Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 21/5/2009 21:5'(GMT+7)

ASEM tăng cường hợp tác vượt qua khủng hoảng kinh tế - tài chính, giải quyết các thách thức toàn cầu

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm

Sau thành công rực rỡ của Hội nghị Cấp cao lần thứ 5 Tiến trình Hợp tác Á–Âu (ASEM V) tháng 10/2004, Việt Nam lại được bạn bè quốc tế tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 (FMM9) tại Hà Nội từ 25-26/5/2009. Đây là hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao duy nhất giữa Hội nghị cấp cao lần thứ 7 (năm 2006 tại Bắc Kinh, Trung Quốc) và lần thứ 8 (năm 2010 tại Brussels, Bỉ).

FMM9 được tổ chức tại Việt Nam khi quan hệ đối ngoại của Việt Nam ngày càng rộng mở, đi vào chiều sâu; vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế lớn như Liên hợp quốc, WTO, ASEAN, APEC… được thế giới coi trọng, đánh giá cao. Trước đây nhân dân thế giới biết đến Việt Nam là một dân tộc anh hùng, kiên cường, bất khuất đấu tranh cho độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Ngày nay trong con mắt của bạn bè quốc tế, Việt Nam là người bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta đang đảm đương tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, tham gia tích cực xây dựng Hiến chương ASEAN và Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và đang chuẩn bị đảm nhận Chủ tịch ASEAN năm 2010. Chúng ta vừa trình bày Báo cáo quốc gia về quyền con người (UPR) tại Hội đồng nhân quyền của LHQ ở Giơ-ne-vơ và nhận được sự hoan nghênh, đánh giá tích cực của nhiều nước. Những điều đó nói lên rằng, dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội và FMM9 là một trong những cơ hội đó để chúng ta tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiến trình Hợp tác ASEM sau 13 năm hình thành và phát triển

Ngày 2/3/1996, lần đầu tiên trong lịch sử, các Nhà Lãnh đạo châu Á và châu Âu quyết định xây dựng mối quan hệ đối tác mới, toàn diện giữa hai châu lục Á, Âu theo nguyên tắc đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Sự ra đời của Diễn đàn ASEM thể hiện mong muốn của nhân các nước hai châu lục Á, Âu đẩy mạnh hợp tác, đối thoại, tăng cường hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và khu vực sau chiến tranh lạnh. Hợp tác và đối thoại ASEM tập trung vào ba trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trong các lĩnh vực khác (văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, giao lưu giữa các tổ chức, đoàn thể quần chúng…). Thông qua đối thoại chính trị thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, hai bên từng bước đi đến nhận thức chung về các vấn đề thế giới và khu vực cùng quan tâm, mong muốn xây dựng quan hệ đối tác Á-Âu, hợp tác duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới, ngăn chặn các nguy cơ nổ ra xung đột. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những chuyển biến mới sâu sắc, việc tăng cường đối thoại chính trị trong khuôn khổ ASEM càng trở nên cần thiết, qua đó tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, giảm thiểu sự khác biệt giữa hai châu lục, tạo điều kiện gia tăng hợp tác Á-Âu.

Hợp tác kinh tế có nhiều điều kiện thuận lợi do châu Á và châu Âu có những tiềm năng, thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau; tập trung vào ba lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính và đạt được những kết quả quan trọng. ASEM đã thông qua “Kế hoạch Hành động Thuận lợi hóa thương mại” (TFAP), “Kế hoạch Hành động xúc tiến đầu tư” (IPAP), thành lập Quỹ Tín thác ASEM, Diễn đàn doanh nghiệp (AEBF)…nhằm đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, thương mại, tài chính, tăng cường giao lưu giữa các doanh nghiệp và phối hợp chính sách tại các diễn đàn kinh tế đa phương.

Hợp tác trên các lĩnh vực khác rất đa dạng, phong phú thông qua các hoạt động đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh; hợp tác về khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, văn hóa nghệ thuật; hợp tác giữa các tổ chức quần chúng thanh niên, sinh viên, các nhân sỹ, các nghị sỹ quốc hội… Những hoạt động này ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, góp phần mở rộng giao lưu, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục Á, Âu.

Qua 13 năm tồn tại và phát triển, ASEM ngày càng chứng tỏ có sức sống mạnh mẽ, đã triển khai 120 sáng kiến trên cả ba trụ cột hợp tác, đã tạo dựng được vị thế và vai trò quan trọng ở khu vực và trên thế giới. Từ 26 thành viên sáng lập năm 1996, đến nay ASEM có 45 thành viên, trong đó có 10 nước thuộc nhóm G20, chiếm 58% dân số, gần 60% thương mại và 50% GDP của thế giới. Với tiềm năng to lớn về kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, chiều sâu văn hóa và số thành viên ngày càng đông đảo, ASEM đang trở thành hình mẫu về hợp tác giữa châu Âu và châu Á trong một thế giới đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, ASEM cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế do trình độ phát triển không đồng đều giữa các nước thành viên; do các nước châu Á, và châu Âu có những ưu tiên khác nhau trong các lĩnh vực hợp tác; do những tác động của tình hình thế giới, khu vực, đặc biệt cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đang diễn ra rất phức tạp, đến nay chưa thể dự báo chính xác khi nào khủng hoảng sẽ chấm dứt và kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi.

Việt Nam - thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong ASEM

Thực hiện chính sách tích cực và chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, nhận thức rõ tiềm năng to lớn của ASEM nhất là về kinh tế, đầu tư, thương mại, khoa học công nghệ và giáo dục, Việt Nam đã tham gia ASEM ngay từ đầu, là một trong 26 thành viên sáng lập và đã có nhiều đóng góp cho Tiến trình Hợp tác Á-Âu. Nhìn lại chặng đường Việt Nam tham gia ASEM, chúng ta thấy quyết định tham gia ASEM là sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Thông qua quan hệ với các đối tác ASEM, chúng ta đã tranh thủ thu hút các nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển đất nước. ASEM đã trở thành diễn đàn góp phần quan trọng vào việc củng cố môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, nâng cao vị thế của ta trên trường quốc tế. Đặc biệt, việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 năm 2004 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và góp phần quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam ổn định, năng động và giàu tiềm năng phát triển.

Trong 13 năm qua, sự tham gia và đóng góp của Việt Nam được thể hiện trên các lĩnh vực quan trọng sau:

- Với vai trò điều phối viên châu Á trong ASEM từ năm 2000-2004, Việt Nam đã chủ động cùng các thành viên thúc đẩy hoạt động của ASEM trên cả hai khía cạnh đối thoại và hợp tác, kiên trì nguyên tắc đối thoại trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, nhằm mở rộng điểm đồng, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo bầu không khí ngày càng thuận lợi cho đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác.

- Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội – 2004. Đây là Hội nghị mang dấu ấn quan trọng đối với tiến trình ASEM với việc việc mở rộng ASEM từ 26 lên 39 thành viên, thông qua “Tuyên bố Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn” và “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hoá và văn minh”, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, văn hoá và mở ra một hướng mới sống động và thực chất hơn cho hợp tác ASEM.

- Việt Nam là một trong những nước sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ của Quỹ Tín thác ASEM. Đến nay, Việt Nam đã triển khai 21 dự án với tổng giá trị gần 13,35 triệu đô la, đã đưa ra nhiều sáng kiến về các lĩnh vực y tế, văn hoá, công nghệ thông tin, năng lượng, du lịch và đều nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia đồng sáng kiến và cùng các thành viên triển khai nhiều dự án về nông nghiệp, khoa học- công nghệ, giao thông vận tải, y tế, văn hoá, giáo dục-đào tạo, môi trường…Và gần đây nhất, Việt Nam đã được các thành viên tín nhiệm bầu làm Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Á-Âu (ASEF), là cơ quan thúc đẩy các hoạt động hợp tác văn hóa, xã hội trong ASEM.

FMM 9: Tăng cường quan hệ đối tác Á – Âu chặt chẽ hơn

FMM 9 diễn ra vào thời điểm toàn thế giới đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính và những tác động về kinh tế, chính trị - xã hội của nó đang đặt ra cho ASEM những thách thức gay gắt. Do đó, một trong những nội dung quan trọng của FMM9 là chung tay góp sức với cộng đồng thế giới ứng phó với khủng hoảng; xác định rõ những thách thức mà ASEM đang đối mặt để có những giải pháp hữu hiệu đưa ASEM vượt qua khó khăn, tiếp tục có vai trò quan trọng ở khu vực và trên thế giới. Với ý nghĩa đó, chúng ta đã xác định chủ đề của FMM9 là “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế - tài chính và các thách thức toàn cầu”, và được tất cả các nước thành viên ASEM đồng tình, ủng hộ. Để biến các ý tưởng của FMM9 thành hiện thực và các kết quả cụ thể, các thành viên của ASEM đã nhất trí với đề xuất của Việt Nam về trọng tâm của Hội nghị gồm các vấn đề sau :

- Kiểm điểm, đánh giá việc triển khai các kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEM 7 ở Bắc Kinh (10/2008), đưa những khuyến nghị, các biện pháp của ASEM nhằm tăng cường phối hợp, đối phó với khủng hoảng; góp phần cùng với cộng đồng quốc tế khôi phục lòng tin, ngăn chặn kinh tế suy thoái, tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, chống chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy vòng Đôha sớm có tiến triển mới, tiếp tục thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội (việc làm, lao động di cư tự do...).

- Đưa ra thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và trách nhiệm của ASEM tích cực tham gia cùng với cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh truyền nhiễm, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, chống khủng bố quốc tế, chống cướp biển, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt... Trong vấn đề biến đổi khí hậu, FMM9 sẽ thông qua một số sáng kiến, khuyến nghị bày tỏ sự ủng hộ của ASEM đối với Hội nghị của Liên hiệp quốc về Khí hậu, tổ chức tại Cô-pen-ha-gen, Đan Mạch (12/2009), trong đó có sáng kiến của Việt Nam thiết lập Mạng liên kết Á – Âu về biến đổi khí hậu.

- Đề ra những định hướng phát triển của ASEM nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEM 8 ở Brúc-xen năm 2010, trong đó có vấn đề mở rộng thành viên mới.

Ngoài những hoạt động chính của Hội nghị, chúng ta còn tổ chức nhiều hoạt động khác, tạo không khí hợp tác sôi động trước thềm Hội nghị FMM 9. Chúng ta đã phối hợp với các thành viên ASEM tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM ngày 14-15/5 tại Hà Nội, Toạ đàm các Đại sứ ASEM với các doanh nghiệp Á-Âu tại thành phố Hồ Chí Minh, Tuần lễ phim ASEM, Diễn đàn nhà báo Á-Âu, Diễn đàn các nhà nhiếp ảnh trẻ ASEM và Phòng quảng bá thông tin về ASEM và Quỹ Á–Âu (ASEF). Những hoạt động giao lưu này góp phần tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục, đồng thời nâng cao nhận thức của nhân dân Việt Nam về hợp tác ASEM và vai trò của Việt Nam trong ASEM.

*

* *

FMM 9 là một trong những hoạt động đối ngoại lớn của Việt Nam trong năm 2009. Từ nhiều tháng nay, chúng ta đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị mọi mặt về nội dung, bảo đảm an ninh, lễ tân, hậu cần cho Hội nghị thành công. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi hàng trăm bạn bè quốc tế từ hai châu lục Á, Âu đến Hà Nội trong những ngày tháng 5 lịch sử tràn đầy niềm vui và không khí lễ hội kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 119 năm ngày sinh nhật Bác và nhân dân Hà Nội cùng cả nước đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long–Hà Nội vào năm 2010.

Với phương châm xây dựng và phát triển nền ngoại giao toàn diện, ngoại giao đa phương luôn đồng hành và hỗ trợ mạnh mẽ ngoại giao song phương, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia với tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong tiến trình hợp tác ASEM và sẽ làm hết sức mình để góp phần đưa quan hệ đối tác giữa hai châu lục lên một tầm cao mới, sống động, thực chất và hiệu quả./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất