Thứ Bảy, 21/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 27/8/2014 19:43'(GMT+7)

“45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2-9 và 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 9/1969 - 9/2014), sáng ngày 27-8, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trang trọng tổ chức Hội thảo khoa học “45 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Dự và chủ trì Hội thảo có GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; TS Lê Văn Lợi, Phó Vụ trưởng phụ trách  Vụ Quản lý Khoa học và đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tại Học viện và đại diện lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS,TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi đi vào cõi vĩnh hằng đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta bản Di chúc lịch sử vô cùng quý giá, kết tinh trong đó tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Cùng với thời gian, Di chúc thiêng liêng của Người luôn là sự chỉ dẫn quan trọng; trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiến lên giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH… Hội thảo là dịp để chúng ta cùng nhìn lại và nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn những nội dung trong bản Di chúc của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng thời, cũng là dịp để đánh giá lại những kết quả qua 45 năm thực hiện Di chúc, nhằm tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa những căn dặn của Người đối với Đảng và Nhân dân ta.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận. Ngoài báo cáo đề dẫn và báo cáo tổng kết hội thảo, tham luận của các nhà khoa học đã tập trung đánh giá những thành tựu đạt được, những gì còn chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt dựa trên 5 nội dung chính của bản Di chúc.

Một là
, xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Để Đảng thực sự vững mạnh, trong sạch, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp và dân tộc, điều cốt yếu là phải tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng; nghiêm chỉnh thực hiện “tự phê bình và phê bình”; thực hành dân chủ trong Đảng. Cán bộ, đảng viên phải chú trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.. . 45 năm qua, thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao, vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố… Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thực tế này đòi hỏi công tác xây dựng Đảng phải tiếp tục được đổi mới và chú trọng hơn nữa.

Hai là,
thực hiện chính sách xã hội vì con người. Di chúc của Người thể hiện lòng thương yêu và tự hào về nhân dân lao động, những người luôn trung thành với Đảng, chịu đựng gian khổ, hy sinh qua nhiều năm chiến tranh. Vì vậy, Đảng phải chú trọng thực hiện chính sách xã hội, chăm lo cho con người (thanh niên, phụ nữ, các đối tượng chính sách…); chú trọng phát triển kinh tế, văn hóa; gắn phát triển  kinh tế với văn hóa; nâng cao chất lượng và phát huy nguồn lực con người, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện di nguyện của Người, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công đường lối đổi mới, đưa nước ta từng bước ra khỏi khủng hoảng, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Tuy vậy, thành tựu mới chỉ là bước đầu, khoảng cách, nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng lớn. Kinh tế nước ta có bước phát triển nhanh nhưng chưa bền vững, nhiều vấn đề xã hội phức tạp này sinh chưa được giải quyết...

Ba là
, chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò, vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng. Bằng sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đối với thế hệ trẻ, Người đã cùng Trung ương Đảng chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo ra nhiều thế hệ cán bộ cách mạng ưu tú, trưởng thành từ thanh, thiếu niên. Trong Di chúc, Người viết: “Đoàn thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Thực hiện di huấn của Người, trong nhiều năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, vấn đề thanh niên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Tuy nhiên, bên cạnh thành quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn đặc biệt trong công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ hiện nay. Thực hiện Di chúc của Người, phải tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác giáo dục về mọi mặt đối với thế hệ trẻ, đào tạo họ thành những chiến sĩ trung kiên của Đảng, của cách mạng- những người thừa kế vừa hồng vừa chuyên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Bốn là
, kiên định mục tiêu đi lên CNXH và thực hiện công cuộc đổi mới. Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo theo tinh thần Di chúc chính là “Một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Gần 30 năm qua thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt. Nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH đã ngày càng sáng tỏ hơn. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về XHCN và con đường đi lên CNXH ở nước ta bước đầu được hình thành trên những nét cơ bản. Công cuộc đổi mới của Việt Nam đã được thế giới đánh giá “là tiền đề để Việt Nam phát triển mạnh trong thế kỷ XXI”.

Năm là
, tăng cường đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần thúc đẩy sự nghiệp cách mạng thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người luôn giáo dục Đảng ta, nhân dân ta tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, thủy chung. Trong Di chúc, Người có dự định đến ngày chiến thắng “sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và bè bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Thực hiện Di chúc của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta đã thực thi đường lối đối ngoại đoàn kết, mở rộng trên tinh thần quốc tế vô sản, trong sang, thủy chung. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ mãi là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta học tập, noi theo. Những điều căn dặn và mong muốn của Người thể hiện trong bản Di chúc thật giản dị nhưng thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả của một con người luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, suốt đời cần kiêm liêm chính, chí công vô tư. Chính vì vậy, bản Di chúc của Người trở thành tác phẩm bất hủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành nhà tư tưởng lớn của thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh và bản Di chúc của Người sẽ sống mãi với dân tộc Việt Nam, trong sự trân trọng, cảm phục của bạn bè quốc tế./.


Nam Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất