Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Tư, 14/6/2017 22:38'(GMT+7)

Bắc Giang: Giảm sự chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các dân tộc

Bắc Giang đang nhân rộng mô hình trồng cam V2 trên địa bàn huyện Yên Thế.

Bắc Giang đang nhân rộng mô hình trồng cam V2 trên địa bàn huyện Yên Thế.

Theo ông Nguyễn Hồng Luân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang: Hiện nay, UBND tỉnh Bắc Giang đang tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiên Chiến lược công tác dân tộc, trong đó có nội dung đẩy mạnh  phát triển kinh tế vùng dân tộc và miền núi của tỉnh theo hướng bền vững; giảm sự chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các dân tộc.

Là tỉnh miền núi, Bắc Giang hiện có diện tích tự nhiên 3.822 km2, bao gồm 9 huyện, 1 thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao. Trong tổng số 230 xã, phường, thị trấn, có 188 xã (chiếm 81%) vùng dân tộc và miền núi. Theo quy định của Chính phủ, huyện Sơn Động của tỉnh thuộc diện thực hiện chính sách theo Nghị quyết 30a.

Trên địa bàn tỉnh có 21 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 13% dân số toàn tỉnh (22 vạn/1,6 triệu dân).

Nhằm triển khai có hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc, đến nay toàn tỉnh Bắc Giang đã có 24 đề án, kế hoạch liên quan đến lĩnh vực này được phê duyệt; 6/6 huyện miền núi có đồng bào DTTS đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS, thực hiện Chương trình 135 và nhiều chính sách khác của Đảng và Nhà nước về dân tộc miền núi đạt nhiều kết quả cụ thể, thiết thực.

Thời gian qua, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội đã giúp đồng bào DTTS tỉnh Bắc Giang xây dựng được hàng trăm mô hình phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi; các công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, trường học, y tế, nước sạch, nhà văn hóa. Gần 100 hộ được hỗ trợ đất sản xuất; 500 hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, bình quân 30 triệu đồng/ hộ; 1.220 hộ được hỗ trợ mua sắm thiết bị, máy móc, nông cụ sản xuất, chuyển đổi nghề; 3.263 người được tập huấn kỹ thuật các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp…. 18 loại các ấn phẩm báo và tạp chí đã được cấp phát đầy đủ, kịp thời đến các đối tượng được thụ hưởng theo quy định. Những người có uy tín trong đồng bào DTTS được mở rộng và phát huy; trong đó 1 người có uy tín tầm ảnh hưởng cấp tỉnh, 13 người cấp huyện, 45 người cấp xã, 461 người cấp thôn bản.

Đồng bào DTTS trên địa bàn cũng đã có nhiều đòng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân ổn định và từng bước được nâng lên; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; kinh tế vùng dân tộc miền núi của tỉnh có những bước phât triển mới.

Trong thời gian tới, Bắc Giang sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa Chiến lược công tác dân tộc, trong đó chú trọng vào phát triển kinh tế vùng dân tộc và miền núi.

Một là, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở; cải thiện và nâng cao hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS; giảm sự chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giữa các vủng trong tỉnh.

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, miền núi thực hiện tốt Chiến lược công tác dân tộc  đến năm 2020 và các mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS cũng như các chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương về công tác dân tộc, miền núi.

Ba là, triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh, trong đó có Đề án chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi.

Bốn là, vận động và tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia các chương trình phát triển kinh tế, nhất là các xã khu vực III.

Năm là, thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trính, dự án chính sách có liên quan; phối hợp, phát huy các nguồn lực đầu tư trực tiếp ở vùng dân tộc và miền núi của tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với vùng dân tộc; tạo ra được nhiều hơn nữa các mô hình phát triển sản xuất và các công trình phát triển kinh tế - xã hội./.

Thái Hòa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất