Tinh thần Xô Viết mãi là nguồn cảm hứng, là động lực giúp huyện Can Lộc đi lên trong hành trình xây dựng và phát triển, phấn đấu xây dựng Can Lộc đạt huyện nông thôn mới nâng cao trước năm 2025.
90 năm trước, phong trào đấu tranh của nông dân huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cùng với quần chúng công nông ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bùng nổ đã làm nên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Nối tiếp tinh thần đó, nông dân Can Lộc hôm nay đang ra sức hăng say phát triển kinh tế, tiên phong làm giàu trên vùng đất quê hương.
Tiên phong chuyển đổi ruộng đất
Là địa bàn thuần nông, cây lúa lâu nay vẫn là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện Can Lộc. Sau khi thực hiện việc chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Can Lộc đã có bước chuyển biến tích cực, tạo tiền đề cho việc giải phóng sức lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất.
Ở một số xã như Tùng Lộc, Vượng Lộc, Kim Song Trường… đã hình thành sản xuất lúa theo hướng hàng hóa bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp trên địa bàn huyện còn chậm. Diện tích ruộng đất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Các tiềm năng, lợi thế về đất đai, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được khai thác một cách triệt để, chưa đạt hiệu quả cao.
Bí thư Huyện ủy Can Lộc Nguyễn Như Dũng chia sẻ nhận thức được hạn chế, yếu kém đó, ngay sau khi hoàn thành Đại hội Đảng bộ huyện khóa 36, Ban Thường vụ Huyện ủy Can Lộc đã bắt tay vào thực hiện khâu đột phá bằng việc ban hành Nghị quyết 01 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2020-2025.
Ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Can Lộc, cho biết nhằm khắc phục tình trạng manh mún, bỏ hoang đất sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung, thửa ruộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi trong tưới tiêu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, huyện Can Lộc đã lựa chọn ba phương án thực hiện.
Đó là xây dựng vùng sản xuất tập trung, nông dân góp đất, thành lập tổ hợp tác cùng sản xuất chung; xây dựng khu sản xuất tập trung, các tổ chức, cá nhân thuê lại quyền sử dụng đất của hộ dân để sản xuất; chuyển đổi ruộng đất, gắn với tập trung ruộng đất sản xuất tập trung.
Huyện Can Lộc phấn đấu đến năm 2025 sẽ chuyển đổi xong 5.000 ha ruộng đất sản xuất tập trung, đạt 55% diện tích.
Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, các địa phương đã bắt tay triển khai đề án. Thuần Thiện là xã thực hiện khá thành công việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2.
Từ kinh nghiệm đó và qua thăm dò, lấy ý kiến của người dân, xã Thuần Thiện sẽ tiếp tục thực hiện phương án chuyển đổi ruộng đất, sản xuất tập trung.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thuần Thiện Lê Sỹ Thái cho biết, đến nay, ngoài hai thôn Thuần Chân và Làng Khang đã hoàn thành việc tập trung chuyển đổi ruộng đất cho các hộ trên một vùng sản xuất 140ha, các thôn còn lại đang xây dựng phương án, tính toán tỷ lệ đất các vùng để thực hiện chuyển đổi.
Chia sẻ về lợi ích sau khi thực hiện chuyển đổi ruộng đất, ông Phạm Bá Hồng, thôn Thuần Chân (xã Thuần Thiện) cho biết: Trước đây gia đình có 9 thửa ruộng ở 9 vùng sản xuất khác nhau.
Mỗi vụ mùa, gia đình phải mất 15 ngày để thu hoạch. Nhưng sau khi thực hiện chuyển đổi, toàn bộ diện tích đất trồng lúa với 6.000 m2 của gia đình đã được tập trung về một vùng. Mùa gặt năm nay, gia đình ông Hồng chỉ cần thuê máy gặt, sau vài tiếng đã thu hoạch xong số lúa.
Gắn với việc chuyển đổi ruộng đất, nông nghiệp ở Can Lộc đã có sự chuyển dịch theo hướng chuyển trọng tâm sản xuất từ số lượng sang chất lượng và giá trị.
