Thứ Ba, 1/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 20/4/2016 15:31'(GMT+7)

ASEM - nhân tố quan trọng góp phần định hình cục diện thế giới

Đại biểu chụp ảnh chung tại hội nghị

Đại biểu chụp ảnh chung tại hội nghị

Cơ chế hợp tác được 53 quốc gia ủng hộ

Hội nghị được tổ chức nhân dịp 20 năm Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) hình thành và phát triển và nhằm triển khai chủ trương chủ động tích cực hội nhập quốc tế, nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam.

Dự hội nghị có khoảng 150 đại biểu trong nước và quốc tế; đại sứ một số nước; đại diện các cơ quan ngoại giao; hàng chục diễn giả uy tín của Việt Nam và nước ngoài.

Tại hội nghị, các phát biểu và tham luận của đại biểu nhấn mạnh: Qua 20 năm hình thành và phát triển (1996-2016), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) tiếp tục khẳng định vị thế là diễn đàn đối thoại quan trọng, có uy tín và quy mô lớn nhất giữa hai châu lục Á-Âu; góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế.

Các đại biểu dự hội nghị.  

 

Cả 53 nước thành viên ASEM đều coi trọng các cơ chế hợp tác và những thành quả đã đạt được; thể hiện rõ xu thế ngày càng tăng cường hợp tác trong tất cả các vấn đề cùng quan tâm như phục hồi kinh tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định.

Các đại biểu cũng chỉ rõ, trong cục diện thế giới thế kỷ 21 đang định hình với những chuyển biến nhanh chóng, nhất là việc hình thành các cơ chế hợp tác, liên kết mới, đặt ra những thách thức đối với Diễn đàn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chỉ ra những thách thức trong thời gian tới đối với ASEM: Nền tảng kinh tế thế giới đang chuyển dịch căn bản với nhiều hình thái kinh tế mới. Trong cục diện “đa trung tâm”, nhiều cơ chế hợp tác khu vực được củng cố song song với việc hình thành các cơ chế, liên kết hợp tác mới, đa dạng và linh hoạt hơn. Cùng với đó, sự phát triển chưa từng có của toàn cầu hóa và công nghệ thông tin đã làm gia tăng tính tùy thuộc lẫn nhau, thúc đẩy liên kết ở mọi cấp độ. Mọi quốc gia đều có nhu cầu tăng cường hợp tác để tái cơ cấu kinh tế, mở rộng không gian phát triển và tạo thêm thế trong cục diện mới.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh còn chỉ ra những cơ hội hợp tác của 53 nước thanh viên hai châu lục: Á – Âu đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các quan hệ đối tác và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong khi đó, các thách thức toàn cầu cũng ngày càng nhiều và phức tạp hơn, nằm ngoài khả năng giải quyết của từng quốc gia và từng khu vực. Tình trạng đói nghèo, khoảng cách phát triển gia tăng, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, già hóa dân số, đô thị hóa, an ninh nước - lương thực - năng lượng… là những vấn đề phát triển cấp bách hiện nay. Việc xử lý các thách thức nêu trên vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững ở từng thành viên và ở hai châu lục. Điều đó đòi hỏi ASEM phải gia tăng hợp tác, kết nối, tìm kiếm và thúc đẩy động lực mới cho phát triển với nội hàm hợp tác rộng hơn, sâu hơn và mang tính đa ngành.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm triển lãm ảnh  bên lề hội nghị.  

 

Đồng quan điểm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, tại Hội nghị, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Manopchai Vongphakdi trong bài tham luận “Dấu ấn chặng đường 20 năm ASEM” nhấn mạnh: ASEM đã và đang là nhân tố quan trọng góp phần định hình cục diện thế giới trong thế kỷ 21. Thời gian qua, Diễn đàn đang chuyển mình với những nội hàm hợp tác và liên kết sâu rộng, từng bước mang lại lợi ích thiết thực cho 53 thành viên. Sự gắn kết trong ASEM ngày càng rõ nét bởi sự gia tăng mẫu số chung lợi ích vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng ở hai châu lục.

Để tiếp tục nâng tầm hợp tác trong khuôn khổ ASEM, theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, ASEM cần xác định rõ những việc cần làm ngay, như: Xác định các ưu tiên trong nội hàm hợp tác để nâng cao tính thiết thực, hiệu quả và có chiều sâu của ASEM; phát triển tư duy mới và cách tiếp cận tổng thể, hài hòa giữa tính chất không chính thức của ASEM với việc nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới các kết quả cụ thể; mọi sáng kiến và cơ chế hợp tác cần lấy con người làm trung tâm, tăng cường sự tham gia và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Đối với Việt Nam, hợp tác ASEM luôn có ý nghĩa quan trọng

Khẳng định những đóng góp tích cực và thiết thực của Việt Nam trong 20 năm qua, trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Việt Nam luôn là một thành viên năng động và có trách nhiệm trong chặng đường phát triển của ASEM. Đóng góp nổi bật nhất là Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 5 (năm 2004), 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ-thông tin, ngoại giao, giáo dục, lao động (2001-2012), góp phần đề xuất hướng giải quyết cho 2 lần mở rộng ASEM (năm 2004 và năm 2009), thúc đẩy thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng cho hợp tác như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn,” “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa-văn minh,” “Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM” (năm 2004)... qua đó tạo nên những động lực mới cho hợp tác của Diễn đàn.

Việt Nam đã đề xuất 21 sáng kiến và đồng bảo trợ 24 sáng kiến, đưa nước ta trở thành một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn với nhiều sáng kiến thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn, biến đổi khí hậu...

Trong năm 2016, Việt Nam tiếp tục chủ động đóng góp vào các quan tâm chung, tham gia đề xuất định hướng hợp tác ASEM để góp phần nâng cao vị thế trong ASEM. Trong đó, chú trọng triển khai 3 sáng kiến: “Tuần lễ thanh niên ASEM: Hành động mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết thách thức đói nghèo” (Hà Nội, 31-3 đến 7-4); “Diễn đàn ASEM về kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững” (Hà Nội, 10-2016); và “Hội nghị ASEM về quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai: Sáng tạo và công nghệ vì phát triển bền vững, tự cường (tháng 9-2016)…

Đối với Việt Nam, hợp tác ASEM luôn có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc Đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. ASEM là nơi hội tụ 19 trong số 26 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam, đem lại 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài và tổng giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch đến Việt Nam. 14 trong 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán là với các đối tác ASEM, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 60 đối tác, trong đó có 47 thành viên ASEM. Với ý nghĩa đó, Việt Nam đã và đang có những đóng góp đáng kể vào sự lớn mạnh của Diễn đàn được các thành viên ghi nhận.

Hội nghị có hai phiên họp với một số nội dung chính được đề cập: Thời cơ và thách thức đối với ASEAN; Những dịch chuyển lớn của cục diện Á-Âu; Vai trò của ASEM trong cục diện mới; nâng tầm đóng góp của ASEM trong xử lý các thách thức toàn cầu…

Bài, ảnh: NGUYỄN HÒA/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất