Thứ Tư, 30/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 11/6/2021 9:9'(GMT+7)

99,60% cử tri đi bầu cử

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 1, thị trấn An Lão, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 1, thị trấn An Lão, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.

 

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ đánh giá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào ngày 23/5 vừa qua đã thành công rất tốt đẹp.

Trong Ngày hội non sông 23/5/2021, đã có 99,60% cử tri đi bầu cử. So với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tổng số cử tri của cuộc bầu cử lần này nhiều hơn 2.037.651 cử tri và số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu cũng nhiều hơn 2.194.513 cử tri, tỷ lệ cử tri đi bầu cao hơn 0,25% so với nhiệm kỳ trước. 

 Theo báo cáo của các địa phương, trong cuộc bầu cử ngày 23/5/2021, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử theo quy định của pháp luật, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa XV, theo quy định của pháp luật, đối với 1 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 01 thuộc tỉnh Bình Dương. Do đó, có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8%).

So với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, cử tri bầu được 496 đại biểu (đạt 99,2%) nhưng có 2 người trúng cử không được Hội đồng Bầu cử Quốc gia xác nhận tư cách đại biểu nên còn 494 đại biểu.

Đặc biệt trong cuộc bầu cử lần này, không có đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội nào phải bầu cử thêm, bầu cử lại.

Trong danh sách trúng cử, có 194 đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở trung ương giới thiệu, 301 đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu; 4 đại biểu tự ứng trúng cử. Số đại biểu hoạt động chuyên trách ở Trung ương trúng cử là 126 người; số đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương trúng cử là 67 người.

Về cơ cấu kết hợp, có 151 đại biểu là phụ nữ (30,26% trong tổng số người trúng cử); 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số (17,84%); 47 đại biểu trẻ dưới 40 tuổi (9,42%); 14 đại biểu là người ngoài Đảng; 203 đại biểu khóa XIV tái cử hoặc đã từng là đại biểu Quốc hội các khóa trước (40,68%); 296 đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội (59,32%); 392 đại biểu có trình độ trên đại học (78,55%).

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường, cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách.

Tuy tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chưa đạt 40% so với quy định nhưng lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội. Trong quá trình hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, điều chỉnh để bảo đảm tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đạt 40%.

 

Đối với các cơ cấu kết hợp như tỷ lệ đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra. Đặc biệt, cũng lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá 6 trở lại đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30% - cao nhất từ khóa 6 đến nay. Trình độ chuyên môn của những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cao hơn so với nhiệm kỳ trước (tỷ lệ trên đại học đạt 78,56%, cao hơn 16% so với khóa XIV).

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu được 3.721 đại biểu. Trong đó, 1.079 đại biểu là phụ nữ (29%); 610 đại biểu là người dân tộc thiểu số (16,39%); 510 đại biểu trẻ dưới 40 tuổi (13,71%); 1.566 đại biểu tái cử (42,09%); 206 đại biểu là người ngoài Đảng; 2 đại biểu tự ứng cử. 58,32% đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trình độ trên đại học, 39,69% đại biểu có trình độ đại học, 1,99% trình độ dưới đại học.

Hội đồng nhân dân cấp huyện bầu được 22.549 đại biểu. Trong đó, 6.557 đại biểu là phụ nữ (29,08%); 4.117 đại biểu là người dân tộc thiểu số (18,26%); 5.010 đại biểu trẻ dưới 40 tuổi (22,22%); 10.613 đại biểu tái cử (47,07%); 1.105 đại biểu là người ngoài Đảng; 08 đại biểu tự ứng cử. 28,33% đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện có trình độ trên đại học, 66,26% đại biểu có trình độ đại học và 4,39% trình độ dưới đại học.

Hội đồng nhân dân cấp xã bầu được 239.752 đại biểu. Trong đó, 69.474 đại biểu là phụ nữ (28,98%); 49.237 đại biểu là người dân tộc thiểu số (20,54%); 88.190 đại biểu trẻ dưới 40 tuổi (36,78%); 129.551 đại biểu tái cử (54,04%); 28.839 đại biểu là người ngoài Đảng; 74 đại biểu tự ứng cử. 2,73% đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có trình độ trên đại học, 51,7% có trình độ đại học và 42,82% dưới đại học.

Trong cuộc bầu cử, không có đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nào phải tổ chức bầu cử thêm; có 2 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện ở 2 tỉnh Kiên Giang và Quảng Ngãi phải tổ chức bầu thêm 3 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; sau khi tổ chức bầu cử thêm đã bầu được 2 đại biểu.

Có 175 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở 157 xã, phường, thị trấn thuộc 22 tỉnh, thành phố phải tổ chức bầu cử thêm. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cần bầu cử thêm là 280 đại biểu.

Tại cuộc bầu cử, không có đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nào phải bầu cử lại. Tuy nhiên có 5 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã (0,007 % tổng số đơn vị bầu cử) phải bầu cử lại 14 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã./.

Duy Phong 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất