Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 6/7/2020 14:11'(GMT+7)

6 tháng, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngân hàng Chính sách xã hội vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh: Sáu tháng đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, đại dịch COVID-19 lan rộng, khó lường, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Hội đồng quản trị chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao và đạt được những kết quả khả quan trên các mặt hoạt động.

Tính đến 30/6, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng 14.666 tỷ đồng so với 31/12/2019; trong đó vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 19.505 tỷ đồng, tăng 4.071 tỷ đồng.

Điển hình một số tỉnh, thành phố chuyển nguồn vốn ủy thác cho vay nhiều trong 6 tháng đầu năm 2020, như: Thành phố Hà Nội (+1.087 tỷ đồng); Thành phố Hồ Chí Minh (+816 tỷ đồng); thành phố Đà Nẵng (+194 tỷ đồng); Bình Dương (+186 tỷ đồng); Bà Rịa-Vũng Tàu (+174 tỷ đồng); Bình Định (+114 tỷ đồng); Long An (+67 tỷ đồng); Vĩnh Phúc (+66 tỷ đồng); Quảng Nam (+63 tỷ đồng)...

Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến 30/6 đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 12.760 tỷ đồng (+6,2%) so với cuối năm 2019, với trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong số đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 189.499 tỷ đồng, tăng 9.495 tỷ đồng (+5%) so với cuối năm 2019, hoàn thành 66% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,70% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,25%/tổng dư nợ.

Tổng doanh số cho vay 6 tháng đầu năm đạt 42.583 tỷ đồng, với gần 1,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; tổng doanh số thu nợ đạt 29.670 tỷ đồng.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 216.000 lao động, trong đó 1.900 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 9.000 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 770.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 11.500 căn nhà ở cho các đối tượng chính sách...

Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, Tổng Giám đốc nhấn mạnh năm 2020 là năm cuối thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, do đó các đơn vị cần rà soát các nội dung công việc theo chiến lược, kế hoạch thực hiện chiến lược của Ngân hàng Chính sách xã hội để chuẩn bị cho công tác đánh giá, tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021-2030; xây dựng Chiến lược giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, toàn hệ thống tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trọng tâm tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hạn hán và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mưa đá tại các tỉnh phía Bắc... Ngoài ra, ngân hàng cũng giải ngân đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Ngân hàng sẽ tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt, đối với các chi nhánh có chất lượng tín dụng còn thấp hoặc chưa ổn định; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội theo dõi, nắm bắt kịp thời những thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gây ra để triển khai các giải pháp khắc phục thiệt hại, kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh./.

Theo Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất