NGƯỜI CHIẾN SĨ PHÁO THỦ NỔI TIẾNG
Đồng chí Phùng Văn Khẩu, dân tộc Nùng, sinh năm 1929, tại xã Đức
Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, trong gia đình có truyền thống
cách mạng.
Năm 1946, Phùng Văn Khầu tham gia hoạt động ở địa phương, khi làm
liên lạc, khi làm chiến sĩ an ninh. Nhiệm vụ nào đồng chí cũng hoàn
thành xuất sắc.
Tháng 12/1949, đồng chí xung phong nhập ngũ và được biên chế về binh
chủng pháo binh, Trung đoàn 675. Ngày đầu làm quen với khẩu sơn pháo,
tiếp xúc với khí tài lớn, hỏa lực mạnh, đòi hỏi năng lực kỹ thuật, đồng
chí rất bỡ ngỡ và vô cùng khó khăn khi bản thân không biết chữ. Không
nản lòng, với sự kiên trì, nhẫn nại, đồng chí luôn khiêm tốn học hỏi
đồng đội, tiếp cận vũ khí để hiểu biết theo cách riêng của mình. Sau đó,
đồng chí Phùng Văn Khầu đã hăng hái rèn luyện và trưởng thành vượt bậc
trong chiến đấu.
Từ tháng 12/1949 đến năm 1954, đồng chí Phùng Văn Khầu đã tham gia
7 chiến dịch lớn, với hàng chục trận đánh. Đồng chí luôn mưu trí, dũng
cảm, không ngại gian khổ, linh hoạt phối hợp cùng đồng đội kéo pháo,
chuyển đạn vào trận địa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Phùng Văn Khầu được giao nhiệm vụ chỉ
huy khẩu đội Sơn pháo 75mm, thuộc Đại đội Sơn pháo 755, Trung đoàn 675,
Đại đoàn 351. Đơn vị của Phùng Văn Khầu được giao nhiệm vụ bắn khống
chế hỏa lực địch trên đồi A1, chi viện cho bộ binh chiến đấu. Trận đánh
diễn ra căng thẳng, ác liệt. Cậy hỏa lực mạnh, quân địch ra sức bắn phá
ngăn cản, giành giật với quân ta từng tấc đất. Đồng chí đã chỉ huy khẩu
đội sơn pháo bắn 22 phát đạn chính xác phá hủy công sự, ụ súng, tiêu
diệt sinh lực địch, tạo điều kiện cho bộ binh ta bao vây công kích và
chiếm lĩnh trận địa.
Khi nhận nhiệm vụ chuyển sang phòng ngự tại đồi E, Phùng Văn Khầu đã
cùng đồng đội khẩn trương, tích cực xây dựng trận địa tiến công. Suốt 35
ngày đêm pháo binh địch bắn phá ác liệt, đồng đội bị thương vong nhiều,
có lúc khẩu đội chỉ còn hai người, bản thân đồng chí cũng nhiều lần bị
sức ép, bị thương nhưng vẫn ngoan cường bám trận địa, bắn pháo chi viện
đắc lực cho bộ binh ta ở các điểm cao 203, 207, 507 và cứ điểm đồi C.
Trận chiến phòng ngự ở đồi E diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Lợi
dụng hầm ngầm kiên cố, quân địch ra sức kháng cự, tập trung hỏa lực vãi
đạn như mưa. Có lần khẩu đội hết người, Phùng Văn Khầu vừa làm pháo thủ
ngắm bắn, vừa quan sát mục tiêu điều chỉnh điểm nổ, liên tiếp bắn hạ hai
khẩu pháo 105mm và một ổ đại liên của địch. Nhiều lúc bị sức ép ngất
đi, tỉnh dậy đồng chí lại tiếp tục chiến đấu. Khi bộ binh ta yêu cầu chi
viện, có lần chỉ bằng một viên đạn, Phùng Văn Khầu đã bắn trúng mục
tiêu, dập tắt hỏa điểm của địch.
Đặc biệt trong trận chiến đấu ngày 23/4/1954 trên đồi E1, đơn vị của
Phùng Văn Khầu đã bắn yểm trợ cho bộ binh ta, đánh bại đợt phản kích lớn
của địch vào lực lượng ta đang chia cắt sân bay Mường Thanh. Địch phản
pháo dữ dội. Cả Đại đội thương vong chỉ còn lại khẩu đội pháo của Phùng
Văn Khầu. Sau đó, khẩu đội có 9 người cũng lần lượt hy sinh và bị
thương. Cuối cùng chỉ còn lại mình Phùng Văn Khầu. Lòng căm thù trút lên
đầu địch từ nòng súng, đồng chí đã chiến đấu một mình với khẩu sơn pháo
75mm, nặng 500 kg, làm thay tất cả công việc của các pháo thủ trong
khẩu đội. Dồn hết căm thù, mặc dù bị ngất đi tỉnh lại nhiều lần, Phùng
Văn Khầu vẫn dũng cảm dồn toàn lực triệt hạ liên tiếp 4 khẩu pháo 105mm,
2 khẩu đại liên, 1 kho đạn và tiêu diệt hàng trăm tên địch, hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ chi viện đắc lực cho bộ binh chiến đấu giành thắng
lợi.
Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, Phùng Văn
Khầu cùng một số đồng chí đã vinh dự được đại diện cho lực lượng tham
gia chiến dịch lên chiến khu Việt Bắc báo công với Bác Hồ, được Bác tặng
Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên và ân cần căn dặn: “Chớ vì thắng mà kiêu,
chớ chủ quan khinh địch, chiến sĩ Điện Biên phải luôn luôn khiêm tốn,
giản dị, chân thành; phải luôn trung thực, thật thà, thẳng thắn học hỏi
để tiến bộ”. Lời dạy đó của Bác đã khắc sâu vào tâm trí và động viên
Phùng Văn Khầu suốt quá trình chiến đấu và công tác sau này.
Ngày 31/8/1955, Phùng Văn Khầu và một số đồng chí khác được gặp Bác
Hồ lần thứ hai và vinh dự được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang
nhân dân.
Phát huy truyền thống anh hùng của quân đội ta, trải qua hai cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí đã kinh qua
nhiều chức vụ quan trọng, như: Đại đội trưởng thuộc Bộ Tổng Tham mưu
Quân khu Việt Bắc, Cán bộ cơ quan chính trị Bộ Tư lệnh Pháo binh, Phó
Chính ủy Trung đoàn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Pháo binh,
Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng và Phó Chủ nhiệm Chính trị
Trường Sĩ quan Pháo binh. Đồng chí được phong hàm Đại tá Quân đội nhân
dân Việt Nam. Bất cứ ở cương vị công tác nào, đồng chí luôn gương mẫu,
đoàn kết xây dựng đơn vị, được mọi người trân trọng, quý mến.
Năm 1986, đồng chí hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, về nghỉ hưu sống cùng gia đình.
Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao
quý, như: Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Quân công hạng Ba;
Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang
hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu Chiến sĩ
Điện Biên; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Ngày 25/8/2021, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phùng
Văn Khầu từ trần. Ông là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao
Bằng.
KHẨU SƠM PHÁO 75MM
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (đường Điện Biên Phủ, Hà Nội), hiện
đang lưu giữ và trưng bày khẩu sơn pháo sơn pháo 75mm, thuộc biên chế
của Khẩu đội 2, Đại đội 755, Trung đoàn pháo binh 675, tham gia chiến
đấu từ ngày 24/3/1954 đến ngày 7/5/1954 tại mặt trận Điện Biên Phủ. Khẩu
sơn pháo này gắn với tên tuổi và thành tích xuất sắc của Đại tá, Anh
hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phùng Văn Khầu.
Khẩu sơn pháo 75mm này đã có những ngày trụ vững trước mưa bom bão
đạn của địch, hiên ngang nhả đạn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy
năm châu. Dưới chân cột cờ Hà Nội, khẩu sơn pháo 75mm như đang kể lại
cho du khách tham quan những câu chuyện hùng tráng năm nào./.
HOÀNG YẾN (TTXVN)
___________________
(Nguồn: Chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân
dân, H, 2002, tr.188; Chuyện kể Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb.
Quân đội nhân dân, H, 2024, tr.194-195; Kỷ vật Chiến sĩ Điện
Biên, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2024, tr. 71-76).