Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 26/11/2021 9:36'(GMT+7)

50 năm quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ: Gắn kết bền chặt, hợp tác tiềm năng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

2021 là một năm rất đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ, đánh dấu hai cột mốc lịch sử: 50 năm quan hệ ngoại giao và 30 năm hợp tác phát triển.

Đúng dịp hai bên kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ từ ngày 25-29/11/2021.

Tuy cách xa về địa lý, nhưng Thụy Sĩ dường như lại gần gũi và quen thuộc với Việt Nam. Ngược dòng lịch sử một thế kỷ trước, Việt Nam đã trở thành điểm đến của những thương gia, nhà khoa học và nhà khám phá Thụy Sĩ vốn yêu thích phiêu lưu.

Một trong những người Thụy Sĩ được nhiều người Việt Nam biết đến nhất là nhà khoa học Alexandre Yersin, ngay từ thế kỷ 19, ông đã rời Thụy Sĩ để đến Việt Nam, sinh sống, nghiên cứu khoa học và mất tại Nha Trang năm 1943.

Quan hệ giữa Thụy Sĩ và Việt Nam bắt đầu từ nửa sau của thế kỷ 19 khi các công ty thương mại của Thụy Sĩ như Diethelm và Biedermann đến Việt Nam. Những người Thụy Sĩ đầu tiên đến đây chủ yếu làm việc trong lĩnh vực thương mại, kỹ thuật và nông nghiệp.

Năm 1954, là nước chủ nhà với tư cách là một quốc gia trung lập, Thụy Sĩ đã đóng góp tích cực cho việc ký kết thành công Hiệp định Geneva, dấu mốc lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của Việt Nam và là hội nghị quốc tế đầu tiên mà Phái đoàn Việt Nam chính thức tham gia.

Những trao đổi và kết nối ban đầu này đã tạo nền tảng vững chắc cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Geneva, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước tần suất trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao giữa hai nước, thể hiện sự coi trọng lẫn nhau cả về song phương và phối hợp tích cực trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương.

Tính đến nay, hai bên đã có tổng số 35 chuyến thăm, trao đổi cấp cao. Tháng Chín vừa qua, bên lề các hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp xúc song phương với Tổng thống Thụy Sĩ, Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Guy Parmelin, nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, sớm kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA), hướng tới nâng cấp quan hệ Hợp tác đối tác nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao.

Cơ chế tham vấn chính trị và đối thoại nhân quyền định kỳ song phương là một trong những trụ cột hợp tác ngoại giao, chính trị quan trọng.

Việt Nam và Thụy Sĩ cũng hợp tác hiệu quả, ủng hỗ lẫn nhau trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quốc tế như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM).

Thụy Sĩ đánh giá cao vai trò tích cực và tiếng nói ngày càng có trọng lượng của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực. Hai bên chia sẻ quan điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế như việc đảm bảo hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Đây là những mẫu số chung của sự phối hợp và hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương.

Cùng với mối quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp, quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam-Thụy Sĩ đã có những tiến triển đáng kể. Thụy Sĩ hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 của Việt Nam và thứ 20 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis đánh giá thị trường Việt Nam đầy hứa hẹn và còn nhiều tiềm năng to lớn đối với các doanh nghiệp Thụy Sĩ. Khoảng hơn 100 công ty Thụy Sĩ hiện đang hoạt động tại Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương, Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ (SVBG) đã được thành lập vào cuối tháng Hai.

Đây là lần đầu tiên ra đời một hội do người Việt tại Thụy Sĩ sáng lập với mục đích kết nối giao thương giữa Việt Nam và Thụy Sĩ.

Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu ETFA (nhóm thương mại tự do châu Âu gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein) cũng đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán để sớm hoàn tất việc ký kết Hiệp định tự do thương mại.

Theo Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber, nhìn vào tổng thể, quan hệ kinh tế giữa Thụy Sĩ và Việt Nam chính là động lực và lĩnh vực hợp tác lớn nhất giữa hai nước và vẫn còn tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là ở cấp độ đầu tư.

Hợp tác phát triển, văn hóa và giáo dục cũng là một điểm nhấn trong quan hệ hai nước. Thụy Sĩ đã đồng hành cùng quá trình phát triển, hỗ trợ Việt Nam, không chỉ giúp về vốn mà còn giúp Việt Nam về kinh nghiệm và tri thức.

Trong hơn 30 năm qua, Thụy Sĩ đã viện trợ phát triển cho Việt Nam 650 triệu USD, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế-xã hội.

Chính phủ Thụy Sĩ hiện cung cấp hỗ trợ cho khu vực sông Mekong nhằm đối phó với những thách thức cấp bách do biến đổi khí hậu.

Chính phủ và nhân dân Thụy Sĩ đánh giá cao việc Việt Nam đã sử dụng rất hiệu quả nguồn hỗ trợ của Thụy Sĩ và khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam giai đoạn 2021-2024 trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đô thị, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, trên tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, nâng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên lên tầm cao mới.

Trao đổi về giáo dục và nghiên cứu, đổi mới và số hóa cũng như hợp tác văn hóa đều là những lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ đã ủng hộ việc thiết kế và xây dựng "Phòng Hội thảo Geneva," đặt trong tòa nhà mới của Học viện Ngoại giao Việt Nam phục vụ công tác đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu hàng đầu về quan hệ quốc tế, kết nối “thủ đô hòa bình” với thủ đô Hà Nội.

Thụy Sĩ tích cực giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án hỗ trợ giáo dục về môi trường, quản lý và các dự án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh. Hiện nay có khoảng 150 thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Thụy Sĩ.

Đối với lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, hai nước đã ký Hiệp định về Bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, triển khai Chương trình Hợp tác đặc biệt Việt Nam-Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ (SPC) và Dự án Hợp tác về sở hữu trí tuệ (SVIP).

Đại sứ Lê Linh Lan khẳng định những thành tựu đạt được trên tất cả các mặt từ chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa-giáo dục chính là cơ hội, xung lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác, hiện thực hóa những tiềm năng to lớn trong quan hệ hai nước.

Hai nước nhìn lại chặng đường tốt đẹp nửa thế kỷ qua, hướng tới tương lai với những triển vọng hợp tác mới, cùng nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, làm sâu sắc các mối quan hệ thương mại đầu tư, hiện thực hóa những tiềm năng to lớn trong quan hệ song phương để góp phần khắc phục khó khăn và thúc đẩy phục hồi kinh tế thời kỳ hậu đại dịch COVID-19./.

Tố Uyên (TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất