Thứ Năm, 9/5/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 29/9/2023 16:0'(GMT+7)

Yên Bái nỗ lực xây dựng “tỉnh hạnh phúc”

Trao truyền các giá trị văn hóa. Ảnh: Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái.

Trao truyền các giá trị văn hóa. Ảnh: Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái.

TIÊN PHONG ĐƯA CHỈ SỐ HẠNH PHÚC VÀO NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH

Đồng chí Nguyễn Lâm Tới – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái chia sẻ: “Năm 2020, từ cuộc khảo sát, điều tra xã hội học do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện đã xác định chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái là 53,3%, đây là mức khá hạnh phúc. Trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX”.

Nói về chỉ số hạnh phúc, đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết: “Chỉ số hạnh phúc được dựa trên 3 chỉ số chính đó là sự hài lòng về cuộc sống, sự hài lòng về môi trường sống và tuổi thọ trung bình cũng như số năm sống khoẻ. Từ 3 chỉ số chính này sẽ được cụ thể hoá bằng các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí để nâng cao các chỉ số thành phần quyết định chỉ số hạnh phúc của người dân”.

Cán bộ Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái tham gia hoạt động 'Ngày thứ Bảy cùng dân

Cán bộ Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái tham gia hoạt động 'Ngày thứ Bảy cùng dân" tại Bản Lốm, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ. Ảnh: Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái.

Căn cứ để xây dựng chỉ tiêu về chỉ số hạnh phúc của người dân đến năm 2025, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến hành điều tra xã hội học về chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh bằng công thức tính dựa trên 3 tiêu chí: "Tỷ lệ hài lòng về cuộc sống nhân tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình chia tỷ lệ hài lòng về môi trường sống".

Qua từng năm, việc khảo sát, đánh giá kết quả được chuyển từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sang ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (năm 2021) và giao lại ngành thống kê (năm 2022) nhằm đảm bảo tính khách quan khoa học, vì nội hàm của chỉ số hạnh phúc gồm nhiều tiêu chí liên quan đến toàn bộ các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Niềm vui mùa thu hoạch quế của người Dao huyện Văn Yên. Ảnh: Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái.

Niềm vui mùa thu hoạch quế của người Dao huyện Văn Yên. Ảnh: Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái.

Thống nhất từ nhận thức tới hành động, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh ủy Yên Bái đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh bằng việc ban hành đầy đủ, đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch, chính sách bảo đảm toàn diện, phủ kín trên tất cả các lĩnh vực, gồm 11 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, 80 nghị quyết, chỉ thị, quy định, đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 54 nghị quyết, 32 đề án, chính sách của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái

Trong quá trình xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chính sách... tỉnh luôn đặt ra mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, giữa kinh tế và môi trường, giữa vùng thấp và vùng cao, giữa nông thôn và thành thị; giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương xây dựng các giải pháp, đặt ra các nhiệm vụ, chỉ tiêu thực hiện, trong đó có bốn nhiệm vụ, giải pháp cơ bản; đó là: nâng cao sự hài lòng của người dân về điều kiện kinh tế - vật chất; nâng cao sự hài lòng của người dân về đời sống xã hội – tinh thần; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao tuổi thọ của người dân; nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân.

Hạnh phúc bình dị của các gia đình vùng cao. Ảnh: Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái.

Hạnh phúc bình dị của các gia đình vùng cao. Ảnh: Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái.

Cụ thể, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã triển khai một số nhiệm vụ lớn như: xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá "Gia đình hạnh phúc", "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc", "xã, phường, thị trấn hạnh phúc". Hướng dẫn các địa phương tổ chức Hội thi gia đình hạnh phúc cấp cơ sở, hướng tới Hội thi gia đình cấp tỉnh vào năm 2024. Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hạnh phúc". Nghiên cứu xây dựng tiêu chí xét "Công dân tiêu biểu" của tỉnh.

CÁC TIÊU CHỈ CỦA CHÍ SỐ HẠNH PHÚC ĐƯỢC NÂNG CAO

Sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện tiếp cận ở góc độ 3 tiêu chí chính của chỉ số hạnh phúc, có thể thấy rất rõ:

Một là, nâng cao sự hài lòng của người dân về cuộc sống.

Một trong những cách làm mới, sáng tạo của tỉnh Yên Bái là đã thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chuyển dịch mạnh từ sản xuất lấy số lượng, sản lượng làm mục tiêu sang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm. 

Hội thi

Hội thi "Gia đình hạnh phúc" ở xã Tân Thịnh - Thành phố Yên Bái. Ảnh: Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái.

Tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và phát triển đô thị, tạo nên mạng lưới giao thông thuận tiện, phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp, những cây cầu mới qua sông Hồng, sông Chảy và nhiều công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm... ở các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa thực sự đã trở thành những “công trình, con đường, cây cầu hạnh phúc”. 

Diện mạo nông thôn đã thực sự khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc được phát huy. Hết năm 2022, toàn tỉnh có 99 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 66%; có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 3/9 đơn vị đạt nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Năm 2021, có 73,6% gia đình văn hóa đạt tiêu chí gia đình hạnh phúc; có 35,5% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt tiêu chí “thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc”. Năm 2022, có 85,4% gia đình văn hóa đạt tiêu chí “gia đình hạnh phúc” (tăng 11,8% so với năm 2021); có 37,9% thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chí “thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc” (tăng 1,4% so với năm 2021). Đến nay, hầu hết các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có mô hình xây dựng thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc. Trong quá trình triển khai thực hiện, người dân đã chủ động vào cuộc, tham gia tích cực và nhiệt tình.

"Ngày chạy vì sức khỏe toàn dân" tại phường Hồng Hà - Thành phố Yên Bái.

Tỉnh Yên Bái đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố) và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 (đứng thứ 18/63 tỉnh thành phố). Tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 72,9%. Phong trào thi đua xây dựng, nhân rộng các mô hình “trường học hạnh phúc”, lớp học hạnh phúc được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh, 100% trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện (năm học 2022 - 2023, đã có 289 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học hạnh phúc, chiếm 65%, vượt 15% so với chỉ tiêu), góp phần nâng cao nâng cao mức độ hài lòng của người dân về môi trường giáo dục, chất lượng dạỵ và học.

Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 5,15% so với năm 2021. Từ năm 2020 đến nay, đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 1300 hộ người có công và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa,  giai đoạn 2023-2025 theo đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ 3.022 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh,  phấn đấu cơ bản xóa hết nhà tạm...

Bên cạnh đó, Yên Bái đã có nhiều giải pháp nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức. Năm 2022, chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp hạng thứ 14/63 tỉnh (tăng 10 bậc so với năm trước); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp hạng thứ 11/63 tỉnh, thành phố (tăng 05 bậc); Chỉ số Hiệu quả Quản trị Hành chính công (PAPI)  nằm trong nhóm "Trung bình cao", là năm thứ 2 năm tỉnh Yên Bái duy trì vị trí thứ 5/14 các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Hai là, nâng cao sự hài lòng của người dân về môi trường sống.

Tỉnh đã quan tâm tăng cường việc quản lý tài nguyên khoáng sản, xử lý nước thải, chất thải; xây dựng các điểm xử lý rác thải tập trung để đảm bảo môi trường sống cho người dân. Thường xuyên sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện các công trình cấp nước sạch tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ.  

Chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp (từ các thôn, bản, tổ dân phố, trong từng đường làng, ngõ phố, trong mỗi gia đình đến mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp). Tăng cường bảo vệ môi trường rừng, cây xanh. Phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững...

Ba là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, nâng cao tuổi thọ trung bình của người dân.

Đến nay, Yên Bái có 2 Bệnh viện đa khoa, 5 bệnh viện chuyên khoa; đang xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành trung tâm khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao của khu vực Tây Bắc; toàn tỉnh đạt 10,8 bác sỹ/mười nghìn dân; 34,6 giường bệnh/10 nghìn dân; 154/173 số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế (đạt 89%); nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện, người dân được thụ hưởng nhiều dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ huyến huyện, góp phần giảm chi phí do phải chuyển tuyến và giảm tải cho tuyến sau. Năm 2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt 98,2%; tuổi thọ trung bình của người dân là 73,9, trong đó, số năm sống khỏe tối thiểu đạt 66,2.

TIẾP TỤC HƯỚNG ĐẾN NGƯỜI DÂN

Qua nửa nhiệm kỳ, có thể khẳng định, chủ trương xây dựng chỉ số hạnh phúc là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn và nhu cầu của chính người dân Yên Bái. Từ đó đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân trong thực hiện mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc.

Hạnh phúc tuy là khái niệm hết sức trừu tượng, khó có thể “lượng hóa” nhưng thực tế đã chứng minh: Tuy Yên Bái còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội, song, các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân đã góp phần đem lại sự hài lòng của nhân dân về cuộc sống, với các yếu tố về điều kiện vật chất, tinh thần của cá nhân và gia đình; hài lòng về sự phục vụ của chính quyền địa phương, về môi trường sống xung quanh, hài lòng về tuổi thọ trung bình và có sức khỏe tốt. Qua khảo sát trên phạm vi toàn tỉnh, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đều tăng qua hằng năm (năm 2022 là 62,57%; đạt Mức 2 - Khá hạnh phúc; tăng 8,27% so với năm 2020).

Với mục tiêu năm 2023, chỉ số hạnh phúc của người dân 63,3%, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ tăng 15% so với năm 2020. Đồng nghĩa với việc Yên Bái phải tiếp tục quyết tâm cao độ trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của người dân, không nằm ngoài 3 tiêu chí chính và các tiêu chí thành phần của chỉ số hạnh phúc.

Để tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, theo đồng chí Đỗ Đức Duy – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, tỉnh tập trung làm tốt ba nhiệm vụ sau:

Một là, đối với từng ban, sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị theo Chương trình hành động hằng năm của Tỉnh ủy phải xem việc thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân phải là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong hoạt động của các cấp, các ngành, đối với toàn xã hội và mỗi người dân Yên Bái.

Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp công tác tuyên truyền, tiếp tục phản ánh sâu sắc, toàn diện ý nghĩa, giá trị nhân văn của việc triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Ba là, tiếp tục thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, rút ra những kinh nghiệm hay, bài học quý; phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trên các lĩnh vực đời sống xã hội; góp phần làm cho chỉ số hạnh phúc tiếp tục được định hình rõ nét bằng chính mục tiêu của cấp ủy, chính quyền các cấp, đáp ứng nhu cầu, khát vọng phát triển và nguyện vọng của nhân dân các dân tộc Yên Bái, “tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân”, hướng tới mục tiêu xây dựng “Tỉnh hạnh phúc”./.

Trọng Đạt


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất