Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tìm ra những cơ hội, thách thức trong
giáo dục, đào tạo nghề và an sinh xã hội trong bối cảnh số hóa, sự phát
triển nhanh chóng của nền công nghệp; tìm ra những hành động ưu tiên
trong hợp tác của APEC nhằm giải quyết những thách thức này; thúc đẩy
việc áp dụng các khung trình độ quốc gia, công nhận kỹ năng lẫn nhau cho
lao động bậc trung và bậc cao, cũng như các giải pháp an sinh phù hợp
cho các nền kinh tế.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những ảnh hưởng tới thị trường lao động
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và
Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
(Công nghiệp 4.0) đang là xu thế lớn trên toàn cầu, với động lực là sự
phát triển về khoa học - công nghệ. Nền tảng của cuộc cách mạng này là
công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy
trình và phương thức sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã
và đang tạo ra những thay đổi đột phá, có tác động mạnh mẽ đến sự phát
triển kinh tế-xã hội ở mỗi quốc gia, trên từng khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, giáo dục, đào tạo kỹ năng và an sinh xã hội là những
vấn đề thu hút sự quan tâm của tất cả các nền kinh tế trong khu vực châu
Á- Thái Bình Dương.
Các đại biểu dự Hội thảo nhận định với sự bùng nổ của cuộc cách mạng
công nghiệp lần thứ 4, trong thời gian tới lĩnh vực giáo dục dạy nghề sẽ
có một sự dịch chuyển lớn. Nhiều nguồn lao động và nghề nghiệp cũ sẽ
mất đi, đồng thời xuất hiện nhiều nghề nghiệp mới trong lĩnh vực kỹ
thuật số, lập trình, bảo vệ dữ liệu... Các yêu cầu về trình độ, kỹ năng
của người lao động để đáp ứng yêu cầu việc làm cũng tăng lên; đặt ra các
vấn đề phát triển giáo dục, đào tạo đáp ứng những yêu cầu thay đổi
trong tương lai.
Thị trường lao động sẽ gặp những thách thức lớn về chất lượng, cung, cầu
và cơ cấu lao động. Những vấn đề này không chỉ đe dọa tới việc làm của
lao động trình độ thấp mà lao động có kỹ năng bậc trung sẽ bị ảnh hưởng
nếu họ không trang bị các kiến thức mới, các kỹ năng sáng tạo cho nền
kinh tế 4.0.
Theo bà Mary Morola, Điều phối viên mạng lưới lao động và bảo trợ xã hội
của Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực, những ảnh hưởng của
cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới thị trường lao động đòi hỏi các
quốc gia thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương
cần chia sẻ các cơ hội hợp tác, đầu tư và đào tạo nghề để đảm bảo ổn
định chung trong vấn đề thị trường lao động.
Thúc đẩy an sinh xã hội trong kỷ nguyên số
Về an sinh xã hội, trong những thập kỷ gần đây, khu vực châu Á-Thái Bình
Dương đã có được sự tăng trưởng rõ rệt. Mức sống của người dân đã được
cải thiện rất lớn. Hàng trăm triệu người đã có cuộc sống tốt hơn, năng
suất hơn, mặt khác tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các chính phủ
trong khu vực nâng cao mức ngân sách dành cho an sinh xã hội. Số liệu
thống kê cho thấy, trong số 26 quốc gia đang phát triển trong khu vực
châu Á-Thái Bình Dương, 21 quốc gia đã tăng tỉ lệ chi tiêu cho an sinh
xã hội trong hai thập kỷ vừa qua.
Tuy nhiên, tỉ lệ bao phủ thực tế của an sinh xã hội ở các nước đang phát
triển trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương vẫn còn khá thấp; vẫn còn
một số lượng lớn người dân trong khu vực bị để lại phía sau trong quá
trình phát triển. Bên cạnh đó, dưới tác động của tiến trình số hóa, tự
động hóa, theo dự đoán, chỉ riêng trong lĩnh vực chế tạo ô tô, hơn 60%
người lao động được trả lương tại Indonesia và 73% ở Thái Lan sẽ đối mặt
với nguy cơ thiếu việc làm do sự phát triển của tự động hóa. Ở Việt
Nam, con số này là 75% trong ngành điện tử và 86% trong ngành da giày,
trang phục.
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao
động, Thương binh và Xã hội cho rằng: An sinh xã hội là một khoản đầu
tư vào con người và vào phát triển kinh tế-xã hội lâu dài. Theo đó, với
khẩu hiệu “Không ai bị để lại phía sau” được khẳng định tại Chương trình
nghị sự về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc tới năm 2030, cần có
sự thống nhất giữa các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương để đảm bảo các
quyền về an sinh xã hội trong các thể chế quốc gia và các khuôn khổ hợp
tác khu vực.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đưa ý kiến về những giải pháp để
đảm bảo các chương trình an sinh xã hội. Theo đó, một mặt các quốc gia
phải thích nghi được với những thay đổi về nhân khẩu học, kinh tế, xã
hội, thiên tai thảm họa; mặt khác cần đảm bảo việc trợ cấp về an sinh xã
hội không trở thành vấn đề cản trở động lực làm việc của người dân. Các
chương trình an sinh xã hội phải được xây dựng để đáp ứng tích cực đối
với tình hình già hóa dân số; đồng thời thừa nhận người khuyết tật cũng
là một lực lượng kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp khẳng định,
các kinh nghiệm, thông tin và quan điểm được chia sẻ trong Hội thảo lần
này sẽ là cơ sở quan trọng cho Đối thoại cao cấp về phát triển nguồn
nhân lực có thể đưa ra những hành động ưu tiên cho khu vực châu Á-Thái
Bình Dương, trong bối cảnh kỷ nguyên số đang mang lại nhiều cơ hội và
thách thức; hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu “Tạo động lực
mới, cùng vun đắp tương lai chung”, đặc biệt là mục tiêu “Không ai bị bỏ
lại phía sau.”
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung về hướng ưu tiên
hợp tác, cơ chế hành động và khung thời hạn đối với những thách thức,
cơ hội của giáo dục và đào tạo kỹ năng lao động, cũng như hệ thống an
sinh xã hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số; quá trình nâng cấp công nghệ
nhanh chóng; những công cụ pháp lý nhằm tháo gỡ các thách thức và đón
nhận những cơ hội trong xu hướng toàn cầu hóa./.
Theo TTXVN