Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), hiện có ít nhất 25% thanh
niên trên khắp thế giới không có việc làm hoặc không được đi học. Trong số những
đối tượng này có khoảng 26 triệu người nằm ở các nước phát triển và 260 triệu
thanh niên tại các nước đang phát triển.
Dẫn báo cáo của OECD, phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc ngày 27/8 cho biết sự
gia tăng đáng lưu ý nhất của nhóm thanh niên này diễn ra tại các nước phát
triển, nơi theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tỷ lệ thanh niên không có việc
làm và không được đi học tăng 2,1 lần kể từ năm 2008.
Tại nhóm nước này,
hiện cứ 6 thanh niên thì có 1 người không có việc làm và không được đi học. Tỷ
lệ những người trẻ tuổi kém may mắn này tăng mạnh nhất ở các nước bị ảnh hưởng
nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công
của châu Âu xảy ra tiếp theo đó.
Ở các nước như Estonia, Iceland và Tây
Ban Nha, tỷ lệ này tăng hơn 5 lần tính từ năm 2008 đến 2010. Nhiều thanh niên
tại đây tuy được coi là có việc làm, song trên thực tế chỉ là có việc tạm thời
hoặc bấp bênh. Số thanh niên có việc làm tạm thời tăng gần như gấp đôi từ khi
bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế.
Theo một nghiên cứu, trong ba tháng
qua, Hoa Kỳ đã thay thế hơn 150.000 việc làm đầy đủ thời gian bằng việc làm bán
thời gian. Từ tháng 4 đến tháng 7 vừa qua, số người có việc làm tăng 526.000,
trong khi số việc làm bán thời gian tăng 684.000. Hiện tại, công việc bán thời
gian chiếm 77% tổng số việc làm, và số người lao động bán thời gian ở Hoa Kỳ đã
đạt con số kỷ lục, với 8,2 triệu người.
Trong khi đó, tại Hy Lạp, tỷ lệ
thất nghiệp ở thanh niên trong tháng Bảy vừa qua lên tới 64,9% so với 54,1% vào
tháng 3/2012, còn ở Liên minh châu Âu, nạn thất nghiệp ở thanh niên tăng lên tới
23,2% trong cùng thời kỳ. Theo tính toán của ILO, tại các nước đang phát triển,
nơi chiếm hơn 90% thanh niên thế giới, hơn một nửa số thanh niên làm việc trong
nền kinh tế không chính thức.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp tháng Bảy vừa
qua tiếp tục tăng lên, đánh dấu tháng tăng thứ 27 liên tiếp. Số liệu công bố
ngày 27/8 của Bộ Lao động Pháp cho biết trong tháng vừa qua, số người thất
nghiệp tại nước này là 3,28 triệu người, tăng 6.300 người so với tháng
Sáu.
Nạn nghèo đói mà thanh niên thế giới đang phải đối mặt cùng với
những mối nguy hiểm của chiến tranh và nền độc tài đã chứng tỏ sự phá sản của
tất cả các chương trình chính trị dựa vào chủ nghĩa dân tộc và quan niệm rằng
người ta có thể cải cách hệ thống tư bản để đáp ứng những nhu cầu của đại đa số
xã hội.
Việc không thể bảo đảm một tương lai tốt đẹp cho thanh niên,
nhất là việc để cho một tỷ lệ quá lớn những đối tượng này bị thất nghiệp, thất
học, là một trong những nguyên nhân dẫn tới những bất ổn xã hội tại nhiều nước,
từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập đến Hy Lạp, Tây Ban Nha, rồi từ Trung Đông đến Nam Mỹ và
nhiều khu vực khác trên thế giới.
Giới phân tích nhận định để thoát khỏi
tình trạng này đòi hỏi một phương thuốc kinh tế, xã hội thật sự hữu
hiệu./.
(TTXVN)