Trả lời câu hỏi của ông Christian Le Miere, học giả cao cấp về hải quân và an ninh
hàng hải thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) của Vương
quốc Anh về việc trong bài phát biểu, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn
mạnh tầm quan trọng của tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Như vậy
có nghĩa là Việt Nam đồng ý với việc Philippines kiện Trung Quốc ra
Tòa án quốc tế về Luật biển?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn
mạnh: "Về vấn đề này, ngày 26/4/2013, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt
Nam đã tuyên bố công khai quan điểm của Việt Nam. Để tiết kiệm
thời gian của quý vị và các bạn, tôi xin không nhắc lại.
Tôi
xin nhấn mạnh lại rằng, là một quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và
quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật
pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982."
Theo tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 26/4/2013 khi trả
lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam
trước việc ngày 24/4/2013, Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển đã chính
thức chỉ định các trọng tài viên cho Tòa Trọng tài được thành lập theo
Phụ lục VII Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở
Thông báo và Tuyên bố khởi kiện ngày 22/01/2013 của Philippines, Người
Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết Việt
Nam được biết ngày 22/01/2013, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Philippines
đã
chuyển cho Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Philippines
công hàm kèm theo Thông báo và Tuyên bố về việc Philippines chính thức
khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Phụ lục VII Công ước của Liên hợp
quốc về Luật Biển năm 1982 và ngày 24/4/2013, Chánh án Tòa án Quốc tế về
Luật Biển đã chỉ định xong các Trọng tài viên cho Tòa Trọng tài nói
trên.
Là quốc gia ven biển có các quyền và lợi ích quốc gia
hợp pháp và chính đáng ở Biển Đông, Việt Nam quan tâm và theo dõi
sát tiến trình của vụ kiện này. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, lịch
sử và thực tế quản lý để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền
tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công
ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các điều ước quốc tế mà
Việt Nam là thành viên và các văn bản pháp lý của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cũng khẳng định Việt
Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết, để bảo vệ
chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cũng như các lợi ích quốc gia
hợp pháp và chính đáng khác của mình ở Biển Đông phù hợp với Hiến
chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về
Luật Biển năm 1982.
Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ
quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như
chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với nội thủy, lãnh
hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của
mình ở Biển Đông.
Việt Nam đề nghị các bên liên quan nghiêm
túc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) ký
năm 2002 giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc, Tuyên bố
chung của Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 kỷ niệm 10 năm
DOC và mong muốn các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc sớm tiến
hành đàm phán chính thức xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Một lần nữa, Việt Nam kêu gọi ASEAN và Trung Quốc cùng nhau
thực tâm, chân thành thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực xây dựng COC. Tất
cả hãy cùng nhau chung tay xây dựng lòng tin chiến lược, vì hòa
bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung.
Đề
cập câu hỏi của Thiếu tướng Yao Yun Zhu, Giám đốc Trung tâm Quan hệ
Quốc phòng Trung-Mỹ, Học viện Kỹ thuật Quân sự Trung Quốc: "Trong
bài phát biểu, Thủ tướng đã đề cập đến các thách thức an ninh ở khu vực
châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có thách thức có thể làm gián đoạn tự
do
hàng hải, hoạt động thương mại quốc tế. Ngài cũng đề cập một vài cường
quốc vi phạm luật pháp quốc tế, xin Ngài đưa ra các ví dụ về cường quốc
nào vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm luật nào, qua đó làm gián đoạn
tự do hàng hải?"
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: "Hòa bình,
ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng cũng như an ninh, an toàn, tự
do hàng hải là lợi ích, là mong muốn, là mục tiêu chung của khu vực và
thế giới. Những nhân tố đe dọa tới hòa bình, ổn định và an ninh, an
toàn, tự do hàng hải tôi đã đề cập trong bài phát biểu của mình. Và
những diễn biến gần đây trên thực tế, thì mọi người chúng ta có mặt tại
đây đều đã biết. Tôi xin không nhắc lại.
Để thực hiện được
mong muốn và mục tiêu chung mà tôi đã nêu ở trên, thì trước hết các bên
liên quan cần thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực tiến tới COC, phù hợp với
luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về luật biển
1982. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể cùng nhau thực hiện được mục
tiêu và mong muốn chung là hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh
vượng cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực."
Trả
lời câu hỏi của ông Lee Chung Min- Đại học Yonsei - Hàn Quốc: "Trong
bài phát biểu, Thủ tướng đã nhiều lần đề cập vấn đề xây dựng lòng tin chiến
lược. Vậy Ngài có thể cho biết đánh giá của Việt Nam về lòng tin đối
với Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay?"
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
cho biết: "Về vấn đề lòng tin đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc, tôi đã đề cập
trong bài phát biểu của mình. Tôi không nhắc lại, chỉ xin nhấn mạnh là:
Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn
nhất đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như đối với hòa bình,
hợp tác, phát triển, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
Chúng
ta tin tưởng và hy vọng rằng, với tư cách là hai cường quốc của thế
giới, Hoa Kỳ và Trung Quốc nhận rõ vai trò, trách nhiệm và lợi ích của
mình, có chiến lược và việc làm thiết thực, phù hợp để đóng góp ngày
càng nhiều vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng
chung"./.
TTX