Thứ Năm, 16/10/2014 22:0'(GMT+7)
Asian Para Games lần thứ II và những con số ấn tượng
Asian Para Games II với sự góp mặt của các vận động viên đến từ 45 quốc
gia sẽ chính thức bước vào tranh tài từ ngày 18-24/10 tại Incheon, Hàn
Quốc. Nước chủ nhà Hàn Quốc đã có nhiều nỗ lực chuẩn bị, được thể hiện qua những con số ấn tượng dưới đây.
Số lượng các môn thể thao:
23: Môn thể thao thi đấu
Tổng cộng có 23 môn thi đấu sẽ được diễn ra, trong đó có 19 môn nằm
trong nội dung thi đấu của Paralympic (Bắn cung, Boccia: bowling trên
thảm cỏ, Goalball: môn ném bóng dành cho người khiếm thị...) và 4 môn
thể thao không thuộc Paralympic (Lawn Bowl: môn ném bóng gỗ trên cỏ, cầu
lông...).
2: Môn thể thao chính thức mới được đưa vào thi đấu.
Khiêu vũ thể thao trên xe lăn và bóng bầu dục trên xe lăn là hai môn thể
thao đã được chọn là môn thi đấu chính thức tại Para Games lần này.
3: Môn thể thao đặc biệt dành cho người khuyết tật. Đó
là Boccia (bowling trên thảm cỏ), Goalball (môn ném bóng dành cho người
khiếm thị, trong đó bóng phát ra tiếng kêu) và Lawn Bowl (môn ném bóng
gỗ trên cỏ) được xem là các môn thể thao đặc biệt trong số 23 nội dung
thi đấu tại đại hội thể thao lần này.
Boccia là môn thể thao dành cho các vận động viên bị bại não, có nguồn
gốc từ môn bóng ném của Hy Lạp và thể thức thi đấu giống như môn Đánh bi
đá trên băng tại các sự kiện thể thao mùa đông.
Goalball là môn thể thao dành cho các vận động viên bị mù, được phát
triển sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II như là một phần của chương
trình phục hồi chức năng, sau đó dần trở thành một môn thi đấu thể thao.
Goalball được chọn làm môn thi đấu chính thức từ Thế vận hội dành cho
Người khuyến tật Paralympic Toronto năm 1976.
Lawn Bowl là môn thể thao dành cho người khuyết tật nói chung, kể cả
người bị mù cũng có thể chơi được. Nó đòi hỏi chiến thuật tinh vi, kỹ
năng phán đoán và sự tập trung cao độ. Lawn Bowl được chọn là môn thi
đấu chính thức kể từ Asian Para Games Busan năm 2002.
Số lượng các kỳ đại hội và quy mô:
10: Kỳ đại hội đã diễn ra.
Có tổng cộng 10 kỳ đại hội đã diễn ra kể từ kỳ đại hội đầu tiên năm 1975
tại Oita, Nhật Bản cho đến kỳ đại hội năm 2010 tại Quảng Châu, Trung
Quốc. Năm nay sẽ là kỳ đại hội lần thứ 11. Cho đến kỳ đại hội tại
Malaysia năm 2006, sự kiện thể thao này được gọi tên là Đại hội thể thao
dành cho Người khuyết tật khu vực Viễn Đông và Nam Thái Bình Dương, chỉ
đến khi thành lập Asian Para Games vào năm 2006 thì tên gọi Asian Para
Games mới được sử dụng chính thức tại các kỳ đại hội sau này.
24: Địa điểm thi đấu
Có tổng cộng 24 địa điểm thi đấu tại kỳ đại hội tại Incheon lần này,
trong đó 15 địa điểm thi đấu mới được xây dựng như Sân vận động trung
tâm Incheon, Khu thi đấu bắn cung Gyeyang và Sân bóng bầu dục Namdong, 7
địa điểm thi đấu cũ như Trung tâm thể thao dưới nước Munhak Park
Tae-hwan, Địa điểm thi đấu đấu đua thuyền Wangsan... và 2 địa điểm thi
đấu tại thành phố Anyang và Hanam, nằm ngay sát Incheon. Các vận động
viên được phép tập luyện tại hầu hết các địa điểm thi đấu.
6.196: Thành viên các đoàn thể thao tham dự
Sẽ có tổng cộng 6.196 vận động viên, quan chức thể thao, phóng viên và
khách mời tham dự kỳ đại hội lần này và đây sẽ là kỳ đại hội có số lượng
thành viên các đoàn tham dự đông nhất kể từ khi Asian Para Games ra đời
năm 1975.
3.494: Tình nguyện viên
Có 3.494 tình nguyện viên đã được tập huấn để đảm bảo thành công cho đại
hội lần này. Họ sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn, phiên dịch, vận
chuyển...
924: Người tham dự biểu diễn tại lễ khai mạc và bế mạc đại hội.
111,3 km: Rước đuốc
Lễ rước đuốc sẽ bắt đầu từ núi Ganghwa với tổng cộng 460 người tham gia trong hai ngày và trải qua một hành trình dài 111,3 km.
2.280: Huy chương
Sẽ có 443 bộ huy chương được trao tại 23 nội dung thi đấu với tổng cộng
2.280 tấm huy chương (bao gồm cả huy chương nội dung đồng đội) được trao
tại kỳ đại hội lần này, trong đó có 726 vàng, 726 bạc và 840 đồng.
41: Nhà tài trợ
Có tổng cộng 41 nhà tài trợ cho kỳ đại hội lần này, bao gồm nhiều tập
đoàn lớn của Hàn Quốc như SK Telecom, Korean Air, Lotte.../.
Phạm Duy (TTXVN)