Thứ Sáu, 29/11/2024
Môi trường
Thứ Tư, 30/3/2016 15:5'(GMT+7)

An Giang: Phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong bảo vệ môi trường

Bãi rác ở phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. (Ảnh: Trường Giang)

Bãi rác ở phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. (Ảnh: Trường Giang)

Quán triệt quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta: “Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta” “Đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”, trong những năm qua, tỉnh An Giang đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn.

Để chủ trương, chính sách liên quan đến BVMT đi vào đời sống một cách thực chất, phát huy hiệu quả, cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh xác định vai trò của hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp xã, phường, thị trấn là hết sức quan trọng. Chỉ có thông qua hệ thống chính trị các cấp mới có thể nâng cao nhận thức của người dân trong hoạt động BVMT.

1. Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về Bảo vệ Môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, trong những năm qua, Tỉnh Uỷ, HĐND, UBND tỉnh An Giang đã xây dựng và ban hành 3 Nghị quyết, 7 Chỉ thị, 12 Quyết định, 2 Chương trình và 1 Kế hoạch hành động liên quan đến lĩnh vực BVMT. Trong đó chú trọng đến việc ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và những tác động xấu đến môi trường do ảnh hưởng của thiên nhiên và quá trình sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội gây ra.

Theo đó, các huyện, thị, thành ủy và chính quyền đã kịp thời xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động, quy chế hoạt động liên quan đến công tác BVMT tại địa phương mình; chỉ đạo Mặt trận, các tổ chức đoàn thể - chính trị triển khai nhiệm vụ gắn với chủ đề, chủ điểm của từng giai đoạn cụ thể, tích cực vận động thành viên, đoàn viên, hội viên và người dân tham gia BVMT.

Đảng ủy và chính quyền cấp xã, phường, thị trấn đều cụ thể hoá nội dung BVMT vào nghị quyết nhiệm kỳ, nghị quyết chuyên đề hoặc lồng ghép vào kế hoạch hàng năm; quán triệt và tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là tại các địa phương có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường...

Công tác tuyên truyền BVMT được đẩy mạnh với nhiều hình thức và nội dung phong phú như thông qua các kênh thông tin đại chúng; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; tuyên truyền miệng; phát tờ rơi; mittinh, hội nghị, hội thảo...

Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đều ký kết Kế hoạch liên tịch và phối hợp với 13 ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh, bao gồm Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban dân tộc, Ban Quản lý khu kinh tế, Sở Công thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảnh sát môi trường. Qua đó đã tăng cường hoạt động tuyên truyền cả về chất và lượng tới toàn thể cán bộ, hội viên, đoàn viên, công đoàn viên; nâng cao kiến thức pháp luật về BVMT trong cộng đồng; tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành; đẩy mạnh xã hội hóa BVMT.

Việc huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác BVMT trên địa bàn tỉnh được thể hiện qua các phong trào, mô hình tiêu biểu.

Mặt trận Tổ quốc đã triển khai Chương trình "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường". Kết quả cho thấy, hiện nay ở các địa phương hầu hết các khu dân cư đã có hố rác để thu gom vào nơi quy định trước khi đưa đi xử lý. Nhân dân thành lập các tổ thu gom rác và phong trào làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm đi vào nền nếp. Người dân ở nhiều địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác BVMT bằng sử dụng phương pháp bảo vệ thực vật một cách khoa học, làm thay đổi thói quen bảo quản, phun thuốc, lưu giữ vỏ chứa thuốc trừ sâu bừa bãi.

Việc phát triển kinh tế gắn với BVMT đã và đang được các chủ doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi ở khu dân cư quan tâm hơn. Các hộ gia đình đã và đang từng bước chuyển đổi hành vi trong sản xuất nông nghiệp, trong canh tác hoa màu bằng cách sử dụng phân bón an toàn và thân thiện với môi trường...

