Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 15/8/2024 17:26'(GMT+7)

An Giang có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Ngày 15/8, tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Đoàn công tác liên ngành của Ban Tuyên giáo Trung ương do Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Tỉnh ủy An Giang khảo sát việc thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Cùng tham gia Đoàn khảo sát có các đồng chí: Lê Thị Mai Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Công Dẫn, Phó Vụ trưởng, Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khu vực miền Nam; Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ Lao động Thương binh và xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh…

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát Ban Tuyên giáo Trung ương có các đồng chí: Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang; Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể, hội có liên quan…

NHIỀU KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG CÔNG TÁC KHUYẾN TÀI, KHUYẾN HỌC

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Thị Hồng Loan báo cáo tại hội nghị.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Thị Hồng Loan báo cáo tại hội nghị.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Thị Hồng Loan nêu rõ, qua 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại An Giang, đã đạt nhiều kết quả nổi bật như:

Một là, vai trò của hội khuyến học các cấp trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo toàn diện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được phát huy hiệu quả. Hệ thống tổ chức Hội Khuyến học đến nay đã phủ kín toàn tỉnh với 11 hội cấp huyện, 156 hội cơ sở cấp xã (phường, thị trấn); 2.469 chi hội khuyến học (ở khóm, ấp, dòng họ, trường học, tôn giáo); 762 ban khuyến học với 414.785 hội viên, trên 337.109 gia đình học tập, 367 dòng họ học tập, 592 đơn vị học tập, 572 cộng đồng học tập; hầu hết các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp đều có hoạt động khuyến học, khuyến tài. Quỹ Khuyến học tỉnh và địa phương ngày càng đa dạng, ngoài việc phát triển Quỹ Khuyến học tỉnh, huyện, xã còn có quỹ khuyến học của gia đình, dòng họ; Quỹ mang tên các danh nhân, các địa danh, khuyến khích tài năng như: Quỹ tiếp sức tài năng An Giang, Quỹ học bổng xổ số kiến thiết An Giang, Quỹ học bổng Doãn Tới, Quỹ học bổng Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Văn Hưởng, Tôn Đức Thắng, Vừ A Dính, Huỳnh Thiện Nghệ, Đinh Thiên Lý, Trí Tuệ, Quỹ Học bổng phần thưởng Hạnh Đức, Quỹ Học bổng cho học sinh nữ vượt khó học giỏi, Quỹ Học bổng Viettel, Quỹ Học bổng CEF Vi mô tài chính, Quỹ Học bổng Song Long cấp cho sinh viên An Giang tại Thành phố Hồ Chí Minh…, có sức lan tỏa trong xã hội, góp phần tích cực hỗ trợ công tác giáo dục trong và ngoài nhà trường. Ngoài ra còn nhiều quỹ học bổng khuyến học không cố định, không thuộc cấp nào, không gắn tên chính thức… do các ngành, tôn giáo, nhóm, hội giáo viên, cựu học sinh, ngoại kiều lập ra để giúp học sinh nghèo hiếu học. Xu hướng chung là các nguồn tài trợ ngày càng phong phú, số tiền vận động được ngày càng nhiều.

Hai là, công tác vận động, quản lý và xét tặng học bổng luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch và có sự giám sát của chính quyền, đoàn thể các cấp. Thống kê trong giai đoạn 2007 - 2016, toàn tỉnh đã vận động đóng góp, ủng hộ cho quỹ khuyến học - khuyến tài số tiền gần 230 tỷ đồng; tổ chức cấp phát học bổng, hỗ trợ học tập cho 437.058 lượt học sinh, sinh viên (HS-SV), giáo viên có hoàn cảnh khó khăn vượt khó; giúp đỡ cho 5.763 HS-SV có nguy cơ bỏ học trở lại trường. Giai đoạn 2017 - 2022, số tiền đóng góp, ủng hộ cho quỹ khuyến học - khuyến tài tăng lên gần 156 tỷ đồng, tổ chức cấp phát học bổng, hỗ trợ cho 340.338 lượt HS-SV, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; tạo điều kiện cho trên 4.260 HS-SV có nguy cơ bỏ học trở lại trường. Năm 2023 tổng thu các nguồn quỹ khuyến học - khuyến tài toàn tỉnh đạt 76,2 tỷ đồng, tăng 11,35 tỷ đồng so năm 2022; tổng chi 70,69 tỷ đồng, tăng 16,15 tỷ đồng; tồn quỹ đến ngày 31/12/2023 là 82,11 tỷ đồng, tăng 9,05 tỷ đồng so cuối năm 2022. Qua đó, rất nhiều học sinh, sinh viên được hỗ trợ, thụ hưởng từ quỹ khuyến học - khuyến tài đã nỗ lực trong học tập, phấn đấu thực hiện ước mơ và hoài bão trở thành công dân tốt, có ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Nhiều em đỗ đạt thành tài, có việc làm ổn định và địa vị cao trong xã hội đã quay trở lại ủng hộ nguồn lực cho quỹ ngày càng phát triển bền vững.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng công dân học tập, đơn vị học tập và tỉnh, thành phố học tập.

Bằng nhiều hình thức vận động xây dựng quỹ khuyến học, nhất là từ năm 2021 đến nay, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện Đề án số 347/ĐA-UBND về việc vận động xây dựng Quỹ Khuyến học cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả giai đoạn I có 4/11 huyện, thị, thành phố Long Xuyên, Thoại Sơn, Chợ Mới, Châu Thành) đạt và vượt mục tiêu 2 tỷ đồng/huyện; có 2/11 huyện, thị, thành phố (Long Xuyên, Thoại Sơn) có 100% số xã đạt mục tiêu 500 triệu đồng/xã. Mặc dù kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 1 vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành địa phương, việc vận động xây dựng Quỹ Khuyến học đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã tích cực tham gia phong trào khuyến học của địa phương, giúp đỡ, hỗ trợ nhiều học sinh, sinh viên vượt lên khó khăn để học tập tốt.

Bốn là, quan tâm củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực của ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục, xóa mù chữ từ cấp tỉnh đến xã; phối hợp chặt chẽ giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với các ban, ngành, đoàn thể liên quan trong công tác xóa mù chữ. Tổ chức các lớp xóa mù chữ tại các địa điểm phù hợp với việc đi lại của từng đối tượng học viên (đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật...). Phát huy vai trò của dòng họ, sư sãi, à cha trong việc duy trì các lớp xóa mù chữ. Đẩy mạnh hoạt động tình nguyện dạy xóa mù chữ của tổ chức đoàn thanh niên các cấp…

Năm là, tỉnh đã Quy hoạch mạng lưới trường, lớp từ mầm non đến phổ thông phủ khắp các địa bàn dân cư, tạo điều kiện huy động tối đa đối tượng phổ cập ra lớp, nhiều huyện tỉ lệ huy động học sinh tiểu học, trung học cơ sở đạt và vượt so chỉ tiêu kế hoạch. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, có hiệu quả nhiều năm qua. Ngoài ra, các đơn vị còn được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học. Thực hiện các chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh, tạo điều kiện dạy tốt và học tốt. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư và phát triển.

Kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ đã nâng dần chuẩn đạt hằng năm, đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đã duy trì mức đạt mức 3 từ năm 2021. Đặc biệt, với phổ cập giáo dục trung học cơ sở, sau nhiều năm phấn đấu, năm 2022 toàn tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; năm 2023, nhiều huyện, thị xã, thành phố tích cực phấn đấu nâng mức chuẩn đạt lên mức độ 3.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, thành công của công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh thời gian qua đã tích cực thúc đẩy phong trào xã hội hóa trong giáo dục; qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như: mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” đã được công nhận; nhiều gương người tốt, việc tốt trong phong trào khuyến học, khuyến tài được tuyên dương, nhân rộng, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu “phát triển giáo dục - đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của Tỉnh” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Gần nhất là mô hình “Công dân học tập giai đoạn 2021 – 2030”. Đây là mô hình mới, được Chính phủ phê duyệt và giao nhiệm vụ cho hội khuyến học các cấp phối hợp tổ chức thực hiện, hướng tới mục tiêu khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi.

Bên cạnh, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các lớp tập huấn tại các đơn vị huyện, thị, thành phố về thực hiện Chương trình “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”; tập huấn triển khai bộ công cụ đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập”, tổ chức triển khai mô hình “Đơn vị học tập”; “Huyện học tập”, “Thành phố học tập”, các danh hiệu công nhận này đã đưa vào bộ thủ tục hành chính cấp huyện và cấp tỉnh, cuối năm trình các cấp thẩm quyền tương ứng công nhận. Thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã công nhận 9.759 người đạt danh hiệu “Công dân học tập”, tạo cơ sở đi đến công nhận các đơn vị học tập trong toàn tỉnh.

Các mô hình xã hội học tập được xây dựng phát huy hiệu quả trong phong trào học tập suốt đời, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và giáo dục đào tạo nói riêng. Phong trào khuyến học và hoạt động khuyến học của Tỉnh bám sát được các nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về giáo dục, đào tạo.

Bên cạnh, phong trào “Nuôi heo đất khuyến học” tiếp tục được các trường học phát động và học sinh tích cực hưởng ứng. Số tiền thu được đã được các đơn vị sử dụng để giúp đỡ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc hỗ trợ sách, vở, dụng cụ học tập, phương tiện đi lại, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn... Việc làm ý nghĩa này đã tạo điều kiện cho nhiều học sinh được tiếp tục đến trường, hạn chế đáng kể tình trạng học sinh bỏ học, bỏ học giữa chừng…

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hồng Loan cho biết, tỉnh An Giang tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học cùng với truyền thống tương thân tương ái của người dân An Giang và những kết quả đã đạt được, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, Bác Tôn về công tác khuyến học, khuyến tài, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 49-KL/TW; gắn với triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành với hội khuyến học, tích cực triển khai các giải pháp xây dựng Quỹ khuyến học cấp huyện, xã đến năm 2025 đạt mục tiêu của Đề án số 347/ĐA-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào khuyến học, khuyến tài ở tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài; xác định mục tiêu của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực cho địa phương…

Đồng chí Lê Thị Mai Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu

Đồng chí Lê Thị Mai Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác đều đánh giá cao các kết quả nổi bật trong việc triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW và các chủ trương, chính sách có liên quan ở An Giang, đồng thời yêu cầu địa phương chia sẻ mô hình hay, cách làm hiệu quả về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; trao đổi, thông tin về chủ trương, chính sách, giải pháp dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; định hướng công tác phân luồng học sinh sau THCS của tỉnh, kinh nghiệm trong việc xóa mù chữ, cơ chế tài chính đặc thù của tỉnh; hình thức sáng tạo trong việc đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực giáo dục… hầu hết các vấn đề thành viên Đoàn yêu cầu đã được lãnh đạo các sở, ngành, hội thông tin làm rõ thêm cũng như trao đổi, giải đáp những vấn đề mà Đoàn quan tâm tìm hiểu, góp phần minh họa thêm kết quả đạt được của tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước khái quát đặc điểm, thách thức, là tỉnh có dân số đông, đa dân tộc, tôn giáo, biên giới, phải đảm “3 an”…song, lãnh đạo tỉnh luôn dành sự quan tâm, nguồn lực phù hợp với khả năng của tỉnh để thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nói riêng, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT nhiều năm tốp 10 cả nước, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Từ những khó khăn, thách thức của của An Giang và các địa phương trong cả nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước kiến nghị Đoàn công tác báo cáo, đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới thay thế cho Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị cho phù hợp với tình hình mới; chỉ đạo các sở, ngành, hội có liên quan tiếp tục rà soát, bổ sung những kết quả, mô hình hay và gửi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp báo cáo Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương.

NHIỀU MÔ HÌNH HAY, CÁCH LÀM ĐỘT PHÁ CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh An Giang

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh An Giang

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả của tỉnh An Giang đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Khái quát những kết quả nổi bật của tỉnh, nhất là địa phương có Đề án Đề án số 347/ĐA-UBND, ngày 24/6/2021 về vận động xây dựng Quỹ Khuyến học cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 - 2025, nhằm góp phần tạo điều kiện cho học sinh khó khăn được đến trường, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực tỉnh nhà. Qua đó, đã có nhiều mô hình hay, cách làm đột phá trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nói riêng và thành quả của sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung;

Chia sẻ những khó khăn, thách thức, định hướng thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khuyến nghị với lãnh đạo tỉnh cần phải chọn lọc các ngành nghề mũi nhọn của tỉnh để có cơ chế hỗ trợ học phí cho học sinh học nghề hoặc học đại học ngành nghề phù hợp, chọn lọc đưa đi lao động ở các nước đang cần có nhu cầu lao động; quan tâm chính sách xóa mù chữ. Thứ trưởng hoan nghênh và tiếp thu kiến nghị của tỉnh để tổng hợp, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản phù hợp để thực hiện trong thời gian tới./.

Tin, ảnh: Trường Giang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất