ, nhân văn. Quan tâm nâng cao hiệu quả công tác quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật mang bản sắc văn hóa Sơn La đến với đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh. Tổ chức xét Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh; đề nghị xét giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú nhằm động viên, tôn vinh kịp thời đối với đội ngũ văn, nghệ sỹ của tỉnh, thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân theo quy định.

Năm là, tham mưu hiệu quả cho cấp ủy công tác lãnh, chỉ đạo về phát triển du lịch gắn với gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và phát triển kinh tế. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch bền vững dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại của tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả thực hiện Đề án "Phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" ban hành kèm theo Kết luận số 90-KL/TU ngày 15/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa. Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thế mạnh như: Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí ở các vùng cảnh quan, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao mạo hiểm, khám phá, du lịch tâm linh…; xây dựng một số bản cộng đồng kiểu mẫu tại một số huyện, thành phố nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc và trở thành sản phẩm du lịch bền vững của tỉnh. Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động văn hóa, gắn việc khai thác các giá trị văn hóa với quảng bá hình ảnh và xúc tiến du lịch, đưa sản phẩm văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khai thác hợp lý các nguồn lực phát triển du lịch theo hướng phát triển bền vững.

Sáu là, tích cực tham mưu về tăng cường các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa, con người Sơn La. Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa của các vùng miền, các nước trong khu vực và thế giới để làm giàu thêm vốn văn hóa các dân tộc; giới thiệu, quảng bá văn hóa các dân tộc Sơn La đến với các vùng, miền trên cả nước và bạn bè quốc tế./.

Nguyễn Duy Lương
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất