77 nghệ nhân ở nhiều lứa tuổi khác nhau thể hiện tính kế thừa qua các thế hệ, tiêu biểu cho nhiều nghề thủ công mỹ nghệ khác nhau như thêu, gốm sứ, kim hoàn, sơn mài, khảm trai, chạm bạc...
Tối 15/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân,” “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.
Đây là hoạt động có ý nghĩa thuộc khuôn khổ Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương và các nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ tham dự buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Những năm qua, cùng với sự phát triển của cả nước, ngành công thương đã không ngừng phát triển lớn mạnh; trong đó có sự đóng góp tích cực của các ngành hàng thuộc lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.
Hiện nay, với gần 66 nghìn cơ sở sản xuất trên toàn quốc, thu hút nhiều triệu lao động, thu nhập bình quân cao hơn 2 lần lao động thuần nông, ngành nghề thủ công mỹ nghệ đã và đang có vị trí quan trọng trong hoạt động kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã có mặt tại 163 quốc gia, vùng lãnh thổ, không chỉ mang lại nguồn thu ngoại tệ, phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc.
"Các nghệ nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu 'Nghệ nhân Nhân dân,' 'Nghệ nhân Ưu tú' hôm nay là những người đã được trao truyền, lưu giữ tinh hoa của nghề thủ công truyền thống," Phó Chủ tịch nước khẳng định.
Hơn nữa, các nghệ nhân cũng luôn nỗ lực để duy trì, phát triển nghề, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tầm vóc, thương hiệu Việt Nam đến với thế giới.
Đáng lưu ý, 77 nghệ nhân ở nhiều lứa tuổi khác nhau thể hiện tính kế thừa qua các thế hệ, tiêu biểu cho nhiều nghề thủ công mỹ nghệ khác nhau như thêu, gốm sứ, kim hoàn, sơn mài, khảm trai, chạm bạc, điêu khắc gỗ, đúc đồng, tranh Đông Hồ…
Đây là những nghề có tính truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và có tính hiện đại; trong đó, có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã trở thành quà tặng chính thức phục vụ đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, các nghệ nhân được vinh danh thể hiện sự trân trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân với tài năng và cống hiến xuất sắc của các nghệ nhân trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của dân tộc.
Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, những năm gần đây, mức tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ khá cao, đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu thủ công mỹ nghệ đứng trong vị trí top 3 thế giới, tuy nhiên chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu của các nước.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng với gần 100 triệu người tiêu dùng trong nước, cùng những tín hiệu của nền kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục, đây sẽ là cơ hội mở rộng và khai thác thị trường.
Do vậy, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh lưu ý Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cần quan tâm triển khai sâu rộng và thiết thực các hoạt động hỗ trợ, phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gắn với các chương trình quốc gia.
Cụ thể như khuyến công, xúc tiến thương mại, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... nhằm góp phần nâng cao hơn nữa thương hiệu, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm ở các thị trường trong và ngoài nước, qua đó phát huy hơn nữa vai trò của các "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" trong việc giữ gìn và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch nước cũng kỳ vọng các "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, nghiên cứu đổi mới, sáng tạo nhiều hơn những sản phẩm tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của ngành công thương nói riêng và của đất nước nói chung.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" - chia sẻ, thực hiện Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, Bộ Công Thương đã nhận được 92 hồ sơ của 15 Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi đến đề nghị xét tặng danh hiệu cho 10 nghệ nhân Nhân dân và 82 nghệ nhân Ưu tú.
Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước đã nghiên cứu hồ sơ, tổ chức Đoàn Công tác đi đến tận cơ sở của 92 nghệ nhân, đánh giá thực tế; bỏ phiếu lựa chọn, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước Quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 4 cá nhân, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 1 cá nhân và phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” cho 72 cá nhân.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành tặng cho các nghệ nhân hôm nay là sự ghi nhận công lao to lớn và thể hiện sự tri ân dành cho các nghệ nhân đã có cống hiến trong việc gìn giữ và phát triển thủ công mỹ nghệ. Bởi vậy, với vai trò, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc phong tặng nghệ nhân ở các năm tiếp theo.
Hiện nay, với tinh thần vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ ngành hàng thủ công mỹ nghệ, nhằm biến thách thức thành cơ hội, tạo sự đột phá mới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Năm 2021, Bộ Công Thương tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ cho các nghệ nhân phát huy tài năng, phát triển tinh hoa nghề nghiệp, giữ gìn và trao truyền giá trị nghề thủ công mỹ nghệ, đóng góp nhiều hơn nữa vào an sinh xã hội.
Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các địa phương trên cả nước, đặc biệt quan tâm hỗ trợ ngành hàng thủ công mỹ nghệ thông qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại quốc gia…
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương cũng sẽ có các giải pháp hỗ trợ, hình thành liên kết sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo chuỗi giá trị bền vững gắn với quảng bá, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng như góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế./.
Theo TTXVN