Thứ Ba, 26/11/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 24/5/2009 20:13'(GMT+7)

14 kỷ lục Phật giáo Việt Nam được xác lập

Chư tôn đức tại Cộng hoà Czech

Chư tôn đức tại Cộng hoà Czech

1. Chuyến Hoằng pháp quy mô nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra nước ngoài

Chuyến hoằng pháp kéo dài 3 tuần từ ngày 20/8 đến ngày 10/9/2008 do Hòa thượng Thích Chơn Thiện, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam dẫn đầu. Đoàn gồm 24 thành viên thuộc Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương, Ban Giáo dục tăng ni Trung ương, Ban Hoằng pháp Trung ương và Ban Phật giáo quốc tế Trung ương đã đi qua 6 nước là Pháp, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Hungary, Ukraina, Nga trong dịp Lễ Vu Lan, mùa báo hiếu năm 2008.

2. Lễ cầu siêu trên đảo lớn nhất Việt Nam

Chiều 25/4/2009, Đại trai đàn chẩn tế cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Ban Quản trị tổ đình Vĩnh Nghiêm tổ chức tại nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu).

3. Tượng Phật 4 tay và hai tấm bia đá lâu năm và lớn nhất Việt Nam

Chùa Linh Sơn xây dựng vào năm 1913 và đã được trùng tu. Chùa cách chợ Vọng Thê (nay thuộc thị trấn Óc Eo) 2km về hướng Đông theo triền núi Ba Thê. Chùa Linh Sơn nằm trên nền một gò đất cao, bên những đại thụ râm mát, dưới chân núi Ba Thê, trong khu di tích Nam Linh Sơn thuộc nền văn hóa Óc Eo.

Vào năm 1913, dân địa phương phát hiện một pho tượng Phật bốn tay ở tư thế đứng, cao 1,7 m, chiều ngang hai đầu gối dài 1,16m, hai vai dài 0,8m nằm sâu trong lòng đất khoảng hai mét, tại khu vực dân cư gần chợ Ba Thê. Trước đó, người dân cũng đã tìm thấy hai tấm bia được làm bằng đá bùn có chiều cao khoảng 1,80m, dày khoảng 0,22m, khắc chữ cổ mà nhiều nhà nghiên cứu nói có thể là chữ viết của dân tộc Phù Nam xưa.

4. Ngôi chùa trên đảo lớn nhất Việt Nam

Chùa Trúc Lâm xây dựng trên đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, với tổng diện tích mặt bằng hơn 33ha. Ngôi chùa là mô hình một quần thể gồm nhiều ngôi chùa xây dựng gần nhau, với dáng dấp nét kiến trúc các ngôi chùa miền Bắc; có mái cong, không gian cổ kính, tất cả nguyên vật liệu chính như cột, kèo, tường đều làm bằng gỗ.

Ngày 25/9/2008, Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa tổ chức lễ lạc thành đưa chùa Trúc Lâm chính thức đi vào hoạt động sau hơn 1 năm thi công.

5. Hội trại họp bạn ngành Thiếu GĐPT VN lớn nhất

Trong các ngày từ 9 đến 12/8/2007, tại chùa Linh Ứng, Bãi Bụt, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, Gia đình Phật tử Việt Nam (GĐPTVN) đã tổ chức kỳ trại họp bạn ngành Thiếu toàn quốc Lục Hòa 2007.

Tham dự kỳ trại có các đơn vị thuộc 17 tỉnh, thành gồm: Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và TP.HCM. Tổng số toàn trại là 3.511 người.

Đây là kỳ trại quy mô nhất và lớn nhất của Gia đình Phật tử Việt Nam sau hơn 60 năm hình thành và phát triển. Trong 4 ngày hoạt động đã có 30.000 lượt người đến tham quan các hoạt động của kỳ trại.

