Thứ Năm, 21/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 11/11/2024 9:7'(GMT+7)

An Giang: Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số - thống nhất trong đa dạng

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang phát biểu tại Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang; Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các hội, chi hội VHNT địa phương cùng với hơn 50 đại biểu đến từ 10 tỉnh, thành phố trong cả nước.

TÌNH CẢM CHÂN THÀNH VỚI VÙNG ĐẤT AN GIANG

Nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa, Chi hội Trưởng Chi hội VHNT các  DTTS Việt Nam tỉnh Phú Thọ - trại Trưởng trại sáng tác cảm ơn Hội VHNT các DTTS Việt Nam đã cho phép 20 văn nghệ sĩ được dự Trại sáng tác ở An Giang. Nhà thơ cho rằng, thời gian sáng tác không nhiều, nhưng với sự nỗ lực của các văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành, đã có “vụ thu hoạch” - những tác phẩm với cám xúc tươi ròng vừa “gặt hái”, bên cạnh những tác phẩm được chỉnh sửa để hoàn thiện hơn.

Ở mảng văn học, mỗi tác phẩm khai thác nhiều đề tài phong phú, được chuyển tải với từng cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhà thơ Bàng Ái Thơ đến từ Thủ đô Hà Nội với 3 tác phẩm: Cảm tác một vùng quê; Cùng tôi là lá; Tình thơ hồi sinh. Những câu thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng …khiến nhiều người thấy như có mình trong đó; Nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa đến từ Đất Tổ với chùm 4 tác phẩm: Nơi khởi nguồn; An Giang - Ngày trở về; Những ngày gần nối những ngày xa; Câu hò nơi cửa chín nhánh sông. Cả chùm thơ ngọt ngào và say đắm đã gửi trọn tình cảm chân thành ở vùng đất An Giang, nơi nồng nàn hơi thở mật phù sa.

Nhà văn Lê Quang Trạng của vùng quê An Giang với Truyện ngắn Mèo và Chuột; Nhà văn Vũ Thảo Ngọc từ vùng mỏ với truyện ngắn Đợi ở Vịnh Rồng và gửi tình cảm với bầu bạn qua 2 bài thơ Một thoáng sông HậuVới bạn văn ở An Giang; Nhà thơ Nguyễn Đức Phú Thọ-An Giang, với chùm 6 bài thơ: Gọi; Vọng; Phố mùa về; Khẽ; Bông cúc đỏ; Đôi mắt cánh đồng. Những bài thời tươi nguyên hơi thở của mùa yêu, mùa hò hẹn, với giận hờn; đâu đó hiện lên những phận người tảo tần, nhân hậu và thủy chung như đất mang khát vọng vươn lên.

Tác giả Danh Quân của Kiên Giang đem đến chùm 3 bài thơ: Chùa Cù Là; Tâm tư người dẫn bước và Nỗi nhớ quê; Nhà văn Hồ Kiên Giang đem đến truyện ngắn Đêm biên thùy viết về quá trình đi tìm đồng đội của các chiến sĩ Việt Nam hy sinh trên đất bạn Campuchia. Nhà văn cũng gửi đến Trại sáng tác Ghi chép Ấm tình Tết quân dân là những kỷ niệm vui.

Ở mảng nghệ thuật, nhiều ý tưởng đã thể hiện, đã được thực hiện, mặc dù có những khó khăn nhất định trong khai thác và chuyển tải, nhưng các nghệ sĩ đã tự khắc phục để làm nên tác phẩm.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trương Thạch Vũ đến từ Kiên Giang với chùm ảnh: Tìm đồng đội trên đất bạn Campuchia; Vũ điệu Robon Khmer; Tiếng trống Sa dăm Khmer; Thiếu nữ Chăm; Yên ả vùng quê sông nước; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Lâm Tuyền từ vùng đất Sóc Trăng, với tác phẩm: Cô gái bán bánh Kà Tum Tri Tôn; Nghệ thuật kiến trúc Khmer Tà Pạ (An Giang); Hồ Ông Thoại huyện Thoại Sơn (An Giang); Làng nghề vẽ tranh kiểng ở huyện Chợ Mới (An Giang); Nghề làm mắm Cà Rang ở huyện Phú Tân (An Giang); Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thu Phương từ vùng đất Trung du anh hùng đã kịp ghi lại những bức ảnh mang đậm hình ảnh cảnh vật và đời sống sinh hoạt của đất và người An Giang, chùm ảnh: Chùa Bánh xèo (An Giang); Mắm Châu Đốc; Mùa lúa Tịnh Biên; Chợ Tịnh Biên; Bánh bò làng Chăm; Nhà văn Đoàn Hữu Nam tập trung khai thác một số chủ đề qua 4 truyện ngắn: Khơi nghiệp; Biết đâu gió sẽ đổi chiều; Ác giả ác báo; Trước ngày đổi mới. Ở đó có định hướng của Đảng, vai trò của cán bộ, sự đồng lòng của dân khi đã vững lòng tin; Nhà Lý luận Phê bình Đỗ Nguyên Thương nơi "thành phố Ngã Ba sông" đã đi sâu khai thác một số đề tài liên quan tới học thuật trong chùm bài viết: Bàn về chất văn trong bài phê bình văn học; Bàn thêm về ngữ cảnh trong sáng tác VHNT; Vai trò của chi tiết trong Truyện ngắn tự sự; Họa sĩ Thái Thị Phương Mai của An Giang với tác phẩm Hồ Ô Thum (Tri Tôn, An Giang) và tác phẩm Chùa Long Định (Núi Cấm - An Giang); Tác giả văn nghệ dân gian Trần Phước Thuận đến từ Bạc Liêu đem tác phẩm Bảo tồn và phát huy văn học dân gian của người Khmer. Bài viết nêu khái quát những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào được thể hiện qua những thể loại: cổ tích, thần thoại, tục ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng…Từ đó, có một số đề xuất và giải pháp để bảo tồn; Tác phẩm Thạch Sene tâm huyết và đắm đuối với: Cao dao dân ca trong lòng người Khmer Nam Bộ. Đề tài tập trung chủ yếu về Những bài hát trong sinh hoạt đời sống hàng ngày; Những bài hát ru; Những bài hát trong lao động sản xuất; Những bài hát trong nghi lễ; Những bài dân ca trữ tình.

Quang cảnh hội thảo.

 

Quang cảnh hội thảo.

Nghệ sĩ múa Hứa Thị Anh Đào đã xây dựng kịch bản Tổ khúc múa mang tên Bất tử. Chủ đề thể hiện hình tượng các chiến sĩ cách mạng trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, giành độc lập tự do cho dân tộc, cứ sống mãi và rạng ngời; Nhà báo Mai Phương và Chương Nhỏ, chuyên ngành Sân khấu điện ảnh Kiên Giang với phóng sự truyền hình Độc đáo Lê dâng y Kathina; Nghệ sĩ chuyên ngành Sân khấu điện ảnh Danh Du Số của An Giang thu hoạch ở Trại sáng tác với tác phẩm du khảo Người Chăm An Giang với cuộc hành trình, mang nhiều tâm huyết của tác giả và bài thơ Chuyện tình bên khung tơ đậm chất trữ tình.

Nhà thơ cảm xúc về An Giang “Đất nuôi người, người dưỡng đất. Nắng, gió, sóng An Giang đã hình thành nên cốt cách con người, văn hóa và VHNT”, gửi gắm tình cảm đậm sâu với vùng đất này-Nơi tình người hào phóng như gió, dạt dào như nước và nồng nàn như nắng.

ĐỀ TÀI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CA NGỢI CÁI MỚI, CÁI TỐT ĐẸP

Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo.

 

Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch VHNT các DTTS Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam, khẳng định “với tính đa dạng văn hóa vùng miền, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số mấy chục năm qua đã góp vào vườn hoa văn nghệ nước nhà những sắc màu không trộn lẫn”. Văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số mang đậm bản sắc riêng, đề tài rộng mở, từng bước bắt nhịp với đời sống của đồng bào dân tộc, ca ngợi cái mới, cái tốt đẹp, đồng thời phê phán cái xấu, cái lạc hậu và cái ác. Thể loại sáng tác phong phú và đa dạng hơn; nhiều tác giả mạnh dạn tìm tòi thể hiện các thể loại như văn xuôi, lý luận phê bình và điện ảnh, tuy chưa đông đảo nhưng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế.

Nhạc sĩ thông tin, Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Kết luận số 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về "tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới". Trong đó tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong các dân tộc thiểu số và phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh hội viên bằng nhiều hình thức như hỗ trợ sáng tạo, trao giải thưởng, cử theo các lớp tập huấn, trại sáng tác đối với lực lượng trẻ, vinh danh những văn nghệ sĩ cao tuổi đã có nhiều cống hiến,... góp phần vào việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng; tạo lực lượng trẻ làm nền tảng phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hồng Loan ghi nhận, biểu dương kết quả trại sáng tác, hân hoan chào mừng Hội VHNT các DTTS Việt Nam chọn An Giang về tổ chức Trại sáng tác và tổ chức Hội thảo trong thời điểm Tỉnh đang tập trung tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng Kỷ niệm 192 năm Ngày truyền thống tỉnh An Giang (1832-2024), kỷ niệm 200 năm hoàn thành Kênh Vĩnh Tế… nên sự kiện càng ý nghĩa, thiết thực hơn.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tin tưởng văn nghệ sĩ, hội viên của Hội VHNT các DTTS Việt Nam tiếp tục có nhiều tác phẩm hay, mang tính nghệ thuật cao, định hướng tư tưởng, chân - thiện - mỹ, góp phần giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người An Giang đến công chúng trong và ngoài nước…

Báo cáo kết luận Hội thảo, TS. Phú Văn Hẳn nhấn mạnh, các tham luận và ý kiến phát biểu chia sẻ cho thấy đất nước ta, một đất nước đa dân tộc, đa văn hóa. Tính đa dạng về văn hóa là phổ biến ở các các dân tộc, đồng thời phản ánh đậm nét tại các vùng, miền khác nhau. Sự đa dạng về dân tộc, tộc người, vùng miền và những giao lưu văn hóa là những yếu tố tạo nên tính đa dạng văn hóa, góp phần làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

TS. Phú Văn Hẳn cho rằng, việc nghiên cứu thật đầy đủ vấn đề văn hóa, văn học nghệ thuật, đóng góp nhiều hơn nữa những tác phẩm VHNT có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật sẽ giúp nhiều hơn cho việc đề xuất các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phát triển phù hợp, đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy, phát triển VHNT các DTTS.

Văn hóa, VHNT các DTTS tồn tại và phát triển đúng hướng sẽ góp phần giúp đồng bào các DTTS hòa nhập và phát triển bền vững nhiều mặt. Văn học nghệ thuật các DTTS luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, định hướng của các cấp ủy đảng, quản lý của nhà nước, được đông đảo giới trí thức và những người yêu văn hóa dân tộc nhiệt tâm ủng hộ, cộng tác, giúp sức để luôn phát triển về đội ngũ và chất lượng hoạt động VHNT dân tộc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, VHNT các DTTS tại địa phương.

Hội VHNT các DTTS Việt Nam tin tưởng, văn nghệ sĩ người DTTS không ngừng phấn đấu để Chi hội VNNT DTTS, giá trị văn hóa VHNT DTTS luôn là bông hoa xinh đẹp trong vườn hoa sắc màu VHNT Việt Nam./.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Ban Tổ chức Hội thảo

 Ban Tổ chức Hội thảo cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

TRƯỜNG GIANG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất