(TG) - Ngày 16/01, Tỉnh ủy An Giang tổ chức gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với đại biểu trí thức khoa học, công nghệ.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Võ Anh Kiệt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và trên 90 đại biểu trí thức khoa học, công nghệ tiêu biểu và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh cho biết, kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Phát triển nguồn nhân lực tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015: Về nhân lực xã hội của tỉnh: tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường có nhiều chỉ tiêu không đạt so với mục tiêu đề ra; Tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân là 50% (đạt chỉ tiêu Chương trình là 50%). Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề so với tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân là 36% (không đạt chỉ tiêu Chương trình là 40%). Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục mầm non còn thiếu, chưa đáp ứng đủ yêu cầu hoạt động. Tỷ lệ học sinh bỏ học dù có giảm nhưng vẫn còn khá cao so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, làm cho tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường của các cấp học, nhất là cấp THCS, THPT đạt thấp. Chất lượng dạy nghề công lập và ngoài công lập còn hạn chế. Công tác tuyển sinh học nghề gặp rất nhiều khó khăn, không có nguồn để đi học nghề…
Tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế quốc dân đến cuối năm 2015 trong khu vực nông nghiệp chiếm 53,66%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 14,29%, khu vực dịch vụ chiếm 32,05%. Qua đó cho thấy việc chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm so với định hướng đưa ra của Chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011-2015.
Trong các lĩnh vực định hướng phát triển để tạo đột phá trong giai đoạn 2016-2020: tỉnh An Giang tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và lĩnh vực du lịch.
Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm phát triển quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả rõ nét; cơ sở vật chất, phương tiện đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, luôn được đầu tư và bổ sung. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học tăng nhanh chóng trong giai đoạn 2005 - 2015, nhất là chất lượng, hiệu quả công tác có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập như: Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015 chưa tạo được sự đột phá; còn thiếu về số lượng và thiếu về chất lượng ở nhiều lĩnh vực so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước. Chưa có nhiều chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành, nhất là chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ cao, hoạch định chính sách, quy hoạch, tư vấn và phản biện; giám định xã hội; một số đề tài, chính sách có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đạt được kết quả chưa như mong muốn, như Đề án AG100 đào tạo cán bộ trình độ sau đại học ở nước ngoài; đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, viên chức; Dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông. Việc đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn với định hướng, tư vấn, dạy nghề, giải quyết việc làm, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường còn cao; Chính sách đào tạo sau đại học, thu hút đãi ngộ trí thức chưa thật sự hấp dẫn, có điểm còn chưa phù hợp nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung. Việc bố trí, sử dụng nguồn nhân lực có lúc chưa hợp lý, chưa tạo được điều kiện thuận lợi để trí thức phát huy được vai trò trách nhiệm của mình, chưa khuyến khích nhân tài, người ngoài Đảng vào làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước...
Các ý kiến trao đổi, tư vấn, hiến kế của đội ngũ trí thức đối với lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại hội nghị đã tập trung vào các vấn đề như: Đánh giá về thành tựu cũng như những tồn tại, hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong việc phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh trong thời gian qua; những thách thức trong phát triển nguồn nhân lực thời gian tới và đề xuất các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, theo các nhóm vấn đề: Về cơ chế, chính sách để trí thức phát triển phẩm chất, tài năng; thu hút, tập hợp trí thức có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài tỉnh; đổi mới công tác cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ trí thức...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Võ Anh Kiệt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu, qua đó giúp cho lãnh đạo tỉnh thấy được những mặt làm được và hạn chế trong thời gian qua trong phát triển nguồn nhân lực và trong tất cả các lĩnh vực.
Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lưu ý cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tiếp tục quán triệt, thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 28/02/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với Kế hoạch số 17-KH/TU, ngày 14/10/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chương trình hành động số 09-CTr/TU, ngày 05/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025.
Làm tốt công tác phân tích, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh để đảm bảo cơ sở khoa học, tính chiến lược, dài hạn, góp phần phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ chuyên môn cao và nhất là có khả năng thích ứng nhanh với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ. Tạo điều kiện để trí thức, nòng cốt là trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tham gia tư vấn, phản biện các chủ trương, chính sách, đề án có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ưu tiên tuyển chọn, đào tạo chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao; hoạch định chính sách, tư vấn, phản biện, giám định xã hội. Có chính sách thu hút nhân tài, nguồn nhân lực có chất lượng cao trong và ngoài tỉnh về làm việc ở các lĩnh vực công; đồng thời làm tốt chính sách khuyến khích, đãi ngộ đối với các chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành.
Quan tâm đào tạo đội ngũ giảng viên, giáo viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường Đại học An Giang, trường Chính trị Tôn Đức Thắng, trường Cao đẳng nghề, trường Cao đẳng Y tế và các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực địa phương. Tập trung tuyên truyền về ý thức khởi nghiệp, tự thân lập nghiệp sâu rộng trong xã hội, nhất là trong sinh viên, học sinh, trong thanh niên nông thôn. Khuyến khích, nâng cao, phát triển khả năng sáng tạo của các học sinh, sinh viên ở trường đại học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thông qua việc tổ chức các Hội thi sáng tạo kỹ thuật trong thanh thiếu niên.
Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ của tỉnh tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học và mang tính ứng dụng trong thực tế; nhất là ứng dụng công nghệ cao, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển triển du lịch, giảm nghèo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường,...
Châu Quốc Hùng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang