TỪ NHÂN MÀ RA, VÌ NHÂN DÂN MÀ CHIẾN ĐẤU
Để tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, việc xây dựng lực lượng chính trị của cách mạng là điều cơ bản nhất, là việc phải làm đầu tiên, rồi mới xây dựng quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang. Đó chính là quan điểm “người trước súng sau”, là xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng để trên nền tảng đó xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, tiến hành khởi nghĩa vũ trang, đánh đuổi kẻ thù, giành lấy chính quyền, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là luôn tăng cường và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, với lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc và nhân dân lao động.
Trên tinh thần đó, vấn đề “tổ chức ra quân đội công nông”[1] đã được khẳng định trong Chánh cương vắn tắt của Đảng (thông qua tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mùa Xuân năm 1930). Tiếp đó, khởi đầu từ những Đội tự vệ đỏ trong phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, đến đội vũ trang Cao Bằng, du kích Nam Kỳ, Bắc Sơn (sau đổi thành Cứu quốc quân), Ba Tơ,… cùng với sự phát triển của tiến trình cách mạng, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập ngày 22/12/1944. Với thắng lợi ban đầu (hạ đồn Phai Khắt, Nà Ngần) và từ 34 chiến sĩ đầu tiên, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã ngày càng mở rộng địa bàn hoạt động, đã phát triển từ đội thành đại đội, rồi đại đội chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiền đồ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân rất vẻ vang, “nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”[2].
Từ buổi đầu thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đội quân đó từ nhân dân mà ra nên phải dựa vào dân, luôn gắn bó với nhân dân, gần gũi nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu để được dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ, bao bọc và chở che. Vì chỗ dựa vững chắc nhất của quân đội là lòng dân, cho nên “trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ”[3] và “phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân”[4]. Đồng thời, thấm nhuần chỉ dẫn của Người: “Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kỳ việc gì khó cũng làm được và nhất định thắng lợi”[5], trong mọi hoàn cảnh, quân đội “phải tăng cường công tác chính trị, luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội”, phải làm cho “mỗi người binh sĩ phải biết chính trị ít nhiều. Họ đem xương máu ra giữ gìn Tổ quốc, thì chẳng những họ phải hiểu vì sao mà hy sinh, họ lại phải có thể nói cho người khác biết vì sao phải yêu nước”[6]…
Đây chính là sức mạnh của quân đội cách mạng, thể hiện sâu sắc tư tưởng xây dựng quân đội nhân dân cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, cho thấy sự khác biệt với quan điểm quân sự tư sản, lấy vai trò của chỉ huy với một đội quân nhà nghề cùng súng ống, vũ khí và trang bị kỹ thuật làm sức mạnh. Đó luôn là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và sản xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ vừa tiêu diệt địch, bảo vệ nhân dân vừa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng chính là đội quân luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, với lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc và nhân dân lao động, luôn thực hiện mối quan hệ quân dân gắn bó “như cá với nước” và nhận được sự góp sức người, sức của từ nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam giải phóng quân (do Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân hợp lại) đã cùng toàn dân vùng lên đấu tranh, giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ trong toàn quốc, thấu triệt quan điểm: 1) Mục đích của cuộc kháng chiến là đánh thực dân phản động Pháp, giành độc lập thống nhất. 2) Tính chất cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ. 3) Chính sách kháng chiến là đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, v.v..4) Tiến hành kháng chiến toàn diện, kết hợp các mặt trận và các hình thức đấu tranh; trong đó, đấu tranh quân sự là chủ chốt, Quân đội nhân dân Việt Nam (với các tên gọi Việt Nam giải phóng quân, Vệ quốc quân, Quân đội quốc gia Việt Nam và cuối cùng là Quân đội nhân dân Việt Nam) đã ngày một phát triển về số lượng và nâng cao trình độ tác chiến, tài thao lược trên các chiến trường.
Quân đội luôn được “tổ chức chặt chẽ, tập luyện hẳn hoi, chuẩn bị chu đáo”[7] thường xuyên, liên tục để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu; đội ngũ cán bộ - “những người tướng giỏi của đoàn thể” và chiến sĩ quân đội luôn được chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đã xuất phát từ thực tiễn và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đánh giặc của tổ tiên “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu chống mạnh”,v.v.. để từng bước chuyển từ thế phòng ngự sang thế tiến công; đã kiên cường, mưu trí và kiên trì, sáng tạo giành thắng lợi to lớn trong trận Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát đồn Đông Khê tại Chiến dịch Biên giới năm 1950
Tuy nhiên chiến tranh chưa kết thúc, không chỉ giúp thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương, khi Pháp bại trận, đế quốc Mỹ đã ngang nhiên tuyên bố không bị ràng buộc bởi Hiệp định Giơnevơ, can thiệp sâu vào miền Nam Việt Nam, nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam đã trở thành một cuộc đụng đầu lịch sử. Quyết tâm đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ, cả nước đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân với tinh thần đoàn kết “triệu người như một”, với niềm tin chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và ý chí “đánh cho đến thắng lợi hoàn toàn, đánh cho đến độc lập và thống nhất thực sự”.
Tiếp tục phát huy truyền thống “cả nước đánh giặc” của cha ông trong lịch sử, thấm nhuần lời dạy của Lênin, khi có chiến tranh phải “biến cả nước thành một dinh luỹ cách mạng”, lực lượng vũ trang cách mạng bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích được xây dựng và ngày càng phát triển, hình thành thế trận bao vây và tiêu diệt địch. Để tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, xuất phát từ thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn hoà bình, bảo vệ đất nước, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”[8].
Để thực hiện lời Người, đồng thời để có đủ sức mạnh chiến thắng kẻ thù, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra sức rèn luyện, học tập nâng cao trình độ tác chiến trên chiến trường, phối hợp với quân dân miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu, tạo thành nguồn sức mạnh tổng hợp nhằm đưa cách mạng tiến lên bằng những bước nhảy vọt. Cuối cùng, không chỉ phát triển về mọi mặt, không chỉ luôn rèn luyện và ngày một trưởng thành mà quân đội ta còn chớp đúng thời cơ và “thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa” để giành thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đát nước.
MÃI XỨNG DANH “BỘ ĐỘI CỤ HỒ”
Là quân đội của nhân dân, với sự nỗ lực đoàn kết của toàn quân, đoàn kết quân dân và đoàn kết quốc tế, Quân đội nhân dân Việt Nam - công cụ bạo lực vũ trang chủ yếu của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc. Đối lập về bản chất với quân đội của giai cấp bóc lột và quân đội xâm lược của các nước đế quốc, thực dân, Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức và xây dựng theo quan điểm của Hồ Chí Minh: “Đối với nhân dân, nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”[9], “quân đội nhân dân, từ nhân dân tổ chức ra, được nhân dân nuôi nấng, giúp đỡ, vì nhân dân mà chiến đấu”[10].
Luôn ghi nhớ “dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết” và “muốn giết địch, thắng trận thì phải có đồng bào giúp mọi mặt. Muốn được đồng bào vui lòng giúp, thì phải giúp đỡ đồng bào, kính trọng đồng bào. Đó là con đường thắng lợi”[11], mỗi quân nhân cách mạng đều thấm nhuần và tuân theo "Mười điều kỷ luật" do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và yêu cầu cán bộ, chiến sĩ thực hiện:
1/Phải phục tùng mệnh lệnh của cấp trên.
2/Không được lấy cái kim sợi chỉ của dân.
3/Mua bán với dân phải công bằng.
4/Không được lấy của công làm của riêng.
5/Nói năng với dân phải lễ phép.
6/Phải giữ gìn sạch sẽ nhà cửa, vườn tược của dân nơi đóng quân.
7/Mượn cái gì của dân dùng xong phải đem trả.
8/Làm hư hại cái gì của dân phải bồi thường.
9/Không tắm rửa trước phụ nữ.
10/Không rượu chè, cờ bạc, hút thuốc phiện
|
Lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã chứng minh rằng, Quân đội nhân dân Việt Nam “mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và kỷ luật nghiêm” và “quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”[12]. Đó cũng chính là quá trình trang bị và giáo dục cho những người quân nhân cách mạng về lý tưởng, mục tiêu, đường lối của Đảng, về nhiệm vụ cách mạng, thể hiện từ nhận thức trở thành bản lĩnh chính trị, thành niềm tin, thành ý chí và quyết tâm hành động. Quân đội nhân dân Việt Nam là tập hợp đông đảo những người công nhân, nông dân, trí thức dũng cảm vốn xuất thân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” đã luôn dựa vào nhân dân như “cá với nước”; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Mỗi cán bộ, chiến sĩ dù ở cấp bậc nào cũng luôn rèn luyện và gương mẫu về đạo đức, lối sống trong chiến đấu cũng như trong cuộc sống đời thường; luôn nỗ lực học tập để nâng cao năng lực toàn diện, sẵn sàng tác chiến trong thời chiến cũng như thời bình; đều sẵn sàng vượt qua cực khổ, khó khăn, chống lại những vinh hoa, phú quý không chính đáng; luôn thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, đồng cam cộng khổ cùng nhau trên cơ sở thực sự phát huy dân chủ.
Là quân đội của nhân dân, gắn bó và yêu thương, kính trọng nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, đó là bản chất của quân đội cách mạng, đó cũng chính là nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp về chính trị, tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tài thao lược của quân đội ta trước mọi kẻ thù, trong mọi hoàn cảnh. Là quân đội của nhân dân, những người lính “bộ đội Cụ Hồ" không chỉ đánh giặc giỏi mà còn là những người sẵn sàng giúp dân về mọi mặt, tham gia chống thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân, nhưng quyết “không động đến cái kim và sợi chỉ của nhân dân”, để “làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc”.
75 năm xây dựng, rèn luyện và ngày một trưởng thành, là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, của chế độ, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[13].
Trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, trước cả thuận lợi và khó khăn, thách thức của thời kỳ mới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, thù địch, không để bị động bất ngờ… càng đặt ra cho Quân đội nhân dân Việt Nam trọng trách lớn lao.
Nhận rõ sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam chính là sức mạnh chính trị, là từ sự lãnh đạo của Đảng, các thế lực thù địch, phản động ngày càng tăng cường thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, đòi “phi chính trị hóa” quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, âm mưu muốn xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội. Chúng không ngừng kích động gây mâu thuẫn giữa quân đội với nhân dân, với công an; cán bộ đảng, chính quyền với cán bộ, chiến sĩ trong quân đội; giữa cán bộ với chiến sĩ, hòng phá hoạt sự đoàn kết, thống nhất nội bộ, làm mai một truyền thống quân dân "như cá với nước” và sự đoàn kết hợp đồng các lực lượng trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa của quân đội ta. Chúng còn cổ súy tâm lý “tự do”, ngại kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh trong quân đội, lối sống thực dụng, buông thả, vị kỷ để không chỉ nhằm kích động tư tưởng công thần, địa vị, bè phái, cục bộ, đòi hưởng thụ đãi ngộ của các "bậc công thần"; kêu gọi quân đội liên minh với quân đội một số nước để tiến lên hiện đại, trở thành quân đội “nhà nghề” như quân đội các nước tư bản mà còn thúc đẩy sự tha hóa, biến chất, “tự diễn biến” trong nội bộ quân đội theo ý đồ của chúng.
Bộ đội giúp dân khi lũ về
Tuy nhiên, càng nhiều cam go, thử thách, yêu cầu và đòi hỏi phải xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam xứng đáng là “lực lượng trụ cột” của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam càng trở nên bức thiết. Càng phải đối phó với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tăng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch, càng phải xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam xứng đáng là lực lượng nòng cốt của sức mạnh quốc phòng toàn dân; là lực lượng chiến đấu trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trên tinh thần đó, phải tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia về cả tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân, an ninh nhân dân gắn với xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định, kết hợp với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và vận dụng sáng tạo thành tựu khoa học kỹ thuật của nền kinh tế tri thức. Trong “từng bước hiện đại hoá” quân đội, tư tưởng “người trước, súng sau” của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được thấm nhuần trong từng quyết sách, để giải quyết đúng đắn mối quan hệ con người và vũ khí, trong đó con người có vai trò quyết định.
Để phát huy truyền thống “bộ đội Cụ Hồ” và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam phát triển vững mạnh, toàn diện, cần tập trung thực hiện một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Đảng đối với quân đội: trong công tác Đảng, công tác chính trị, xác định nhiệm vụ chính trị, quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; đường lối xây dựng thế trận lòng dân, nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân gắn với xây dựng, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng, phát triển nền khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự, chính sách hậu phương quân đội; xây dựng cơ sở vật chất, khí tài… Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại"; trong đó, chú trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn lực lượng. Cụ thể, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị; nâng cao ý chí, quyết tâm bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân trong tình hình mới; tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc gắn với truyền thống lịch sử của quân đội, đơn vị...
Hai là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; làm cho bản chất cách mạng, truyền thống “bộ đội Cụ Hồ” thấm sâu vào mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội. Đồng thời, tăng cường đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với quân đội, thúc đẩy “phi chính trị hóa” quân đội, chia rẽ quân đội với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Xây dựng và củng cố mối quan hệ trong quân đội và giữa quân đội với các thành tố trong hệ thống chính trị, với nhân dân, với bạn bè quốc tế gắn với không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, xây dựng môi trường văn hoá quân sự lành mạnh. Qua đó, tạo sự “miễn dịch”, tăng sức “đề kháng” phòng ngừa sự tác động, xâm nhập từ mặt trái xã hội vào môi trường quân đội, góp phần phòng, chống, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh giáo dục về bản chất, truyền thống vẻ vang của quân đội, bản chất, truyền thống mối quan hệ đoàn kết quân dân gắn bó như “cá với nước” cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân gắn với tăng cường giáo dục, quán triệt trong toàn lực lượng đường lối, quan điểm của Đảng về công tác dân vận, Quy chế dân chủ cơ sở, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Bồi đắp, xây dựng lòng tự hào, ý thức trách nhiệm cho mọi cán bộ, chiến sĩ để tiếp tục vun đắp, củng cố, phát huy, phát triển mối quan hệ gắn bó giữa quân đội với nhân dân trong giai đoạn hiện nay trên tinh thần: Gắn bó với nhân dân, dựa vào nhân dân, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với nhân dân, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân để được nhân dân chăm lo, giáo dục và cùng nhân dân phối hợp chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng là đội quân công tác, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mỗi cán bộ, chiễn sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ thường xuyên tuyên truyền, vận động, giúp đỡ và bảo vệ nhân dân mà còn thiết thực tiết kiệm của cải cho nhân dân, kết hợp với tăng gia sản xuất để giảm việc đóng góp của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Bốn là, mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức người quân nhân cách mạng, năng lực lãnh đạo, chỉ huy, tác chiến, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và sức mạnh chiến đấu toàn diện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quân đội; đồng thời, thực hiện đoàn kết chặt chẽ trong nội bộ, đoàn kết trong nước và quốc tế. Trong mọi thời điểm, phải giữ nghiêm kỷ luật, chân thành giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở đường lối, chủ trương, nguyên tắc của Đảng, lợi ích của nhân dân và chức năng, nhiệm vụ của quân đội; trên cơ sở kỷ luật quân đội, tình thương yêu giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa cấp trên và cấp dưới để kết thành một khối thống nhất, vững chắc. Trong bất luận hoàn cảnh nào, thực hiện nhiệm vụ gì “cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau”[14], cũng luôn dũng cảm, tận tụy, mưu trí và sáng tạo, đem hết tinh thần, sức lực, trí tuệ, tài năng, kiên quyết hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong chiến đấu và mọi mặt công tác như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn./.
TS. Văn Thị Thanh Mai, Ban Tuyên giáo Trung ương
Ths. Vũ Văn Tuấn, Học viện Kỹ thuật Quân sự
-----------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.540
[3] Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.1974, t.1, tr.236
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.37
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.448
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.121
[7] Hồ Chủ tịch với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1962, tr.69
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.365
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.485
[10] Nghị quyết quân sự của Đảng 1930-1960, tr.105
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.492
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.435
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.435
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.435