Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 2/12/2008 23:3'(GMT+7)

5 nhóm giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra trong 2 ngày (từ 1-2/12) dưới sự chủ trì của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính Phủ. Chính phủ đã nghe báo cáo, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2008, đề ra các giải pháp kịp thời ngăn chặn sự đình trệ của sản xuất kinh doanh, đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế; thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể: Cơ chế chỉ định thầu đối với các dự án xây dựng thuộc Đề án kiên cố hoá trường học, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012; Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Tờ trình về phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng, chống tham nhũng; Báo cáo về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính tháng 11 năm 2008.

Kế hoạch ứng phó suy thoái kinh tế toàn cầu bước đầu phát huy tác dụng

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ nhận định: Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai lũ lụt ở trong nước đã có tác động nhất định tới nền kinh tế của nước ta.

Giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 15% so với cùng kỳ năm 2007 (tháng 11/2007 so với cùng kỳ năm trước tăng 17,4%), tháng 11 là tháng thứ 5 liên tiếp (kể từ tháng 7) tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bị giảm sút. Giá trị gia tăng ngành xây dựng 9 tháng đầu năm 2009 giảm 0,33% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu, đầu tư, thu ngân sách, thị trường chứng khoán, du lịch, vận tải, dịch vụ và sức mua đều giảm sút so với những tháng gần đây. Thiên tai lũ lụt trong nước làm mất trắng hơn 200 nghìn ha vụ Đông, gây thiệt hại lớn ở miền Bắc và miền Trung.

Trước nhiều khó khăn thách thức, các thành viên Chính phủ có chung nhận định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự cố gắng của của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp, nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng và phát triển ổn định; lạm pháp được kiềm chế; đầu tư trực tiếp của nước ngoài tiếp tục tăng (11 tháng đầu năm 2008 tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2007), chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm 0,76% so với tháng 10, lãi suất tín dụng giảm nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay; chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, riêng trợ cấp xã hội trong 11 tháng qua là gần 20 nghìn tỉ (năm 2007 gần 5 ngàn tỉ), ước tăng trưởng GDP năm 2008 đạt mức 6,7%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những khó khăn trên bắt nguồn từ các nguyên nhân cộng hưởng bởi sự suy thoái của nền kinh tế thế giới cùng với những khó khăn trong nước, nhưng cũng đã được dự báo và nằm trong kế hoạch ứng phó từ các tháng trước.

5 giải pháp trọng tâm ngăn chặn sự suy giảm kinh tế

Sau khi nghe báo cáo, thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận, trong tháng 12 và thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung mọi nỗ lực, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu ngăn chặn sự suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong đó, Thủ tướng lưu ý 5 nhóm giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất: Thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó, có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cho những người trực tiếp sản xuất, nhất là đối tượng nông dân, người nghèo, về chính sách thuế, vay vốn ngân hàng, hoãn nợ, giãn nợ ngân hàng, hỗ trợ về cây, con giống… Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, có khả năng tăng cao, kim ngạch lớn và nhiều cơ hội tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước. “Làm tốt công tác phát triển sản xuất, kinh doanh cũng chính là làm tốt công tác an sinh xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thứ hai: Đẩy mạnh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, kích cầu đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước về xây dựng cơ bản tập trung hàng năm, nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn ODA. Trong kích cầu đầu tư, cần khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, điệ, xi măng… Đối với tiêu dùng, thực hiện các biện pháp phát triển mạng lưới phân phối, hệ thống bán lẻ đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa để cung cấp các mặt hàng vật tư tiêu dùng thiết yếu.

Thứ ba: Thực hiện chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt hiệu quả nhằm thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, xuất khẩu, kích cầu đầu tư tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội. Ngân hàng nhà nước xác định tỉ giá, lãi suất phù hợp; thực hiện các biện pháp để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; coi việc điều chỉnh linh hoạt về chính sách lãi suất, chia sẻ, hỗ trợ khó khăn đối với doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị của ngân hàng thương mại nhà nước. Bộ Tài chính nhanh chóng đề xuất các loại thuế có thể được miễn, giảm, giãn để tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Thứ tư: Tiếp tục thực hiện sâu rộng chính sách an sinh xã hội. Ngay từ đầu năm 2009 cần khẩn trương rà soát, xây dựng, và thực hiện các chính sách hỗ trợ, đầu tư cho 61 huyện nghèo nhất nước; triển khai bảo hiểm thất nghiệp; không để tình trạng thiếu đói ở những vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.

Thứ năm: Quyết liệt, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả trong tổ chức chỉ đạo, điều hành cho phù hợp với tình hình mới. Trong đó, tập trung vào việc chủ động về công tác dự báo, phân tích; đặt nhiệm vụ dự báo là việc làm thường xuyên, liên tục của các ngành, các cấp, các tổ chức nghiên cứu khoa học… Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng, nộp thuế, thủ tục hải quan… Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước nhất là các Tập đoàn kinh tế, các Tổng Công ty… kiên trì xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần song kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

“Quyết liệt hơn nữa việc cải cách các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản để giải phóng nhanh nguồn vốn cho xây dựng”, Thủ tướng yêu cầu.

Tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đã nhất trí tăng thẩm quyền quyết định đầu tư trong việc thực thi quyền chỉ định thầu, hoặc đấu thầu đối với từng loại công trình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác chủ động thông tin tuyên truyền, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời; thông tin tuyên truyền để thấy được những mặt đã làm được, những mặt chưa làm được, những thuận lợi và cả khó khăn về tình hình kinh tế-xã hội để các cấp, các ngành và toàn dân đồng sức đồng lòng vượt qua những khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Thủ tướng cũng nhắc nhở các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, giá cả, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, chống đầu cơ nâng giá; bảo đảm cung cấp đủ lượng hàng hoá trên thị trường, chống đốt pháo, đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán 2009 ./.

TG- Theo Cổng TTĐTCP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất