Ngày 21/8, tiếp tục ngày làm việc thứ 4 của Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 3 (SOM3) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, đã có 12 hoạt động của các Nhóm, Tiểu ban.
Đáng chú ý trong ngày, phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 của Nhóm công tác Y tế APEC (HWG 2) với nhiều nội dung, sáng kiến của Việt Nam đã diễn ra.
Ông Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam tham dự và có bài phát biểu khai mạc cuộc họp này.
Nhóm HWG đã tổ chức phiên họp toàn thể, tổng kết, đánh giá về các dự án mà Nhóm công tác về y tế đang thực hiện.
Nhóm sẽ rà soát lại tiến trình thực hiện Lộ trình “Vì châu Á-Thái Bình Dương khỏe mạnh đến năm 2020," đã được thông qua năm 2015; đồng thời xây dựng và thông qua bộ chỉ số đánh giá việc thực hiện Lộ trình “Vì một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh."
Cuộc họp đưa ra khuyến nghị nội dung hợp tác trong lĩnh vực y tế trong khuôn khổ APEC để đệ trình lên các nguyên thủ quốc gia trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng.
Dự kiến, Tuyên bố chung sẽ đưa ra những khuyến nghị tăng cường hơn nữa cho y tế, vì đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển và phục vụ các mục tiêu phát triển của các nền kinh tế thành viên APEC.
Phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Nhóm công tác về ứng phó với tình trạng khẩn cấp (EPWG) đã lắng nghe báo cáo sơ bộ về kỳ họp toàn thể lần thứ 11 và thảo luận các kết quả thực hiện Dự án thúc đẩy tự cường của khu vực nông thôn trước thiên tai thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng hiệu quả. Các ưu tiên trong chính sách giảm thiểu rủi ro nhằm triển khai Khuôn khổ về Giảm thiểu rủi ro (DRR) được thông qua năm 2015 cũng như rà soát việc áp dụng Cơ chế giảm thiểu rủi ro APEC.
Tham dự sự kiện này, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) đề xuất các thành viên APEC cần rà soát lại các quy định và cùng nhau xây dựng một cơ chế chung, thống nhất về công tác hỗ trợ khẩn cấp thiên tai ở khu vực APEC; mong rằng trong những năm tiếp theo, nước chủ nhà APEC sẽ đồng quan điểm để hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động này.
Cũng trong ngày, hội thảo tăng cường năng lực chuyên gia quản lý chính sách Hiệp định WTO về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (còn gọi là Hiệp định TBT) đã được khai mạc. Hội thảo tập trung vào những vấn đề liên quan tới các nhà quản lý, bao gồm chất lượng quy định, việc ứng dụng của các kinh nghiệm điển hình về quy định (GRPs), hợp tác về quy định và đánh giá sự phù hợp. Đây là những vấn đề đã được các thành viên cam kết thực hiện tại Kế hoạch hành động riêng lẻ nhằm thực hiện Chương trình nghị sự APEC mới về cải cách cơ cấu (RAASR).
Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Tiểu ban APEC về Tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp (SCSC) 2017, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết thông qua hội thảo sẽ giúp tăng cường chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ cho các nền kinh tế thành viên nhằm hướng tới cải thiện, nâng cao năng lực thực hiện toàn bộ Hiệp định TBT, đồng thời, tiếp tục cắt giảm các rào cản kỹ thuật đối với thương mại không cần thiết, mang lại lợi ích cho hệ thống thương mại đa biên nói chung, cũng như các doanh nghiệp trong từng nền kinh tế APEC, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải vật lộn để cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới.
Trong ngày 21/8, Nhóm Diễn đàn đổi mới khoa học đời sống (LSIF) đã tổ chức Đối thoại cao cấp về đổi mới, hệ thống pháp quy và hội tụ chính sách, nhằm thúc đẩy hơn nữa việc đổi mới khoa học đời sống. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo.
Tại Đối thoại, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề liên quan tới cải cách việc đánh giá và phê duyệt thuốc; thúc đẩy sáng tạo thông qua hài hòa hóa các tiêu chuẩn và luật lệ quốc tế; vai trò của LSIF, các nhà hoạch định chính sách và ngành công nghiệp trong việc thúc đẩy đổi mới khoa học đời sống.
Nhóm Đối thoại hóa chất (CD) đã tổ chức “Diễn đàn các nhà quán lý chính sách." Nhóm CD hiện đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường liên kết, hợp tác giữa các Chính phủ và các doanh nghiệp của các thành viên APEC trong quản lý an toàn hóa chất, qua đó tìm ra giải pháp cho các vấn đề của ngành công nghiệp hóa chất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhóm sẽ tiếp tục làm việc vào ngày 22/8 với Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quản lý hóa chất.
Trong ngày làm việc đầu tiên của Nhóm công tác về tiếp cận thị trường (MAG), các đại biểu tham dự cuộc họp của Nhóm MAG đã thảo luận về hệ thống hỗ trợ thương mại đa phương và hệ thống hỗ trợ hội nhập kinh tế khu vực. Ngoài ra, vấn đề tăng cường liên kết toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng cũng được các đại biểu đưa ra trao đổi tích cực.
Nhóm chuyên gia về đầu tư (IEG) bắt đầu chuỗi các cuộc họp trong ngày. Nhóm IEG được thành lập với mục tiêu tăng cường minh bạch các chế độ đầu tư, tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư, thúc đẩy tự do hóa đầu tư trong khu vực và khuyến khích và tạo điều kiện cho đầu tư tự do và cởi mở trong khu vực.
Tiểu nhóm về bảo mật dữ liệu (ECSG-DPS) tiếp tục thảo luận về Hệ thống quy tắc bảo mật xuyên biên giới (CBPR) và Thỏa thuận thực thi bảo vệ sự riêng tư xuyên biên giới (CPEA). Các đại biểu cũng nghe báo cáo về những tiến bộ của các nền kinh tế thành viên trong việc bảo mật thông tin và bàn về hướng đi tiếp theo của Tiểu nhóm.
Nhóm công tác về chống tham nhũng và minh bạch hóa (ACTWG) tổ chức cuộc họp điều phối các nhà tài trợ. Đây là sáng kiến của Hội Luật sư Hoa Kỳ, nhằm tìm hiểu những nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật cho công tác phòng, chống tham nhũng của các nền kinh tế thành viên APEC.
Ngoài ra, Nhóm Đối thoại về công nghiệp ô tô (AD), Nhóm Công tác về chống buôn lậu và khai thác gỗ bất hợp pháp (ELIGAT), Tiểu ban về thủ tục hải quan (SCCP) cũng kết thúc phiên làm việc cuối cùng trong đợt Hội nghị lần này./.
(TTXVN)