Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi bên nhau như anh em sinh đôi chỉ cách nhau một dãy núi, cùng chung dòng nước Mekong, có mối quan hệ truyền thống và gắn bó lâu đời. Quan hệ Việt Nam - Lào luôn có vị trí ưu tiên hàng đầu trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc rằng, mỗi thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới ngày nay của Việt Nam đều gắn liền với sự đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào. Trong năm 2022, hai nước cùng nhau kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2022), 45 năm ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (1977 - 2022).
Nhân dịp này, Tham tán, Phó Đại sứ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Chanthaphone Khammanichanh đã trao đổi với phóng viên TTXVN về những điểm sáng, nổi bật trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Thưa Phó Đại sứ, nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển của hai nước, ông đánh giá thế nào về sự đóng góp của tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào đối với những thành tựu kinh tế - xã hội mà hai nước đã đạt được trong thời gian qua?
Thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó lường, song dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, sự điều hành của hai Chính phủ, sự nỗ lực chung tay của hai Quốc hội Lào và Việt Nam, quan hệ đặc biệt giữa hai nước đã đạt được những kết quả thiết thực trong tất cả các lĩnh vực. Quan hệ chính trị tiếp tục được tăng cường và ngày càng đi vào chiều sâu, gắn bó tin cậy, giữ vai trò nòng cốt và định hướng tổng thể trong quan hệ hai nước. Hợp tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được khẳng định là một trong những một trụ cột hết sức quan trọng trong quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, y tế chuyển biến tích cực. Hợp tác về giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến về chất lượng. Hợp tác giữa các bộ, ban, ngành và các địa phương của hai nước tiếp tục được đẩy mạnh, đi vào thiết thực hơn.
Những thành tựu hợp tác trên đã góp phần rất quan trọng vào việc giữ gìn ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, vừa tăng cường quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, đồng thời nâng cao vị thế của hai Đảng, hai Nhà nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới, trở thành tấm gương mẫu mực, trong sáng trong quan hệ quốc tế.
Thưa Phó Đại sứ, sát cánh cùng nhau trong nhiều thập kỷ, giờ đây hai nước đang có những bước hợp tác trong lĩnh vực kinh tế để cùng nhau phát triển và hội nhập. Ông có thể chia sẻ thêm một số kết quả nổi bật trong hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, cũng như những cơ hội hợp tác và phát triển của hai dân tộc trong bối cảnh hiện nay?
Việt Nam là một trong những nước đầu tư lớn vào Lào, với số vốn khoảng 5,4 tỷ USD, trong các lĩnh vực như: Thủy điện, khoáng sản, nông nghiệp, du lịch và các lĩnh vực khác. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào không chỉ tính đến lợi nhuận về kinh tế, mà còn xây dựng các dự án hỗ trợ nâng cao đời sống sinh hoạt cho người dân Lào như xây dựng trường học, bệnh viện, thủy lợi...
Trong năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều vẫn đạt khoảng 1,3 tỷ USD, tăng khoảng 33,8% so với cùng kỳ năm trước đó. Lào đã tăng xuất khẩu nông sản chủ lực sang Việt Nam như gạo, cà phê, mủ cao su, chuối, đường, dưa hấu…, ngày càng đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam. Hiện nay, Lào và Việt Nam tiếp tục triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ hai nước đề ra sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; trong đó, Việt Nam tích cực tập trung vào kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm giai đoạn 2021-2026. Lào tiếp tục thực hiện chiến lược chuyển mình, hòa nhập với tiểu khu vực và chú trọng triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 9.
Quan trọng hơn, hai nước đã xác định chiến lược phát triển và kết nối giao thông, trong đó có chiến lược phát triển đường cao tốc Vientiane - Hà Nội, được coi là huyết mạch của tình hữu nghị, kết nối khu vực và quốc tế theo hướng hợp tác bền vững. Đồng thời, phát triển hành lang kinh tế Đông Tây nhằm thúc đẩy và khuyến khích phát triển ngành du lịch, lĩnh vực hai nước đều có thế mạnh và tiềm năng.
Trân trọng cảm ơn Phó Đại sứ Chanthaphone Khammanichanh!.
Thu Phương/TTXVN (thực hiện)