Đến nay, ngoài 9.000ha trồng lúa hàng năm, Can Lộc có hơn 800ha cam bưởi giá trị đạt 300 triệu đồng/ha; các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
Người nông dân Can Lộc đã thay đổi tư duy, quyết liệt trong phát triển kinh tế để làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Những nông dân “dám nghĩ, dám làm”
Đi giữa những đồi cam bưởi ngút ngàn dọc vùng Trà Sơn, Can Lộc, khó có thể hình dung mảnh đất này đã từng một thời là “chảo lửa, túi bom” trong chiến tranh.
Để có được sự đổi thay đó, những người nông dân cần cù vùng thượng Can Lộc đã dám nghĩ và đi những bước táo bạo với tư duy làm nông nghiệp hiện đại.
Vốn là hộ có truyền thống trồng cam đặc sản và sản xuất giống cây trồng nổi tiếng của xã Thượng Lộc, từ năm 2019 đến nay, anh Võ Thúc Đồng (thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc) lại quyết định thử nghiệm với việc trồng dưa lưới nhà màng. Anh Đồng cho biết: “Tôi thường xuyên đi các địa phương khác tìm hiểu, học hỏi những mô hình nông nghiệp mới và rất ấn tượng với mô hình trồng dưa lưới nhà màng công nghệ cao. Nghĩ là làm, tôi bàn với vợ vay vốn Ngân hàng Agribank và bắt đầu triển khai từ đầu năm nay.”
Cánh đồng Nương Cộ của xã Thượng Lộc từ nhiều năm nay đất hoang hóa, bạc màu, sản xuất lúa cho năng suất kém. Được đối tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ, vợ chồng anh Đồng đã đầu tư 850 triệu đồng xây dựng tại đây hai nhà màng với tổng diện tích 1.500m2.
Bằng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, an toàn với hệ thống tưới nước nhỏ giọt, 2 lứa dưa đầu tiên đã cho thu hoạch hơn 7.000 quả. Với giá bán mỗi quả dưa từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng, trong nửa năm gia đình anh Đồng đã thu về được hơn 700 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình trồng dưa lưới nhà màng, anh Võ Thúc Đồng còn đầu tư thêm một nhà màng ở xã Trường Lộc (huyện Can Lộc) và một nhà màng ở thành phố Hà Tĩnh, với tổng diện tích 3 mô hình là 5.000m2.
Cùng chung khát vọng làm giàu trên đồng đất quê hương, anh Nguyễn Văn Trạch (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc) lại lựa chọn việc phát triển giống cam đặc sản làm mũi nhọn.
Năm 2009, vợ chồng anh Trạch quyết định vào vùng đồi Nền Lệ khai hoang lập nghiệp. Bằng sự cần cù, chịu khó lao động, sau 11 năm vùng đồi hoang năm xưa đã trở thành đồi cam đặc sản với gần 2.000 gốc, cho thu nhập gần 700 triệu đồng mỗi năm.
Giống như anh Đồng, anh Trạch, những người nông dân “chân lấm, tay bùn” ở xã Thượng Lộc giờ đây đã vươn lên làm chủ với nhiều trang trại, mô hình cho hiệu quả cao ngay trên đất đồi quê hương.
Ông Nguyễn Xuân Diệu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dsaan xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết xã Thượng Lộc hiện có 430 mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.
Cuộc sống của người dân Thượng Lộc giờ đây đã bước sang trang mới với thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/năm, sản lượng lương thực đạt trên 5.500 tấn, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đạt trên 165 triệu đồng/ha.
Bí thư Huyện ủy Can Lộc Nguyễn Như Dũng chia sẻ những người nông dân Can Lộc hôm nay đang viết tiếp bài ca Xô Viết anh hùng của cha anh trên mặt trận kinh tế. Tinh thần Xô Viết mãi là nguồn cảm hứng, là động lực giúp Đảng bộ và nhân dân huyện Can Lộc đi lên trong hành trình xây dựng và phát triển, phấn đấu xây dựng Can Lộc đạt huyện nông thôn mới nâng cao trước năm 2025./.
Theo TTXVN