Trại sinh Hội trại “Tuổi trẻ Phật giáo" lần 1-2006
tọa thiền và nghe pháp thoại ở bờ biển khu du lịch Lộc An (BRVT) 

6. Hội trại Phật giáo dành cho tuổi trẻ tổ chức thường xuyên và lớn nhất Việt Nam

Hội trại “Tuổi trẻ Phật giáo” được báo Giác Ngộ tổ chức từ năm 2006 đến nay. Hội trại đã diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau như bãi biển Lộc An (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), khu du lịch thác Giang Điền (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai)…

Hội trại “Tuổi Trẻ Phật Giáo” được tổ chức hàng năm. Hội trại lần đầu tiên được tổ chức năm 2006 với 800 trại sinh. Hội trại lần 2 năm 2007 với 1012 bạn trẻ tham dự.

Hội trại lần 3 có sự tham gia của 1.167 trại sinh (trong đó có 10 trại sinh là người nước ngoài).

Phật tử dân tộc thiểu số quy y tại Kontum

7. Lễ quy y cho đồng bào dân tộc lớn nhất Việt Nam

Ngày 19/4/2009 (tức 25/3 Kỷ Sửu), Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh hội Kon Tum phối hợp với Tiểu ban Phật tử Dân tộc Ít người thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã tổ chức lễ quy y cho 3.755 đạo hữu là đồng bào dân tộc ít người tỉnh Kon Tum. Trong số này, có 606 trẻ em dưới 11 tuổi. Buổi lễ diễn ra tại Tổ đình Bác Ái, số 01 Mạc Đỉnh Chi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

TT. Thích Châu Quang - Trưởng BTS THPG tỉnh Đăk Lăk
trao phái quy y cho các Phật tử người dân tộc

8. Tịnh xá Khất sĩ đầu tiên tổ chức Lễ quy y cho đồng bào dân tộc Ê-đê ở Việt Nam

Năm 1989, vào dịp Tết Nguyên đán và lễ Vu lan, Hòa thượng Thích Giác Dũng Trụ trì Tịnh xá Ngọc Quang và Đại đức Thích Giác Sĩ dến thăm và tặng quà cho dồng bào dân tộc Ê-đê tại buôn Sud M’Dưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar. Đây là những người dân tộc thiểu số (dân bản địa) đầu tiên tin Phật sau gần 50 năm Đạo Phật có mặt tại cao nguyên Dak Lak. Tính đến hôm nay tại buôn Sud M’dưng xã Cư Suê đã có trên 250 người qui y theo đạo Phật.

9. Đèn tranh cát nghệ thuật Bồ tát Chuẩn Đề đầu tiên ở Việt Nam

Đức Bồ tát Chuẩn Đề Ngài thường thuyết kinh Đà La Ni, nguyện caùa cho tất cả trong thế gian và xuất thế gian đều thành tựu những sự nghiệp tu tập. Từ ý tưởng đó Công ty TNHH Mỹ Việt đã làm chiếc đèn tranh cát Bồ tát Chuẩn Đề. Chiếc đèn có chiều cao tổng thể 101cm, bao gồm đèn và chụp đèn. Trong đó, chu vi mép trên của bình 65cm, chu vi giữa thân bình 80,5cm, chu vi đế bình 68cm, chiều cao thân bình 47cm, chiều cao chụp đèn 53cm và trọng lượng là 22,5kg. Do 4 người thợ của Công ty Mỹ Việt thể hiện và tạo tác trong thời gian từ 25/3 đến 25/4/2008.

Chất liệu thân đèn bằng thủy tinh. Phần tạo hình Đức Bồ tát Chuẩn Đề là sự kết hợp của cát trắng Cam Ranh (Khánh Hòa), cát màu Phan Rí, Hòn Rơm, Mũi Né (Bình Thuận). Màu sắc trên họa tiết của đèn tranh cát chủ yếu sử dụng cát màu tự nhiên. Riêng phần chụp đèn được làm bằng vải phi lụa.

10. Nhà báo cư sĩ cao tuổi nhất Việt Nam

Nhà báo - cư sĩ Tống Hồ Cầm sinh ra tại Huế. Từ nhỏ, do hấp thụ truyền thống văn học của gia đình nên ông đã có một kiến thức vững vàng, sâu sắc. Đến nay, dù đã trên 90 tuổi (ông sinh ngày 23/2/1918) nhưng ông vẫn minh mẫn và nhiệt tình với Phật sự, với công tác xã hội.

Là người phụ trách trị sự, Nhà báo - cư sĩ Tống Hồ Cầm cùng ban lãnh đạo Tuần báo Giác Ngộ tận tình chăm lo đời sống, sinh hoạt của cán bộ, nhân viên. Tuy tuổi đã cao nhưng không ngăn cản sức làm việc bền bỉ của ông.

Nhạc sĩ Lê Cao Phan

11. "Phật giáo Việt Nam" - Bài hát được chọn đầu tiên làm đạo ca của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Nhạc sĩ Lê Cao Phan sinh năm 1923 tại làng Ngô Xá Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị một Phật tử lão thành, một Huynh trưởng Gia đình Phật tử cao niên. Là một nhà giáo dạy các môn ngoại ngữ, nhạc, họa, ông không ngừng nghiên cứu, trau dồi tri thức. Ông đã tự học và sử dụng các loại nhạc cụ phương Tây như Piano, Guitar, Harmonica (khẩu cầm) và các loại đàn dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt. Ông còn giỏi về vẽ tranh, điêu khắc và dịch thuật. Ông sáng tác các ca khúc giáo dục thiếu nhi và Phật giáo mà nổi bật là bài hát Phật giáo Việt Nam.

12. Kinh Hiền Ngu - Thi hóa theo thể thơ Lục bát dài nhất Việt Nam

Kinh Hiền Ngu (Damamùka - Nidàna - Sutra) gọi tắt là kinh Hiền, nằm trong Tạp tạng (Samyukta - pitaka) do các Thánh Tăng ở Tây Thiên Trúc soạn thuât, có tất cả k9 quyển, 46 chương. Bộ kinh này đã được nhà thơ Phạm Thiên Thư chuyển thể và thi hóa thành 12.062 câu thơ lục bát lấy tên là Kinh Hiền Hội Hoa Đàm. Sách in lần đầu năm 1971. Tháng 6/2006, Nhà xuất bản Văn Nghệ TP.Hồ Chí Minh tái bản. Sách dày 464 trang.

13. Người viết thư pháp quyển Bát Nhã Tâm Kinh có kích cỡ lớn nhất Việt Nam

Mang niềm biết ơn chân thành với Hòa Thượng Thích Thanh Từ, người khôi phục thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nhà thư pháp - cư sĩ Tuệ Chiếu đã dùng nghệ thuật thư pháp viết quyển Bát Nhã Tâm Kinh do Hòa thượng giảng giải. Quyển thư pháp dày 62 trang, dài 80cm, rộng 55cm, dầy 5cm. Sau trang bìa, là trang “Thay lời muốn nói” của nhà thư pháp - cư sĩ với vị thiền sư - ân nhân của mình; trang 2 thư họa bài kệ “Mộng” của Hòa thượng Thích Thanh Từ; trang 3, 4, 5 lời nói đầu của thầy Thích Nhật Quang, trụ trì Thiền viện Thường Chiếu, đệ tử của hòa thượng.

Nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản (giữa)

14. Người viết ca khúc Phật giáo nhiều nhất Việt Nam

Ông Vũ Ngọc Toản (pháp danh Nhuận Quang) sau khi tham dự khóa tu Phật thất 18 (tháng 10/2002) tại chùa Hoằng Pháp (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn), cảm nhận những lời Phật dạy đã thấm vào con người ông. Ông thấy mình như được khai huệ và nhận thấy mình cần dùng âm nhạc để chuyên chở những lời Phật dạy.

Từ tháng 10/2002 đến nay, ông Vũ Ngọc Toản đã viết được 639 ca khúc Phật giáo, trong đó, có nhiều bài ông đã dựa theo lời thơ của các vị như Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Thích Tịnh Từ, Thích Nhật Từ, Thích Tâm Pháp, Trụ Vũ, Huỳnh Ngu Công, Nguyễn Duy Khương, Trần Quốc Toàn, Đỗ Trung Quân, Hạnh Phương, Trương Thị Lai, Giác Ý.../.

(Theo: VOV/Nguồn:TT sách Kỷ lục VN - VietKings)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất