Trong năm 2019 có 9 trong 10 ca tử vong (bao gồm các trường hợp tử vong sớm) do khí quản, phế quản và ung thư phổi ở khu vực Châu Âu đều có liên quan đến thuốc lá.
Theo báo cáo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2019 có 9 trong 10 ca tử vong (bao gồm các trường hợp tử vong sớm) do khí quản, phế quản và ung thư phổi ở khu vực châu Âu đều có liên quan đến thuốc lá. Điều đó cho thấy, có 90% người mắc bệnh ung thư phổi có thể tránh được nếu bỏ được thuốc lá.
Báo cáo cũng nhấn mạnh một số yếu tố liên quan khác cần có sự hành động tức thì và mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát thuốc lá. Nếu các chiến dịch phòng chống thuốc lá được thực thi đồng loạt từ các chính phủ thì có thể tránh được các trường hợp tử vong đến từ các bệnh không lây nhiễm (NCD) do sử dụng thuốc lá. Hoặc sẽ có cơ hội ngăn chặn 27% tử vong do ung thư do sử dụng thuốc lá trong năm 2018.
Bên cạnh đó, WHO cho rằng cũng cần có một chính sách kiểm soát thuốc lá cụ thể đối với từng giới trước tình trạng 21% phụ nữ (74 triệu) đang hút thuốc ở khu vực châu Âu - tỷ lệ cao trên toàn cầu.
Báo cáo cũng cho thấy tình trạng hút thuốc lá có giảm nhưng cũng không đạt đến con số giảm 30% trong kế hoạch thực thi đã được đề ra. Trong báo cáo, WHO cũng đã nhấn mạnh điều này chỉ khả thi nếu các quốc gia tăng cường các nỗ lực phòng chống, và kiểm soát thuốc lá bằng cách sử dụng đầy đủ Công ước khung của WHO về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) và các hướng dẫn.
Ngày Thế giới Không thuốc lá năm nay (31/5/2020) với chủ đề liên quan đến các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Hiện nay, các sản phẩm này đang còn nhiều tranh cãi vì khả năng giảm thiểu tác hại của nó.
Chính vì vậy, trong Ngày Thế giới không thuốc lá 2020, cộng đồng y giới quốc tế kêu gọi WHO xem xét lại về những phương pháp giảm thiểu tác hại của thuốc lá lên sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, WHO đã công nhận thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá (theo báo cáo năm 2020 của WHO về xu hướng hút thuốc lá trên toàn cầu bao gồm việc sử dụng thuốc lá làm nóng, nhưng không bao gồm thuốc lá điện tử). Vì vậy, các sản phẩm trên cần phải chịu sự điều chỉnh của Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá.
Tại Việt Nam, do sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá nên được coi là sản phẩm thuốc lá khác theo định nghĩa của Luật phòng chống tác hại thuốc lá, do đó cần được quản lý và chịu sự điều chỉnh của Luật phòng chống tác hại thuốc lá.
Giáo sư danh dự Robert Beaglehole, Trường Đại học Auckland (New Zealand) và là cựu Giám đốc Bộ phận bệnh mạn tính và khuyến cáo về sức khỏe của WHO đã dự đoán nếu chấp nhận giải pháp giảm thiểu tác hại thuốc lá, đến năm 2030 sẽ tạo ra những khác biệt lớn giúp giảm thiểu gánh nặng bệnh tật.
Ông Robert Beaglehole cũng cho rằng nếu không có những hành động khác biệt và đón nhận sự đổi mới vào các chính sách về thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ bỏ lỡ những mục tiêu nhằm giảm bệnh ung thư, các bệnh tim và phổi.
Mọi sản phẩm thuốc lá đều được đánh giá là yếu tố có hại. Thuốc lá có bản chất độc hại và chứa những chất gây ung thư, ngay cả ở dạng tự nhiên. Vì vậy, WHO khuyến nghị các sản phẩm thuốc lá cần được quản lý bởi các chính sách và biện pháp giống với mọi sản phẩm thuốc lá khác, nhất quán với Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO./.
Theo Vietnam+