Đó là chia sẻ của Tiến sỹ Denis Hew, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ chính sách
APEC bên lề Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1), Diễn
đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017 và các cuộc họp liên
quan diễn ra tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) từ ngày 18/2-3/3/2017.
Cũng
theo Tiến sỹ Denis Hew, hiện các nhà hoạch định chính sách đang phải
cân nhắc suy tính rất nhiều để tìm giải pháp đối phó với chủ nghĩa bảo
hộ, xu hướng chống toàn cầu hóa và các nền kinh tế có thể tiếp tục được
hưởng lợi từ hội nhập kinh tế, tự do hóa thương mại. Đây là vấn đề đang
tiếp tục được thảo luận và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình
Dương sẽ cố tìm cách giải quyết mối quan ngại này.
Cho biết ảnh
hưởng của xu thế này tới các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, Tiến sỹ
Denis Hew cho rằng, xu hướng trên ảnh hướng tới tất cả các nền kinh tế,
trong đó có cả các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Sự gia tăng
bảo hộ thương mại ảnh hưởng tới việc xuất nhập khẩu của nhiều nền kinh
tế, tác động tới tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế phụ thuộc
thương mại.
Nhấn mạnh đến một trong những ưu tiên của Năm APEC
2017, là nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp vừa
và nhỏ, siêu nhỏ trong kỷ nguyên số, Tiến sỹ Denis Hew cho biết, một
trong những ưu tiên của Năm APEC 2017 tại Việt Nam cũng là xem xét hỗ
trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, giúp các doanh nghiệp này
nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa. Đây là một vấn đề đang được tiếp
tục và không phải mới trong APEC.
Năm 2015 tại Philippines, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình
Dương đã đưa ra Chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ
và vừa. Hàng năm các nền kinh tế thành viên khác nhau đều xem xét hỗ
trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở các khía cạnh khác nhau. Năm
nay, đây là một chủ đề quan trọng thảo luận hỗ trợ các doanh nghiệp này
tiếp cận được với công nghệ số, phát triển kỹ năng trong thời đại số,
giúp các doanh nghiệp đào tạo và phát triển kỹ năng công nghệ cho đội
ngũ lao động để tận dụng được lợi ích mà những công nghệ mới mang lại.
Giám
đốc Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC, Tiến sỹ Denis Hew nhấn mạnh, đem
lại lợi ích cho các doanh nghiệp chính là một mục tiêu chiến lược của
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Các cuộc đối thoại giúp
cộng đồng doanh nghiệp nêu bật các thách thức phải đối mặt khi kinh
doanh tại khu vực. Từ đó tìm ra các giải pháp giúp doanh nghiệp làm ăn
được dễ dàng hơn trong khu vực.
Một sáng kiến khả thi và được
biết đến nhiều nhất, đã được triển khai trong những năm qua là sáng kiến
thẻ đi lại doanh nhân, giúp các nhà doanh nghiệp đi lại thuận lợi hơn
trong khắp khu vực APEC thực hiện hoạt động kinh doanh. Hiện các nền
kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cũng
đang tìm cách thúc đẩy hơn nữa sáng kiến này.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)