Thủ tướng kêu gọi phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, cùng TP.HCM phòng, chống dịch, song việc tiếp nhận hỗ trợ, chi viện cần có đầu mối chủ trì, điều phối hợp lý, hiệu quả...
Sáng 8/7, trước diễn biến nhanh, phức tạp của dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi đồng ý với đề xuất của Thành phố áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg từ 0 giờ ngày 9/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp trực tuyến với lãnh đạo Thành phố để bàn, thống nhất nhận thức, quan điểm, mục tiêu, giải pháp và kêu gọi nhân dân thành phố vào cuộc cùng hệ thống chính trị để thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả.
Cùng dự cuộc họp với Thủ tướng tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc mạnh mẽ, với nhiều nỗ lực nhằm phòng, chống dịch. Tuy nhiên với chủng virus mới, dịch bệnh chưa có tiền lệ nên công tác phòng, chống dịch khó khăn hơn.
Tình hình dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức, khó lường. Theo đề nghị của Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Thành phố áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg nhằm ngăn chặn, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên số 1 cho phòng, chống dịch COVID-19, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết.
Tuy nhiên cần lưu ý, việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, thực hiện giãn cách xã hội, song vẫn phải giữ cho cuộc sống của nhân dân không bị đảo lộn nhiều, an ninh, trật tự được bảo đảm.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu dự cuộc họp thảo luận để thống nhất quan điểm, nhận thức, mục tiêu, giải pháp và kêu gọi mọi người dân Thành phố Hồ Chí Minh hưởng ứng cùng với hệ thống chính trị thực hiện bằng được mục tiêu ngăn chặn, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương triển khai các giải pháp, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, nóng vội, nhưng phải hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4/2021 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 20.500 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 19.924 trường hợp mắc trong nước (chiếm 97%), 609 trường hợp nhập cảnh (3%), 6.590 trường hợp khỏi, ra viện (32%); 70 trường hợp tử vong.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 8.385 ca mắc COVID-19, đặc biệt trong 7 ngày gần đây nhất ghi nhận 500-600 ca/ngày, chủ yếu các trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa và các trường hợp có triệu chứng đi khám tại các cơ sở y tế...
Bộ trưởng Y tế nhận định, dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, còn gia tăng trong thời gian tới nếu không áp dụng các biện pháp mạnh.
Tại cuộc họp, các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung thảo luận, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm áp dụng hiệu quả Chỉ thị 16 trên địa bàn Thành phố, ngăn chặn, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh như: Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 phải phù hợp với tình hình mới và điều kiện cụ thể, đảm bảo cuộc sống nhân dân không bị đảo lộn nhiều; an ninh, trật tự được giữ vững.
Việc chuẩn bị cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân; chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, vật tư y tế và lực lượng cho phòng, chống dịch. Cùng với đó là phương án tổ chức giao thông, vận chuyển hành khách trên địa bàn thành phố; phương án tổ chức làm việc của các cơ quan, đơn vị; tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, tỉnh, thành phố với Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch, nhất là đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa và di chuyển của người dân khi áp dụng Chỉ thị 16; việc chi viện lực lượng hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong phòng, chống dịch; công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng, chống dịch; triển khai gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; kịch bản cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại Thành phố Hồ Chí Minh...
Phát biểu kết luận cuộc họp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, do Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối giao lưu, trung tâm kinh tế, văn hóa ở phía Nam, trong khi biến chủng virus mới phức tạp, chưa hiểu hết, nên chúng ta phải phối hợp WHO, các nước chung quanh để có giải pháp ứng phó phù hợp trong điều kiện Việt Nam.
Theo Thủ tướng, việc đi đến quyết định thực hiện Chỉ thị 16 với Thành phố Hồ Chí Minh là khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp lúc này. Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành nhiều thời gian quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, đề nghị các bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục căn cứ, cụ thể hóa các chỉ đạo, văn bản như kể trên, đồng thời áp dụng Chỉ thị 16 hiệu quả, thiết thực, đạt hiệu quả, mục tiêu mong muốn.
Thủ tướng đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành trong thực hiện "mục tiêu kép," vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra hạn chế, yếu kém, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thành công việc thực hiện Chỉ thị 16 lần này.
Thủ tướng khẳng định, mục tiêu là quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; chăm lo, bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết; dứt khoát không để người dân nào bị đói ăn, thiếu mặc, thiếu nhu cầu tối thiểu, nhất là đối với lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế trong xã hội; không để cuộc sống của người dân bị xáo trộn khi áp dụng Chỉ thị 16.
Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo vẫn là "chống dịch như chống giặc," thực hiện "mục tiêu kép" song lúc này Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên cao nhất là chống dịch để đưa cuộc sống trở lại bình thường, những nơi an toàn vẫn phải đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.
Về các vấn đề cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành phải hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, kịp thời, điều chỉnh thường xuyên nếu tình hình thay đổi để Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16 phòng, chống dịch hiệu quả; phải phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đối với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16.
Chính phủ tiếp tục phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phối hợp, cùng tham gia chỉ đạo phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các Bộ trưởng dành thời gian trực tiếp chỉ đạo ngành dọc, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả với các ngành và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16 theo chức năng, quyền hạn, trách nhiệm được giao.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, ưu tiên, đáp ứng tối đa các nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất, vật tư, sinh phẩm phòng, chống dịch cho Thành phố Hồ Chí Minh; ưu tiên vaccine phòng COVID-19 cho Thành phố và các tỉnh trong khu vực; yêu cầu ngành Y tế tổ chức tiêm vaccine nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả cho các đối tượng.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh phải khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả hơn trong triển khai 9 nội dung cần thực hiện theo Chỉ thị 16 và các chỉ đạo của Chính phủ cũng như nhiều văn bản trước đây, với tinh thần chung là giãn cách xã với xã, huyện với huyện, nhà máy với nhà máy, người với người, nhà với nhà, mọi người ở nhà.
Đối với một số ổ dịch lớn, ngoài kinh nghiệm đã tích lũy được, Bộ Y tế phối hợp với Thành phố nghiên cứu, tổ chức một số giải pháp, cách làm mới, dựa trên cơ sở khoa học, an toàn, đảm bảo sức khỏe người dân, như áp dụng công nghệ vào phòng, chống dịch...
Về giao thông công cộng, Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện hạn chế tối đa di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải phải vào cuộc tích cực cùng Thành phố để phân luồng từng tuyến, căn cứ tình hình dịch tễ, phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh để tham mưu cho cả vùng, bảo đảm việc giãn cách xã hội, thực hiện Chỉ thị 16 nhưng không gây ách tắc.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh ở mức cao hơn, có thể có 50 nghìn ca nhiễm; tiếp tục rà soát, tháo gỡ mọi vướng mắc thủ tục công nhận, nhập khẩu trang thiết bị, vật tư y tế; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, với lực lượng nòng cốt là công an, cùng với hệ thống chính trị cơ sở để giữ an ninh trật tự, yêu cầu của Chỉ thị 16, với tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"; tăng cường truyền thông để người dân hiểu và tham gia phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16.
Coi báo chí là một trong những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, Thành phố Hồ Chí Minh xem xét tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí hàng ngày để thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình phòng, chống dịch đến công chúng, tránh thông tin sai lệch.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa, không được để người dân thiếu hàng hóa, nhu yếu phẩm; yêu cầu những nơi nào đủ an toàn thì tổ chức sản xuất, không để đứt gẫy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng lao động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích tăng cường làm việc trực tuyến, làm việc tại nhà, cách ly F1 tại nhà, song phải có hướng dẫn, điều kiện, tiêu chuẩn, phương thức phù hợp, an toàn.
Thủ tướng kêu gọi phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, cùng Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch, song việc tiếp nhận hỗ trợ, chi viện cần có đầu mối chủ trì, điều phối hợp lý, hiệu quả.../.
Theo TTXVN