Hội nghị là dịp các nhà lãnh đạo hai bên đánh giá hợp tác ASEAN và
Trung Quốc trong 30 năm qua, đề ra định hướng quan trọng trong giai đoạn
mới nhằm đưa quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, tương xứng
với tầm mức của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, vừa được thiết lập
tại Hội nghị Cấp cao thường niên ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24
(26/10/2021).
MỐI QUAN HỆ PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ, TOÀN DIỆN
Trong 30 năm qua, quan hệ ASEAN-Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, toàn
diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Trung Quốc luôn khẳng định coi
trọng vai trò, vị thế của ASEAN ở khu vực và trên thế giới; ủng hộ
ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực.
ASEAN và Trung Quốc thiết lập quan hệ vào năm 1991 và nâng cấp quan
hệ lên Đối tác chiến lược vào tháng 10/2003. Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 15
năm Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc (Singapore, tháng 11/2018) đã
thông qua Tầm nhìn Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030.
Quan hệ ASEAN-Trung Quốc được triển khai thông qua nhiều cơ chế, bao
gồm Hội nghị Cấp cao thường niên, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao
ASEAN-Trung Quốc (PMC+1), các Hội nghị Bộ trưởng hợp tác chuyên ngành...
Hợp tác được triển khai thông qua các Kế hoạch hành động 5 năm, hiện
đang triển khai trên cơ sở Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 được
thông qua vào tháng 11/2020.
Để thúc đẩy hợp tác có trọng điểm, Trung Quốc đề xuất các chủ đề hợp
tác cho từng năm với ASEAN như Năm Hợp tác biển 2015, Năm Hợp tác giáo
dục 2016, Năm Hợp tác du lịch 2017, Năm Hợp tác sáng tạo 2018, Năm Hợp
tác giao lưu truyền thông 2019, Năm Hợp tác kinh tế số 2020, Năm Hợp tác
về phát triển bền vững 2021 và tiếp nối sang năm 2022.
Về chính trị-an ninh, Trung Quốc tham gia đầy đủ vào các cơ chế khu
vực do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như ASEAN-Trung Quốc, ASEAN+3, Cấp
cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc
phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF), cũng
như các cơ chế chuyên ngành khác trong lĩnh vực chính trị-an ninh.
Trung Quốc khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN
trong các tiến trình hợp tác khu vực, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò lớn
hơn tại các diễn đàn đa phương trên thế giới. Trung Quốc là nước Đối tác
đối thoại đầu tiên của ASEAN tham gia Hiệp ước thân thiện và Hợp tác
(TAC).
ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông
(DOC) vào tháng 11/2002 tại Phnom Penh, Campuchia. Tháng 11/2012, Cấp
cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 thông qua Tuyên bố chung về kỷ niệm 10
năm ký Tuyên bố DOC. Hai bên thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng
Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC vào
ngày 25/7/2016.
Gần đây nhất, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 diễn
ra ngày 26/10/2021, Hội nghị khẳng định môi trường hòa bình, an ninh, ổn
định khu vực, trong đó có Biển Đông, là quan tâm và lợi ích chung của
các nước.
Trên cơ sở đó, các nước cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu
quả Tuyên bố DOC, nỗ lực thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước
Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Trung Quốc cũng tham gia hợp tác trong cơ chế Hội nghị các Bộ trưởng
Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) ngay từ khi được thiết lập từ năm 2010
và hợp tác trong khuôn khổ cơ chế Bộ trưởng và Quan chức cao cấp
ASEAN-Trung Quốc về tội phạm xuyên quốc gia.
Hợp tác kinh tế giữa hai bên chứng kiến những tiến triển hết sức năng
động. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 30 năm tăng tới 80 lần.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong nhiều năm liền
(2009-2021), trong khi đó vào năm 2020, ASEAN lần đầu tiên trở thành
đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tổng kim ngạch
thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc đạt 516,9 tỷ USD. Đầu tư
trực tiếp (FDI) từ Trung Quốc vào ASEAN đạt 7,6 tỷ USD trong năm 2020
(là nguồn đầu tư FDI lớn thứ 4 vào ASEAN).
Sau khi ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào
tháng 11/2020, Trung Quốc là một trong những nước Đối tác đầu tiên của
ASEAN sớm hoàn tất chính thức phê chuẩn Hiệp định RCEP. Ngoài ra, ASEAN
và Trung Quốc đang hợp tác chặt chẽ thông qua các cơ chế, diễn đàn do
ASEAN chủ trì trong các lĩnh vực như kết nối, du lịch, công nghệ thông
tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, nông
nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng thành phố thông minh... và triển
khai các thỏa thuận hợp tác liên quan.
Về văn hóa-xã hội, ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh ưu tiên hợp tác trong
các lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, lao động, an ninh xã hội, môi
trường, truyền thông, thanh niên, giảm nghèo... Đáng chú ý, hợp tác
giáo dục ASEAN-Trung Quốc là lĩnh vực hợp tác quan trọng và là kênh hợp
tác hiệu quả giúp thúc đẩy giao lưu thanh niên và kết nối nhân dân
ASEAN-Trung Quốc, thông qua Tuần lễ hợp tác giáo dục ASEAN-Trung Quốc
(CAECW) thường niên kể từ năm 2008 đến nay, chương trình Học bổng các
nhà Lãnh đạo trẻ ASEAN-Trung Quốc (ACYLS) từ năm 2019.
Trong lĩnh vực y tế, hai bên hợp tác thông qua cơ chế Hội nghị quan
chức cao cấp và Bộ trưởng Y tế ASEAN-Trung Quốc, ký Biên bản ghi nhớ về
hợp tác y tế tại cuộc họp Bộ trưởng Y tế ASEAN-Trung Quốc lần thứ 4
(ngày 6/7/2012, Phuket), các hoạt động trao đổi chuyên gia và mời ASEAN
tham gia các khóa đào tạo tại Trung Quốc.
Hợp tác môi trường cũng được hai bên triển khai thông qua Chiến lược
hợp tác bảo vệ môi trường ASEAN-Trung Quốc, việc tổ chức Tuần lễ Hợp tác
môi trường ASEAN-Trung Quốc (từ năm 2011) và lập Trung tâm hợp tác môi
trường ASEAN-Trung Quốc (từ 24/5/2011) để điều phối các hoạt động triển
khai các chiến lược về môi trường.
ASEAN và Trung Quốc nhất trí công bố năm 2021 là Năm hợp tác bền vững
ASEAN-Trung Quốc. Các hoạt động, chương trình hợp tác sẽ được triển
khai trên các ưu tiên như y tế công cộng, giảm nghèo, quản lý thiên tai,
biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng sạch, phát triển nông
thôn bền vững và đô thị bền vững...
Về hợp tác phòng, chống COVID-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện, hai
bên chủ động thúc đẩy ngay từ sớm với việc tổ chức Hội nghị đặc biệt Bộ
trưởng Ngoại giao
ASEAN-Trung Quốc về COVID-19 tại Vientiane (ngày 20/2/2020).
Thông qua các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, Trung Quốc tích
cực thúc đẩy các sáng kiến hợp tác với ASEAN ứng phó COVID-19 và phục
hồi toàn diện. Hai bên nhất trí thông qua các Tuyên bố chung ASEAN-Trung
Quốc về Hợp tác hỗ trợ Khung phục hồi tổng thể ASEAN; Tuyên bố chung
ASEAN về Hợp tác phát triển bền vững và xanh trong năm 2021 nhằm đẩy
mạnh hơn nữa các nỗ lực này.
Trung Quốc đề xuất tận dụng, phát huy các cơ chế hợp tác hiện có nhằm
trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ các nước ASEAN nghiên cứu, phát
triển vaccine, cân nhắc nhu cầu vaccine COVID-19 của ASEAN, cử các
chuyên gia y tế đến hỗ trợ các nước ASEAN. Nước này đã triển khai đóng
góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, đề xuất lập cơ chế ứng
phó tình huống y tế công cộng khẩn cấp, cam kết trích 5 triệu USD từ Quỹ
Hợp tác ASEAN-Trung Quốc tài trợ các chương trình, dự án hợp tác y tế
công cộng với ASEAN...
Hiện nay, ưu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc là đẩy mạnh các nỗ lực
khôi phục các hoạt động kinh tế, giao thương. Hai bên đang tích cực hợp
tác triển khai hiệu quả Hiệp định Mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc
(ACFTA), tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên trao đổi thương mại-đầu
tư, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khắc phục tác động của dịch
bệnh...
Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể
(ACRF), phát triển kinh tế số, hợp tác phát triển bền vững theo chủ đề
hợp tác năm 2021, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường biển, phòng, chống
và giảm nhẹ thiên tai.
PHÁT HUY VAI TRÒ CẦU NỐI GIỮA ASEAN VÀ TRUNG QUỐC
Là một thành viên tích cực của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam cùng các
nước ASEAN và Trung Quốc tăng cường đối thoại chính trị, nâng cao hiểu
biết, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác toàn diện, đưa
quan hệ hai bên trở thành hình mẫu của quan hệ đối tác ổn định và bền
vững giữa các nước láng giềng.
Việt Nam sẵn sàng phát huy vai trò cầu nối giữa Cộng đồng Kinh tế
ASEAN và Trung Quốc, cùng các nước ASEAN thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên
các lĩnh vực, giữ vững hòa bình, ổn định, giải quyết khác biệt vì lợi
ích của các bên để đảm bảo các hoạt động hợp tác kinh tế-thương mại được
triển khai thông suốt, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác, phát
triển và thịnh vượng chung của khu vực.
Trong năm 2020, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, với chủ đề "Gắn kết
và chủ động thích ứng," ASEAN tiếp tục củng cố đoàn kết, thống nhất, duy
trì đà hợp tác, ứng phó mạnh mẽ với đại dịch COVID-19, đồng thời hợp
tác hiệu quả với các đối tác, củng cố vai trò trung tâm trong các vấn đề
an ninh khu vực.
Đặc biệt, trong dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 37 giữa tháng 11/2020, 10
nước ASEAN và 5 nước đối tác, trong đó có Trung Quốc, do Thủ tướng Lý
Khắc Cường tham dự, đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu
vực (RCEP), tạo ra thị trường lớn với dân số 2,2 tỷ người và quy mô GDP
đạt 26.200 tỷ USD. Đây là thành tựu đáng tự hào, khẳng định mạnh mẽ xu
thế thương mại tự do đa phương mở, cân bằng, dựa trên luật lệ.
Tại các kỳ Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO), Việt Nam luôn là nước
có đông doanh nghiệp tham gia nhất, số gian hàng nhiều nhất trong
ASEAN. Ở CAEXPO 2021 diễn ra từ10-13/9/2021,
khu vực trưng bày của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục có quy mô lớn nhất
trong các nước ASEAN với trên 70 doanh nghiệp có đại lý tại Trung Quốc
tham gia trực tiếp trên diện tích khoảng 2.000m2.
Các sản phẩm trưng bày gồm các mặt hàng nông-lâm-thủy sản và thực
phẩm chế biến, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, đầu tư, du
lịch và dịch vụ thương mại... Khu gian hàng theo mô hình "Triển lãm từ
xa" có khoảng 200 doanh nghiệp.
Hòa chung với dòng chảy hợp tác ASEAN-Trung Quốc, quan hệ Đối tác và
hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục được phát huy,
và đã đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là kinh
tế thương mại, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Việt
Nam đóng vai trò là cửa ngõ Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc và
làm cầu nối hiệu quả giữa ASEAN với Trung Quốc, quan hệ kinh tế thương
mại Việt-Trung tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ, kim ngạch thương mại hai
chiều tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm gần đây
đạt trên 20%/năm.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng
kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc đạt 91,41 tỷ USD, tăng 40,4%
so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 28,54 tỷ USD (tăng
23,25%), nhập khẩu đạt 62,86 tỷ USD (tăng 49,87%). Trung Quốc tiếp tục
là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng trở thành
đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN.
Việt Nam đang cùng các nước ASEAN hướng về Tầm nhìn Cộng đồng 2025,
mở rộng hợp tác với đối tác láng giềng Trung Quốc trên cơ sở Hiến chương
Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, hai bên cùng có lợi, đóng góp cho hòa
bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, quan hệ ASEAN - Trung Quốc đạt nhiều
thành tựu đáng kể, đặc biệt trong 18 năm kể từ khi hai bên nâng cấp lên
quan hệ Đối tác chiến lược. Trong hành trình nhiều dấu ấn ấy, Việt Nam
đã cùng ASEAN đóng góp tích cực, trách nhiệm, hiệu quả, thúc đẩy quan hệ
ASEAN-Trung Quốc ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả, ổn định, bền
vững, đáp ứng lợi ích của mỗi bên, củng cố môi trường hòa bình, an
ninh, hợp tác, phát triển ở khu vực./.
TTXVN