Hội Phụ nữ
có các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”;… kết quả tổ chức được 4.013 cuộc với 138.966 lượt hội viên, phụ nữ được tiếp cận các kiến thức về nước sạch, vệ sinh môi trường. Ngoài ra, Hội Phụ nữ cấp cơ sở tuyên truyền bằng hình thức vãng gia cho 20.283 hộ gia đình. Đặc biệt, các cấp duy trì được 47 tổ phụ nữ không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế sử dụng túi nilong với 1.175 thành viên tham gia; 21 tổ phụ nữ thu gom rác thải với 705 thành viên; 76 tổ phụ nữ 3 sạch với 1.496 thành viên; 06 ấp thực hiện “5 không 3 sạch” với 1.742 thành viên tham gia.

Cùng với đó, Hội Phụ nữ các cấp còn tích cực kết hợp với ban, ngành, đoàn thể, ban nhân dân tự quản tổ chức phát quang, chặt mé cây che chắn tầm nhìn theo các trục lộ nông thôn, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch….

Đoàn Thanh niên
các cấp từ tỉnh tới cơ sở tích cực phát động và triển khai phong trào đoàn viên thanh niên tham gia BVMT, bảo vệ dòng sông quê hương... gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới - văn minh đô thị, đạt nhiều kết quả tích cực.

Với tinh thần xung kích, tình nguyện, thời gian qua, tuổi trẻ An Giang đã liên tục tổ chức các đợt ra quân hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường”, “Ngày môi trường thế giới”, “Ngày đa dạng sinh học”, chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”, “Thanh niên tham gia bảo vệ dòng sông quê hương” tại 11 huyện, thị thành trong tỉnh; tổ chức các “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” trong tháng Tháng Thanh niên và Chiến dịch Mùa hè tình nguyện với những hoạt động thiết thực như: vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, vớt rác trên các kênh rạch; thu gom  rác thải các loại…

Hằng năm. Tỉnh Đoàn còn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trường Đại học An Giang và Đài PT-TH tỉnh tổ chức truyền hình trực tiếp lễ mitting hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới 5/6 và Năm quốc tế về rừng; cùng với các chiến sỹ, nhân dân địa phương tham gia làm vệ sinh, gom vớt hàng trăm tấn rác, khai thông dòng chảy tại rạch Cái Sơn và rạch Xẻo Chanh thuộc phường Mỹ Phước, Mỹ Long, Mỹ Xuyên - TP. Long Xuyên; tổ chức đồng loạt lễ ra quân hưởng ứng chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn"; phát động phong trào đổi túi nilon lấy quà tặng; xây dựng các hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường cho vùng đồng bào dân tộc Khmer xã An Cư (Tịnh Biên), xã Châu Lăng (Tri Tôn); tuyên truyền vận động các hộ dân cam kết không vứt rác xuống sông rạch; phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường tổ chức Hội thi tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ sở Đoàn trực thuộc.

Hội Nông dân
các cấp đã tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền, giúp nông  dân hiểu được thực trạng ô nhiễm môi trường và nắm được những nội dung cơ bản, quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường và các chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng và Nhà nước liên quan đến BVMT.

Các hình thức tuyên truyền được Hội Nông dân các cấp trong tỉnh thực hiện có hiệu quả như: lồng ghép vào sinh hoạt câu lạc bộ nông dân, câu lạc bộ nông dân với pháp luật; tập huấn cho hội viên nông dân về nâng cao năng lực BVMT tại cơ sở... Qua đó, giúp nông dân nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật BVMT, hiểu biết và có hành động đúng, cụ thể như: cách sử dụng và xử lý chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; thu gom rác thải nông nghiệp, chăn nuôi…

Từ năm 2011 đến nay, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã vận động được hàng chục nghìn hộ nông dân tham gia cam kết BVMT.

Hiện nay việc thu gom rác thải nông nghiệp đưa về Bệnh viện Đa Khoa huyện Phú Tân để xử lý đang được thực hiện thí điểm tại 4 xã trên địa bàn huyện Phú Tân.

Hội Cựu chiến binh tổ chức hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, thông qua các hình thức như: Mở lớp tập huấn, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt hội, sinh hoạt câu lạc bộ; biên soạn hàng ngàn cuốn sổ tay quản lý môi trường... Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể phát động phong trào toàn dân tham gia tổng vệ sinh làm sạch đường làng, ngõ xóm; in phát tờ rơi…

Từ việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc tích cức của cả hệ thống chính trị, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh An Giang những năm quá đã thực sự được chú trọng; phong trào bảo vệ môi trường trong nhân dân được phát huy và nhân rộng với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Hầu hết các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến đều có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT. Nhân dân ngày càng hiểu biết và nắm rõ những nội dung pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường, thực hiện đúng, đầy đủ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc sử dụng tài nguyên và BVMT.

2. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh An Giang cũng đang đứng trước nhiều bất cập như: thách thức giữa yêu cầu bảo vệ môi trường với lợi ích kinh tế trước mắt trong đầu tư phát triển; giữa tổ chức và năng lực quản lý môi trường còn nhiều hạn chế trước những đòi hỏi phải nhanh chóng đưa công tác quản lý môi trường vào nền nếp; giữa nhu cầu ngày càng cao về nguồn vốn cho BVMT với khả năng có hạn của ngân sách tỉnh và sự đầu tư của doanh nghiệp, người dân cho công tác BVMT còn ở mức rất thấp…

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng đổ rác, vứt rác bừa bãi và xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào các sông, kênh, rạch; việc thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp chưa được thực hiện đồng bộ, quyết liệt; ô nhiễm môi trường do bãi rác quá tải ở gần khu dân cư và trường học cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được xử lý dứt điểm; nhiều làng nghề tại các khu vực thành thị tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước, không khí gây bức xúc trong nhân dân… Những vấn đề trên đã và đang tiếp tục là bài toán đặt ra cho cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Từ những kết quả đạt được và hạn chế tồn tại, bài học kinh nghiệm và các giải pháp đồng bộ trong công tác BVMT trên địa bàn tỉnh An Giang được cấp ủy và chính quyền xác định là:

Một là,
nơi nào người đứng cấp ủy, UBND cầu thị lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân, trực tiếp đến các điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường để kiểm tra, chỉ đạo xử lý thì công tác BVMT tại địa phương đó đạt được đạt kết quả tích cực, huy động được sự tự nguyện tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân vào công tác BVMT.

Hai là,
hệ thống chính trị ở cấp xã, phường có vai trò hết sức quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường. Bởi đây là nơi trực tiếp đưa chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước vào đời sống; trực tiếp, thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; trực tiếp thực hiện công tác BVMT... Có thể nói, cấp xã, phường không làm tốt công tác BVMT thì chắc chắn công tác BVMT của hệ thống chính trị cấp huyện, tỉnh sẽ gặp khó khăn.

Ba là,
cần đặc biệt coi trọng việc xây dựng một nền văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường trong xã hội và của mỗi người dân. Nâng cao chất lượng và tính thường xuyên của công tác tuyên truyền BVMT, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đổi mới nội dung và đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền BVMT. Xây dựng và đào tạo đội ngũ báo  cáo viên, tuyên truyền viên của cấp uỷ, thường xuyên củng cố, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về môi trường. Trong công tác tuyên truyền cần tìm hiểu kỹ đối tượng, để lựa chọn nội dung và phương pháp tuyên truyền phù hợp.

Bốn là, tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với công tác BVMT trong tình hình mới, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT. Cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước về nguồn lực kỹ thuật, hệ thống luật pháp. Quy định rõ hơn nữa về trách nhiệm giữa chính quyền địa phương với cộng đồng, nhất là sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức hội quần chúng. Đồng thời cần có sự kết hợp, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Xử lý nghiêm các trường hợp xả nước thải gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, đề xuất giải pháp xử lý, khôi phục. Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, mọi người dân tham gia bảo vệ môi trường, làm kinh tế từ môi trường. Tạo điều kiện, hỗ trợ để các tổ chức phản biện xã hội về môi trường, các hội, hiệp hội về thiên nhiên và môi trường hình thành, lớn mạnh và phát triển, đóng góp tích cực trong hoạt động BVMT./.

Trần Ngọc Trường Giang




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất