Trận đấu ở Bukit Jalil tối 11/12 được xem là "điềm báo" cho chức vô địch AFF Cup, bởi theo thống kê trong lịch sử của giải đấu này, hầu hết những đội thắng ở lượt đi sau đó đều đăng quang.
Kể từ năm 2004, giải vô địch Đông Nam Á bắt đầu áp dụng thể thức lượt đi-lượt về ở vòng Bán kết và Chung kết.
Và có một thống kê rất đáng lưu ý là 6/7 đội bóng giành thắng lợi ở lượt đi, sau đó đều vô địch. Trường hợp duy nhất không thể bảo vệ được lợi thế ở lượt đi là Indonesia ở AFF Cup 2016. Họ đã đánh bại Thái Lan 2-1 ở trận lượt đi diễn ra trên sân nhà, nhưng lại "vỡ vụn" ở Rajamangala khi thua 0-2 và ngậm ngùi nhìn đội chủ nhà đăng quang.
Cả Việt Nam và Malaysia đều đã từng đăng quang nhờ những chiến thắng ở trận lượt đi. Năm 2008, hai bàn thắng của Vũ Phong và Công Vinh đã giúp Việt Nam quật ngã Thái Lan ngay tại thánh địa Rajamangala.
Còn ở trận chung kết lượt về tại Mỹ Đình, cú đánh đầu lịch sử của Công Vinh ở phút bù giờ thứ 4 đã giúp Việt Nam có trận hòa 1-1 và lần đầu lên ngôi vô địch Đông Nam Á.
Cần nhớ rằng giải năm đó chưa áp dụng luật bàn thắng sân khách nên nếu không có bàn thắng của Công Vinh, hai đội sẽ phải bước vào đá hiệp phụ, và chưa biết điều gì sẽ xảy ra.
Hai năm sau, Malaysia cũng lần đầu đăng quang tại đấu trường khu vực. Trước sự chứng kiến của 98.543 khán giả "lèn chặt" sân Bukit Jalil, Malaysia đã đè bẹp Indonesia ba bàn không gỡ, với cú đúp của Safee Sali và pha lập công của Ashaari Shamshudin.
Ở lượt về, dù thua Indonesia 1-2, nhưng Malaysia vẫn đăng quang với thắng lợi 4-2 chung cuộc.
Ở đội hình Malaysia hiện tại vẫn còn hai cầu thủ của thế hệ đó là thủ thành Khairul Che Mat và chân sút Norshahrul Talaha.
Có một điều khá đặc biệt, lịch sử AFF Cup chưa bao giờ chứng kiến một trận hòa ở chung kết lượt đi./.
Theo VN+