(TG)- Hội thảo về việc xây dựng phương pháp đo đạc và nhận thức tính bền vững của các thành phố trong khu vực APEC do Nhóm bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hóa tổ chức ngày 13/5, tại Hà Nội.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan.
Bên lề Hội thảo, một số đại biểu chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ các nền kinh tế trong khu vực.
Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường
Trong những năm qua, Đà Nẵng luôn là địa phương đi tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ, giữ gìn môi trường của Việt Nam.
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bà Phan Thị Hiền, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho hay: từ năm 2008, thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-thành phố môi trường.”
Đề án đã đưa ra những mục tiêu rất rõ ràng về các thành phần môi trường. Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là để người dân, du khách và những tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường.
Đến nay đã có rất nhiều hoạt động bảo vệ môi trường huy động được sự tham gia của cả cộng đồng.
Theo bà Phan Thị Hiền, hiệu quả của các hoạt động bảo vệ môi trường phụ thuộc rất nhiều vào sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của thành phố Đà Nẵng thời gian qua. Đà Nẵng đã ban hành các chỉ thị, tổ chức chương trình “Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp,” nỗ lực xây dựng các chính sách thu hút sự tham gia của người dân trong bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở những tiêu chí của Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-thành phố môi trường,” thành phố cũng có nhiều hoạt động kêu gọi đầu tư các dự án tập trung vào những hoạt động mang tính kỹ thuật để xử lý vấn đề môi trường của địa phương.
Tháng 11 tới, Đà Nẵng sẽ đăng cai tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017.
Nằm trong chuỗi hoạt động chuẩn bị cho Tuần lễ này, bà Phan Thị Hiền cho biết, với tư cách là đơn vị có trách nhiệm chủ đạo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục lồng ghép các nội dung tuyên truyền vào các hoạt động chủ chốt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-thành phố môi trường.”
Bà Hiền cũng thông qua những hoạt động lồng ghép này sẽ quảng bá tới khách du lịch và cộng đồng quốc tế về hình ảnh một thành phố môi trường trong tương lai.
Kinh nghiệm xử lý chất thải
Ông Kazuyoshi Nogami, Giám đốc Ban hợp tác phát triển, Văn phòng hợp tác quốc tế, thành phố Yokohama của Nhật Bản cho biết, Chính quyền thành phố Yokohama rất quan tâm đến công tác xử lý chất thải. Việc phân loại rác thải được từng người dân thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt.
Thành phố Yokohama cũng tổ chức hàng nghìn buổi hướng dẫn người dân phân loại rác thải cũng như các buổi tình nguyện thu gom rác thải; trẻ em trong thành phố được tham gia các lớp học về nhận thức bảo vệ môi trường…
Nhờ vậy, từ 7 lò đốt rác, tại thành phố Yokohama hiện nay chỉ còn 4 lò. Trong đó, hai lò đã bị đóng cửa và chuyển đổi mục đích sử dụng, giúp tiết kiệm trên 1 tỷ USD; một lò bị tạm đình chỉ hoạt động.
Bên cạnh đó, năng lượng từ việc tiêu hủy rác thải ở 4 lò đốt rác đang hoạt động được biến thành điện sinh hoạt.
Cũng theo ông Kazuyoshi Nogami, với những kinh nghiệm trong việc xử lý rác thải và phát triển bền vững đô thị, từ năm 2013 đến nay, thành phố Yokohama đã hợp tác với thành phố Đà Nẵng trong nhiều hoạt động như ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật hướng tới phát triển thành phố bền vững; tổ chức Diễn đàn phát triển đô thị Đà Nẵng; xây dựng kế hoạch hành động cho quá trình phát triển bền vững Đà Nẵng; ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn Đà Nẵng.
Ông Kazuyoshi Nogami bày tỏ hy vọng, hợp tác giữa hai thành phố Yokohama và Đà Nẵng trong các vấn đề về quản lý, phát triển đô thị bền vững sẽ tiếp tục được thắt chặt và phát huy hiệu quả./.
Tuấn Anh