Thứ Bảy, 21/9/2024
Thể thao
Thứ Hai, 26/5/2014 14:12'(GMT+7)

Bắc Ninh: Tạo bước phát triển thể dục, thể thao đến năm 2020

Màn đồng diễn của khối học sinh THPT huyện tại Đại hội TDTT điểm huyện Yên Phong lần thứ VII.

Màn đồng diễn của khối học sinh THPT huyện tại Đại hội TDTT điểm huyện Yên Phong lần thứ VII.

Sau khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị “Về tăng cường lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 25-10-2012, Kết luận số 76-KL/TU, ngày 24-01-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện “Chương trình đầu tư trọng điểm các môn thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020”. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 1357/UBND-VX, ngày 4-7-2013 về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 và tổ chức hội nghị học tập triển khai cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện, thị. Cùng với đó, hướng dẫn tuyên truyền, học tập Nghị quyết đến quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức linh hoạt. Nhờ các chủ trương đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và đông đảo nhân dân về công tác thể dục, thể thao (TDTT) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác TDTT, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo nên phong trào TDTT phát triển mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời huy động các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế tham gia vào các hoạt động TDTT.

Qua học tập Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, đa số cán bộ, đảng viên, quần chúng dân nhân đã nhận thức được vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác TDTT trong đời sống xã hội, từ đó tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn toàn tỉnh. Ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nêu cao được vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền chỉ đạo và phối kết hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan trong việc thực hiện hiệu quả những kế hoạch đã đề ra.

Phong trào TDTT quần chúng trong toàn tỉnh phát triển sâu rộng, với nhiều nội dung hoạt động phong phú. Hoạt động TDTT trong cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động luôn phát triển mạnh mẽ. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020 gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, và Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng, góp phần nâng cao sức khoẻ, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh ở cơ sở. Tính đến năm 2013, số người luyện tập TDTT thường xuyên đạt 32,5%, số gia đình thể thao đạt 16,5%. Mỗi năm toàn tỉnh tổ chức từ 10-15 giải thi đấu cấp tỉnh, hơn 80 giải thi đấu cấp ngành, huyện, thành phố và gần 800 giải thể thao cấp xã, phường, thị trấn; hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.325 câu lạc bộ thể thao và 7 liên đoàn, hiệp hội thể thao cấp tỉnh.

Công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học luôn được chú trọng. Đến nay, 100% số trường thực hiện chương trình thể dục chính khóa có nề nếp, trên 48,5% có hoạt động TDTT ngoại khóa thường xuyên… Đội ngũ giáo viên TDTT đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Các hoạt động TDTT trong trường học luôn đạt thành tích cao; đăng cai Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực gây ấn tượng, đạt thành tích xuất sắc. Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII – 8-2012 tại Cần Thơ, Đoàn Bắc Ninh có 88 vận động viên tranh tài các nội dung thuộc 8 môn thi, kết quả giành: 27 huy chương: 9 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 13 huy chương đồng, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố toàn quốc về huy chương (sau Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Tháp, Điện Biên, Bình Dương), vượt chỉ tiêu đề ra.

Công tác xã hội hóa về TDTT đã có nhiều chuyển biến tích cực và đang nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế. Hàng năm, ngành VHTTDL đã ký kết triển khai chương trình liên tịch với các ngành, đoàn thể chính trị, như: Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quân đội, Liên đoàn Lao động, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Mặt trận tổ quốc, Hội Người cao tuổi, Báo, Đài phát thanh và truyền hình…nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động TDTT. Thông qua đó,  thu hút nhiều nguồn lực xã hội đóng góp cho hoạt động TDTT. Hoạt động phối hợp liên ngành luôn được ngành VHTTDL tỉnh đẩy mạnh, phối hợp Ngân hàng Liênviệt Bank tổ chức thành công giải Bóng chuyền Nữ Cúp mùa xuân Liênviệt Bank, giải Cầu lông và Kéo co Đoàn khối các cơ quan tỉnh, giải hội thi thể thao Người cao tuổi, giải Cầu lông ngành Y tế, hội thao ngành Điện lực,... có thể nói sự phối hợp liên ngành khẳng định vị thế và khả năng trong công tác tổ chức, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, huấn luyện viên TDTT toàn tỉnh.

Thể thao thành tích cao được duy trì và có bước phát triển mới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm, thế mạnh của tỉnh, như : vật, karatedo, cờ vua, cầu lông, boxing, đấu kiếm, đá cầu, cử tạ. Công tác đào tạo vận động viên được duy trì thường xuyên, xây dựng kế hoạch phát triển đào tạo một số môn thể thao mới như: vovinam, đá cầu, bên cạnh đó, ngành VHTTDL tỉnh còn quan tâm đến các môn thể thao trong hệ thống Olimpic: võ thuật, đấu kiếm, cờ vua, cầu lông… Các môn đào tạo theo 3 tuyến: đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ và đội tuyển năng khiếu, với khoảng 250-300 vận động viên. Hàng năm, tỉnh cử 25-30 đoàn tham dự giải thể thao quốc gia và nhiều giải thể thao quốc tế với 248 lượt vận động viên tham gia thi đấu. Kết quả đạt 112 huy chương các loại, trong đó có 20 HCV, 35 HCB, 57 HCĐ; thông qua các giải đấu có 20 VĐV được phong cấp kiện tướng, 25 VĐV đạt cấp 1. Năm 2011 lần đầu tiên VĐV tỉnh giành huy chương vàng tại giải trẻ thế giới ở môn Boxing.

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V năm 2006 Bắc Ninh tiếp tục cải thiện lên vị trí 24/66 tỉnh, thành, ngành tham dự đại hội. Với tổng số 28 huy chương, trong đó có 6 HCV, 9 HCB và 13 HCĐ; đến Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI-2010 nâng lên vị trí 22/66 tỉnh, thành, ngành tham dự với 38 huy chương, trong đó có 9 HCV, 9 HCB và 20 HCĐ.

Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT từng bước được đầu tư, xây dựng mới, bước đầu đáp ứng một phần công tác đào tạo vận động viên và nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân trong tỉnh...

Bên cạnh những kết quả đạt được trên các lĩnh vực TDTT, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: TDTT quần chúng phát triển mạnh nhưng chưa đồng đều. Thể thao thành tích cao tuy được quan tâm, song một số môn thể thao trọng điểm đạt hiệu qủa chưa cao, còn ít huấn luyện viên giỏi; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phong trào còn khó khăn, nhất là ở một số xã nghèo; huy động nguồn lực của xã hội cho hoạt động TDTT còn ở mức khiêm tốn,...

Từ những kết qủa đạt được qua việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như những tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động TDTT, tạo tiền đề phát triẻn đến năm 2020 tỉnh, Bắc Ninh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chính sau:

Một là, tiếp tục triển khai thường xuyên, sâu rộng Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 24-CT/TU của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, kết hợp với các tiêu chí về rèn luyện thể lực với các chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, với xây dựng nông thôn mới.

Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp uỷ Đảng và chính quyền đối với công tác thể dục, thể thao. Từng cấp uỷ đảng phải xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác TDTT. Chính quyền các cấp phải có quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp TDTT trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch chung của tỉnh, đặc biệt là quy hoạch đất đai, công trình thể thao phục vụ nhu cầu tập luyện của nhân dân; đồng thời, thường xuyên phối hợp công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết tại các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở.

Ba là, quan tâm đầu tư cho TDTT theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 24-CT/TU của Tỉnh ủy; thực hiện việc hỗ trợ dụng cụ thể thao, tài liệu chuyên môn và phụ cấp trách nhiệm cho cộng tác viên TDTT ở các xã khó khăn. Quy hoạch đất cho hoạt động TDTT cấp xã theo Quyết định 100/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới về dành đất và xây dựng công trình văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, đảm bảo đất để người dân làm sân chơi, bãi tập thể thao.

Bốn là, đổi mới công tác tuyển chọn, huấn luyện thể thao theo hướng khoa học và hiện đại; coi trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và y học TDTT là khâu ưu tiên, nhằm tạo ra những bước đột phá để nâng cao thành tích thể thao của tỉnh.

Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền,.. tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác TDTT để góp phần nâng cao sức khoẻ, thể lực, giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống và xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Sáu là, thực hiện xã hội hoá, phát huy tính tự giác và chủ động của nhân dân. Cần hướng hoạt động TDTT về cơ sở, về người dân; khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ phong trào; phối hợp với các ngành chức năng xây dựng nhiều điểm vui chơi thể thao, giải trí cho thanh, thiếu niên và các điểm tập đối với công nhân viên chức lao động, người cao tuổi,... gắn với các hoạt động văn hoá, lễ hội, du lịch của tỉnh.

Bảy là, quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho các vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và cán bộ trong toàn ngành. Hàng năm, tổ chức các lớp bồi dưỡng hướng dẫn viên, huấn luyện viên, trọng tài cho cán bộ TDTT ở cơ sở tham gia hướng dẫn hoạt động TDTT trong nhân dân; tổng kết thực tiễn, nhân rộng các điểm hình tiên tiến, khen thưởng kịp thường các đơn vị, cá nhân tiêu biểu trong các hoạt động thể dục, thể thao..../.

Phạm Thanh Cẩm - Ban Tuyên giáo Trung ương

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất