(TG)- Năm APEC 2017, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 6-11/2017 đã thành công tốt đẹp, ghi đậm dấu ấn Việt Nam trong tiến trình phát triển không ngừng của APEC, thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới, đáp ứng mong muốn và lợi ích của tất cả các nền kinh tế thành viên.
Định hướng tương lai APEC
Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, sự kiện quan trọng nhất trong Năm APEC Việt Nam 2017, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung;" thông qua Kế hoạch hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, khẳng định quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường. Đây là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị cấp cao APEC cũng như của Năm APEC 2017.
Các nhà lãnh đạo kinh tế thành viên APEC đã thảo luận, định hướng việc tạo động lực mới cho tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm của các nền kinh tế APEC. Các động lực đó gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trang bị cho người lao động những kỹ năng làm việc trong môi trường số; đẩy mạnh cải cách cơ cấu; khai phá tiềm năng sáng tạo, khởi nghiệp và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Để góp phần đưa chất lượng tăng trưởng của APEC lên một tầm cao mới, APEC cũng đã hướng tới xây dựng một cộng đồng APEC tự cường và bao trùm, phát triển đô thị-nông thôn bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, nước và năng lượng, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ và tạo thuận lợi hơn cho các nhóm người dễ bị tổn thương.
Tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu liên kết kinh tế trong cục diện quốc tế đa tầng nấc, APEC đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư và tăng cường kết nối khu vực, đẩy nhanh hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, tăng cường liên kết, kết nối khu vực sâu rộng, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, không phân biệt đối xử và mang tính bao trùm.
Trước sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thành viên APEC đã thảo luận các bước đi để xây dựng Tầm nhìn chiến lược cho Diễn đàn sau năm 2020; đi đầu cải cách, đổi mới, sáng tạo và nâng cao hiệu quả hợp tác để mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân và các doanh nghiệp trong khu vực, góp phần tích cực triển khai các cam kết toàn cầu.
Những kết quả này không chỉ thể hiện cam kết chính trị của APEC tiếp tục theo đuổi con đường tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, công bằng, không phân biệt đối xử. Đó còn là thông điệp mạnh mẽ của các thành viên APEC về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số, tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, những yếu tố vô cùng quan trọng để chuẩn bị cho Diễn đàn bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Như cách nói của tiến sỹ Alan Bollard - Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Việt Nam là nước “cầm cương” cho tiến trình phát triển, đặt ra chủ đề cũng như những ưu tiên trong hoạt động của Năm APEC 2017. Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thành công tốt đẹp đã khép lại một năm hoạt động sôi động và hiệu quả của APEC, đồng thời khởi động nhiều chương trình, hoạt động để các chủ nhà APEC tiếp theo tiếp quản như Papua New Guinea vào năm 2018, Chile năm 2019.
Sâu đậm dấu ấn Việt Nam
Những ngày qua, Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng - thành phố biển xinh đẹp ở miền Trung Việt Nam, đã trở thành tâm điểm chú ý của khu vực và thế giới. Bởi sự kiện thu hút sự tham gia của 10.000 đại biểu, trong đó có những nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản…; đại diện các thiết chế kinh tế, tài chính toàn cầu như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)… Sự kiện là nơi gặp gỡ của hơn 2.000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới. Hàng ngàn nhà báo trong nước đã có mặt để đưa những dòng tin, bức ảnh sống động, kịp thời về các hoạt động, sự kiện của Tuần lễ Cấp cao APEC.
Trên cương vị chủ nhà, chủ trì, điều hành hoạt động của các ủy ban, nhóm công tác của APEC trong suốt cả năm 2017 với số lượng các cuộc họp, đối thoại, hội nghị nhiều gấp hơn hai lần so với năm 2006, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò tích cực, chủ động, tinh thần trách nhiệm cao. Các nguyên tắc cơ bản của APEC là bình đẳng, đồng thuận, tự nguyện, không ràng buộc đã được vận dụng hiệu quả để dẫn dắt tiến trình hợp tác APEC đạt tới những kết quả thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp. Trên tinh thần xây dựng, hợp tác cùng có lợi, những sáng kiến, đề xuất của Việt Nam nhằm cụ thể hóa chủ đề của Năm APEC 2017 đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các nền kinh tế thành viên.
Cùng với việc chuẩn bị kỹ lưỡng và đúng hướng về mặt nội dung, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đã tích cực vào cuộc, công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC đã được tiến hành bài bản, kỹ lưỡng cả về cơ sở vật chất, lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế… Đại diện các thành viên APEC đều đánh giá cao sự bài bản và tính chuyên nghiệp của Việt Nam trong khâu tổ chức. Đội ngũ liên lạc viên, tình nguyện viên thực sự là những sứ giả, góp phần giới thiệu hình ảnh, đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam nhân văn, mến khách, giàu tình nghĩa và yêu chuộng hòa bình.
Lần thứ hai tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Việt Nam (lần trước là vào năm 2006 tại Hà Nội và lần này tại Đà Nẵng), Tổng thống Chile Michelle Bachelet nhận xét: “Việt Nam đã cho thấy khả năng tổ chức tuyệt vời của mình không chỉ về cơ sở hạ tầng, mà còn cả về chất lượng các chương trình làm việc và chất lượng đại biểu… Không chỉ bây giờ mà trong suốt cả một năm qua, Việt Nam đã tổ chức tốt các sự kiện của Năm APEC 2017."
Đến từ Papua New Guinea, chủ nhà của Năm APEC 2018, ông Ivan Bayagau cho biết: “Chúng tôi học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam... để áp dụng vào công tác tổ chức cho APEC 2018."
Vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước
Sau 18 năm tham gia APEC, hai lần đăng cai tổ chức Năm APEC 2006 và 2017, Việt Nam đã nỗ lực đóng góp không ngừng và ngày càng chủ động hơn, tích cực hơn đối với tiến trình phát triển của APEC. Tham gia vào “sân chơi” rộng lớn này, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình, đồng thời có điều kiện mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác với các đối tác lớn, đối tác quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, cả trên bình diện đa phương và song phương.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, bên cạnh các phiên họp, đối thoại, hội nghị, hội thảo… còn diễn ra hàng chục cuộc tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam với các nhà lãnh đạo kinh tế thành viên APEC. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump; Tổng thống Chile Michelle Bachelet; Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tiến hành các chuyến thăm Việt Nam trong dịp này. Qua các chuyến thăm, các cuộc tiếp song phương ở cấp cao trong dịp này, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các nền kinh tế, các đối tác lớn của khu vực và toàn cầu.
Nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, cũng như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế… sẽ được mở ra từ Diễn đàn này, cả trước mắt và lâu dài. Mặt khác, những kết quả đạt được tại Tuần lễ Cấp cao APEC và Năm APEC 2017 nhìn chung đều phù hợp với các mục tiêu, ưu tiên của Việt Nam, góp phần thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đến năm 2020, vì một Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thân cho người dân và doanh nghiệp.
Với công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, cùng những dấu ấn về nội dung và cách thức tổ chức tạo dựng được từ đầu năm đến nay, Năm APEC Việt Nam 2017 đã thành công tốt đẹp. Việc đăng cai tổ chức thành công Năm APEC 2017 là bước triển khai thiết thực và mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, “đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương", đồng thời đề cao hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy, trách nhiệm trong cộng đồng khu vực và quốc tế./.
Nguyễn Hồng Điệp