Thứ Hai, 25/11/2024
Thể thao
Thứ Hai, 21/10/2013 14:15'(GMT+7)

4 nữ VĐV đi vào lịch sử thể thao Việt Nam

Nhà vô địch Ganefo 1966 Vũ Thị Sen và kỷ niệm gặp Bác Hồ

VĐV Vũ Thị Sen chụp ảnh cùng Bác Hồ và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Bà Vũ Thị Sen quê ở Bình Hải - Nghĩa Phú - Nghĩa Hưng - Nam Định. Lớn lên trong một gia đình có 6 anh chị em, bà Sen là áp út. Ham mê bơi lội từ bé nhưng phải đến khi có sự dẫn dắt của 2 HLV Tô Kim Đắc và Nguyễn Văn Lạng, cái tên Vũ Thị Sen mới được làng bơi Việt Nam biết đến. Năm 1961, bà Sen đoạt giải nhất bảng B giải bơi lội cấp huyện, giải nhất bảng B cấp tỉnh. 

Liên tiếp các năm 1962, 1963, 1964 bà đều đoạt vô địch giải bơi lội toàn miền Bắc (bảng B) và năm 1965 đoạt chức vô địch bơi lội toàn miền Bắc (bảng A). Sau đó, bà được tập trung vào đội tuyển và được cử tham dự Đại hội thể thao châu Á – Ganefo 1966 và đã đoạt 1 HCV, 1HCB, phá kỷ lục châu Á. Thành tích vang dội đó không chỉ giúp Vũ Thị Sen ghi dấu ấn tại đấu trường châu lục, mà khi về nước, bà Sen đã có một kỷ niệm hạnh phúc nhất trong đời.

Không ai nghĩ rằng, Bác rất bận việc nước nhưng vẫn quan tâm đến thể dục thể thao, quan tâm đến các VĐV có thành tích hồi đó. Đã 46 năm trôi qua nhưng kỷ niệm lần đầu được gặp Bác với bà Sen vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua. Bà Sen nhớ từng động tác, lời nói của Bác. Bà xúc động kể: “Ngay khi xuất hiện, Bác chào lại chúng tôi bằng ánh mắt trìu mến và nói: Đánh giặc Mỹ gian khổ khó khăn như vậy, nhưng quân và dân ta có quyết tâm đánh thắng. Các cháu phải quyết tâm đặt thành tích, cao hơn nữa. Muốn vậy phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong tập luyện và thi đấu, phải cố gắng thật nhiều để xứng đáng là những VĐV của dân tộc anh hùng”.

Bà Sen luôn kể cho con cháu nghe về câu chuyện được gặp Bác Hồ hơn 40 năm về trước. Kỷ niệm được gặp Bác sẽ theo bà Sen đến hết đời. Tấm ảnh chụp chung với Bác cũng được gia đình bà treo ở vị trí trang trọng nhất trong căn phòng khách.

Vũ Bích Hường: HCV đầu tiên của điền kinh Việt Nam tại SEA Games

Vũ Bích Hường.

Vũ Bích Hường chẳng xa lạ gì với ngươi hâm mộ điền kinh Việt Nam khi chị là người đầu tiên mang về tấm HCV tại đấu trường SEA Games. Thế nhưng Bích Hường không chỉ được thế hệ “đàn con, đàn cháu” kính nể bởi tấm huy chương để đời đó mà chị còn là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó cũng như lòng đam mê cháy bỏng với công việc.

Bước ngoặt trong sự nghiệp điền kinh của Hường là năm 1987 khi mới 18 tuổi. Khi đó Hường đã thiết lập KLQG ở nội dung 100m rào, dù thành tích chỉ khiêm tốn ở 15’’75.

Năm 1993, lần đầu tiên dự SEA Games tại Singapore, chị kiếm ngay được một HCĐ. Thế nhưng kỳ SEA Games 1995 mới là năm mà Bích Hường thật sự “bùng nổ”.  Không một ai nghĩ chị có thể làm nên chuyện trước đối thủ Philippines Elma Muros, người được coi là “độc cô cầu bại” của Đông Nam Á thời điểm đó. Cú nước rút ngoạn mục đã mang lại tấm HCV để đời cho Hường cũng như điền kinh Việt Nam kể từ khi tham gia sân chơi SEA Games. Hình ảnh Vũ Bích Hường vừa khóc vì hạnh phúc vừa quỵ xuống vì kiệt sức được chọn làm biểu tượng cho các chương trình thể thao Việt Nam nhiều năm sau đó.

Trần Hiếu Ngân: Huy chương Olympic đầu tiên

Hiếu Ngân và tấm huy chương Olympic đầu tiên của TTVN.

Đến giờ chưa ai quên hình ảnh đầy xúc động khi cựu võ sĩ Trần Hiếu Ngân (taekwondo) khoác lá quốc kỳ chạy khắp sân đấu với gương mặt rơi lệ mừng chiến công giành HCB Olympic đầu tiên ở Sydney 2000. Đây không chỉ là một cột mốc với taekwondo Việt Nam, mà còn là niềm vinh dự, tự hào lớn với cả thể thao Việt Nam.

Có thể nói, Hiếu Ngân chính là lá cờ đầu, là người tiên phong của thể thao Việt Nam tại đấu trường lớn như Olympic. Sau tấm HCB lịch sử của Hiếu Ngân, thể thao Việt Nam đã tự tin hơn rất nhiều trong mỗi lần tham dự Olympic, để rồi chúng ta có thêm 1 tấm HCB nữa ở môn cử tạ của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn năm 2008 tại Bắc Kinh-Trung Quốc. Giờ đây, dù đã rời xa sàn đấu, nhưng cứ mỗi kỳ Olympic diễn ra, Hiếu Ngân lại được nhắc tới, xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Phan Thị Hà Thanh: Niềm tự hào TDDC Việt Nam

Phan Thị Hà Thanh

Cái tên Hà Thanh đang trở thành niềm tự hào lớn với TDDC nước nhà, không chỉ bởi những kỳ tích vang dội trên đấu trường quốc tế, mà còn là tấm gương của nghị lực, của ý chí vươn lên trong khó khăn.

Bắt đầu ở giải toàn quốc khi mới 11 tuổi năm 2002, kỳ SEA Games 23 năm 2005 tại Philippines, Phan Thị Hà Thanh giành tấm HCĐ đầu tiên trong sự nghiệp quốc tế của mình. Cũng chỉ mất 2 năm để Hà Thanh bước lên đỉnh cao của sự nghiệp. SEA Games 24 tại Thái Lan, Hà Thanh đã giành được tấm HCV rất quý giá. Chưa dừng lại ở đó, tại giải vô địch châu Á năm 2009, Hà Thanh giành tấm HCĐ đầu tiên ở đấu trường châu lục cho TDDC Việt Nam.

Năm 2010, Phan Thị Hà Thanh xuất sắc đoạt 3 HCV Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6, trước khi tạo nên kỳ tích cho TDDC Việt Nam với 2 tấm HCB tại giải World Cup TDDC thế giới tại Bồ Đào Nha. Ngày càng trưởng thành, Hà Thanh tiếp tục gặt hái nhiều thành công. Năm 2011, cô gái người Hải Phòng đạt thành tích chói lọi nhất trong sự nghiệp thi đấu, khi giành tấm HCĐ thế giới tại Nhật Bản, tấm HCĐ giúp Hà Thanh đoạt tấm vé tham dự Olympic đầu tiên cho đoàn TTVN. Còn với TDDC, đó là kỳ tích, là thành tích tốt nhất trong lịch sử. Sau kỳ tích này, Nguyên Vụ trưởng Vụ thê thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh đã phải thốt lên: “Đó thực sự là một điều kỳ diệu”. Hà Thanh khép lại một năm 2011 đáng nhớ với 3 tấm HCV ở SEA Games 26.

Nếu như năm 2011 đánh dấu sự thăng hoa của Hà Thanh, thì năm 2012 mới thực sự là sự chói lọi trên đỉnh cao của “bông hồng đất Cảng”. Đáng chú ý nhất, chính là tấm HCV tại giải VĐCA. Đây chính là thành tích cao nhất của TDDC Việt Nam ở sân chơi châu lục. Chưa dừng lại ở đó, Hà Thanh tiếp tục gây “sốc” khi giành HCV Cúp thế giới, 1 HCV và một HCĐ tại giải TDDC Toyota (Nhật Bản), cùng với 4 HCV tại giải VĐQG giành về cho đoàn Hải Phòng. Với bảng thành tích này, lần thứ 2 liên tiếp Hà Thanh không có “đối thủ” trong cuộc bình chọn VĐV tiêu biểu và cũng giúp cô có mặt tại sân chơi Olympic 2012./.

Theo VOVnews


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất